Nhìn lại 15 năm với bao lần điều chỉnh tính tình để phù hợp với nhau, tôi học hỏi nhiều điều từ anh - người bạn đời của tôi. Anh dạy tôi sự chỉn chu, ngăn nắp. Tôi học anh cách tự yêu quý lấy mình. Anh luôn dang rộng vòng tay đỡ đần việc nhà để tôi tự do, nỗ lực cho sự nghiệp.

Tôi lấy chồng năm 25 tuổi, độ tuổi xuân thì đương đẹp, công việc đang trên đà phát triển. Tin vào trực giác cùng sự ủng hộ của ba mẹ, tôi quyết định chọn anh. Quen nhau với vai trò là đồng nghiệp, tôi dần nhận ra sự quan trọng của anh. Đó là khi đi công tác xa nhà 3 tuần, vào đêm giao thừa, tôi chỉ muốn gọi điện cho ba mẹ và anh.

Cách nhau 1/3 vòng trái đất, chúng tôi vẫn cảm nhận được 2 trái tim đang hòa cùng nhịp đập. 

Đến bây giờ tôi cũng không rõ vì sao tôi có thể ấn tượng với nụ cười hiền bẽn lẽn của anh ngay lần đầu gặp mặt. Đã gần 20 năm trôi qua, tôi vẫn có thể nhớ rõ từng chi tiết về nụ cười ấy. Hôm đó, anh mới về cơ quan nhận việc. Chiếc áo sơ mi màu xanh da trời chỉn chu phù hợp với dáng anh ngồi nghiêm chỉnh ở góc phòng để nhận việc bàn giao. Tôi là cô gái cá tính làm ở phòng cạnh bên, quần thụng, áo thun xắn tay lên cao, đang khuân chồng hồ sơ nặng trĩu. Chỉ vì lỡ ngẩng đầu nhìn vào nụ cười bẽn lẽn lại chứa đựng ánh mắt chính trực của anh mà tôi “đông cứng” mất mấy giây. Tôi đã từng nghĩ, chúng tôi chỉ là 2 con người ở 2 thái cực khác nhau quá xa, tôi quý anh nhưng chỉ phù hợp làm bạn.

Anh hiền lành, ít nói, nhưng khi nói sẽ có giá trị như một lời cam kết. Ngày chúng tôi về chung một mái nhà, anh bảo: “Ráng 1, 2 năm, anh tốt nghiệp rồi sẽ lo cho em tốt hơn”. Thời điểm ấy, lương tôi cao gấp đôi anh; nhưng vì tôn trọng chồng, mỗi tối khi anh đi tắm, tôi lén bỏ vào ví anh 20.000, 30.000 đồng - con số khiêm tốn, chỉ vừa đủ dằn túi 2 tô phở mà không khiến anh khó chịu với cảm giác làm phiền vợ. Thấm thoát thoi đưa, tôi dần trở nên nữ tính, dịu dàng hơn trong khi anh dần trở thành người chủ động chăm lo cho cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn từ lúc nào chẳng rõ.

Tôi yêu màu xanh cây lá. Tôi có thể dành hàng giờ để ngắm hoa lá, cỏ cây trước ngõ. Anh quan sát và biết hết. Một ngày đẹp trời, sau hơn chục năm vun đắp mái ấm gia đình, vừa đủ thảnh thơi một chút, anh tặng tôi một khu vườn xinh ở sân sau. 2 ngày cuối tuần, anh đẩy xe rùa ra tận ngoài đường cái, xúc từng xe đất về. Nhà tôi trong hẻm nhỏ, xe ben không chở đất trồng cây vào tận nơi được, nhưng anh vẫn kiên trì lập nên khu vườn dành tặng riêng tôi. 2 hôm ấy, cả xóm tôi đi qua đi lại đều khen anh nhìn thư sinh vậy mà giỏi cả việc tay chân. Tôi thầm cảm ơn nhân duyên đã cho tôi được gặp anh. Nhưng tôi biết, đó là cả một quá trình yêu thương, tôn trọng dài lâu để chúng tôi đi đến hôm nay.

Anh chu đáo, việc gì cũng có sự chuẩn bị trước. Anh bù trừ thiếu khuyết, đểnh đoảnh của tôi bằng cách ghi nhớ vị trí từng món đồ tôi hay làm thất lạc như chìa khóa, mắt kính, đèn pin, cục sạc điện thoại. Anh nghe tôi khen, ra vẻ thở dài, hài hước nói: “Thân trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”.

Tôi nấu ăn vụng lắm, nhưng với vai trò một người vợ và một người mẹ muốn chăm lo cho gia đình, tôi dần học cách đứng bếp nấu ăn. Từng chút một, tôi tập nêm nếm yêu thương vào bữa cơm gia đình. Cho đến gần đây, tôi nhận được lời phàn nàn từ chồng: “Tại em nấu ăn ngon mà anh mập rồi nè”. Tôi mỉm cười vì biết đây là lời khen từ anh chồng không thích nói nhiều lời hoa mỹ. Anh cũng khuyến khích tôi cho phép bản thân lười biếng vào các cuối tuần. Khi nhìn thấy sự mệt mỏi ở tôi sau những ngày tăng ca, anh hay ghẹo: “Vợ ơi, hôm nay anh chán cơm, thèm món lạ” để tôi không phải vất vả bếp núc thêm.

Anh chu đáo, việc gì cũng có sự chuẩn bị trước. Anh bù trừ thiếu khuyết, đểnh đoảnh của tôi bằng cách ghi nhớ vị trí từng món đồ tôi hay làm thất lạc như chìa khóa, mắt kính, đèn pin, cục sạc điện thoại. Anh nghe tôi khen, ra vẻ thở dài, hài hước nói: “Thân trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”.

Tôi nấu ăn vụng lắm, nhưng với vai trò một người vợ và một người mẹ muốn chăm lo cho gia đình, tôi dần học cách đứng bếp nấu ăn. Từng chút một, tôi tập nêm nếm yêu thương vào bữa cơm gia đình. Cho đến gần đây, tôi nhận được lời phàn nàn từ chồng: “Tại em nấu ăn ngon mà anh mập rồi nè”. Tôi mỉm cười vì biết đây là lời khen từ anh chồng không thích nói nhiều lời hoa mỹ. Anh cũng khuyến khích tôi cho phép bản thân lười biếng vào các cuối tuần. Khi nhìn thấy sự mệt mỏi ở tôi sau những ngày tăng ca, anh hay ghẹo: “Vợ ơi, hôm nay anh chán cơm, thèm món lạ” để tôi không phải vất vả bếp núc thêm.

Trong bất cứ mối quan hệ nào, nhất là trong hôn nhân, 2 người không thể cứ khăng khăng là mình mà cần điều chỉnh để trở thành chúng mình. Cùng với thời gian bên nhau, chúng tôi tự nguyện mài mòn bớt những góc cạnh của bản thân để mảnh ghép của chúng tôi càng khăng khít và bổ trợ cho nhau vừa vặn. Chúng tôi vẫn là mình nhưng cũng dần điều chỉnh để thành một gia đình trọn vẹn.

Chia sẻ bài viết: