Một đêm tháng giêng của hai năm về trước, khi đang chạy xe trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi bắt gặp một người phụ nữ lớn tuổi ngồi bệt trên vỉa hè, tay ôm một cậu bé đang say ngủ. Cám cảnh chuyện người dì dưới quê đang nuôi đứa cháu ngoại một mình vì con gái phải đi làm ở thành phố, tôi quay xe trở lại, ghé vào hỏi thăm. Thì ra người này cũng có hoàn cảnh tương tự, nhưng gần đây cô con gái mất tích. Hết tiền mà tìm không được con, nên ngày mai hai bà cháu sẽ về quê. Mủi lòng, tôi rút bóp nhét vào tay người phụ nữ hai tờ giấy xanh.
Xin tiền để mua bia, sao phải nói dối?
Chuyện người phụ nữ và cậu bé thật sự ám ảnh tôi mấy ngày liền. Linh tính mách bảo tôi có cái gì đó sai sai, nhưng rồi mọi thứ dần chìm vào quên lãng. Tôi cũng rời Sài Gòn sau đó.
|
Là “hành khất chuyên nghiệp”, anh Chút (chợ Mỏ Cày Nam) từ lâu lại rất “cuồng” thắt cà-vạt khi xuống đường xin tiền - Ảnh: Diệu Hiền |
Tết vừa qua, tôi về thăm nhà và đón tiếp một đôi bạn người Ý. Sau khi trở lại châu Âu, hai bạn nói lời cảm ơn và nhờ tôi một việc: đến chợ Bến Thành tìm cô bé bán bóp bị tật ở chân. "Cô bé có đôi mắt sáng thông minh. Chúng tôi muốn đỡ đầu dài hạn để cháu được đến trường". Tôi nhanh chóng ra chợ dò la thông tin. Bất ngờ thay, bà con trong chợ ai cũng biết cô bé và khuyên tôi nên quên việc này, vì nhà em rất khá giả. Trước đây, có nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến giúp đỡ để em được đến trường, nhưng gia đình em lại lấy đó làm cơ hội cậy dựa.
Nghe tôi thuật lại chuyện sáng nay, mẹ tôi ngồi trầm ngâm tiếc cho cô bé rồi bảo: "Một số người còn cho trẻ con uống thuốc ngủ rồi ôm chúng ra lề đường xin tiền. Nhiều trường hợp đã bị bắt". Tôi nghe mà giật thót cả người. Thôi tiêu rồi, rất có thể mình đã từng nhiều lần góp phần hủy hoại cuộc đời một đứa trẻ, khi cho tiền những kẻ dùng chúng để trục lợi.
Những ai đang sống hoặc có dịp đến thăm thành phố San Francisco (Mỹ), đoạn nhà máy sản xuất sô-cô-la gần cầu tàu Pier 39, nếu có duyên, sẽ gặp anh chàng da xanh tái nhợt nhưng vui vẻ ngồi ôm bảng hiệu "for beer, why lie?" (tạm dịch “xin tiền để mua bia, sao phải nói dối?”). Hay mấy hôm trước, đang rôm rả tiệc tùng ở quán, tôi và đám bạn không khỏi ngưỡng mộ lẫn thẹn thùng trước một thiếu nữ bán kem dạo. Cô gái trông ốm yếu đến bàn chúng tôi mời chào sản phẩm. Cả đám liền hùn nhau cho tiền, nhưng em đã từ chối việc ban phát lòng trắc ẩn đó, mà chỉ mong muốn được chúng tôi mua hàng.
Cuộc sống muôn màu nên trắng đen, vàng thau thường lẫn lộn. Ai cũng như anh xin tiền mua bia hay cô gái bán kem thì mọi thứ sẽ quá đơn giản rõ ràng. Nhưng đồng tiền lại có ma lực ghê gớm, người cần nó thường cố bám lấy cho bằng được, cho nên lòng tốt vô tội vạ đôi khi trở thành con dao hai lưỡi.
“Cho”, liệu có gia cố cho thói chờ được “nhận”?
Bản thân tôi cũng thường gửi tiền cho bạn để làm từ thiện. Hôm qua bạn kể tôi nghe hai trường hợp bạn đang giúp. Một người mẹ công nhân nuôi bốn con nhỏ và người mẹ già. Hằng tháng ba cháu lớn đều nhận được mỗi cháu một phong bì năm trăm ngàn. Các cháu chia sẻ: "Cứ mong đến hết tháng để được nhận quà". Trường hợp thứ hai là một cặp vợ chồng có hai con nhỏ. Người vợ hơi khờ, ở nhà chăm con. Còn người chồng thì không đủ sức khỏe để lao động nặng.Căn nhà họ đang ở trống trơn, nhưng xung quanh trồng được mười cây dừa. Hằng tháng có người tài trợ năm trăm ngàn để sống. Bạn đã mua một bộ bếp gas, một nồi cơm điện và cái đồng hồ treo tường để làm quà.
Tôi hiểu bạn thương người nghèo khó, bạn vui lây khi thấy họ cười. Nhưng có lẽ bạn cũng có nhiều thứ đa đoan trong cuộc sống nên khi làm việc thiện, bạn không tính "đường dài".
|
Ảnh minh họa |
Căn nhà nhỏ của chị công nhân nằm trong con hẻm khá lớn. Nếu có ít vốn, mấy bà cháu có thể bán hàng tạp hóa. Qua ảnh, tôi còn thấy sau nhà có khoảng sân trống cỏ mọc đầy. Nên chăng ta giúp họ mua vài xe đất, sửa sang bằng phẳng để trồng rau. Còn phần tài trợ cho các cháu, sao ta lại không đưa ra một điều kiện phấn đấu cụ thể mà chỉ là "ráng học nhen con". Liệu ta có gieo vào các cháu thói sống ỷ lại?
Trường hợp hai vợ chồng nghèo, nhận được quà chắc họ vui lắm. Nhưng thật ra, bếp gas hay bếp củi, nồi cơm điện hay nồi than không quan trọng. Vấn đề của họ là làm sao có thức ăn để nấu, chứ hết cái bình gas này thì họ lấy đâu ra tiền để đổi cái tiếp theo đây? Với cái ao và mảnh vườn, tôi tin cái thích hợp mà họ đang cần là số vốn nho nhỏ để nuôi trồng, tự trang trải cuộc sống về lâu về dài.
Tôi quan niệm: tai ương hay khó khăn bệnh hoạn tức thời, là chuyện không ai lựa chọn. Nhưng ở nước ta, nhiều gia đình vẫn đang sống trong thiếu hụt triền miên. Cho nên nếu ta chỉ gửi cần câu để họ tự tìm cá, thì hẳn ta sẽ lần lượt giúp được nhiều người thoát khổ.
Thu Hằng