Lồng ruột ở trẻ em: Dễ nhầm với rối loạn tiêu hóa

05/12/2015 - 07:34

PNO - Lồng ruột là hiện tượng đoạn ruột phía trên di chuyển chui vào lòng đoạn ruột phía dưới hoặc ngược lại, làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột...

Mỗi ngày tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 có khoảng sáu ca lồng ruột nhập viện. “Bệnh dễ bỏ sót do nhầm với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nếu chậm phát hiện sẽ để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm” - BS Trương Anh Mậu, khoa Ngoại, BV Nhi Đồng 2 lưu ý.

Lồng ruột là hiện tượng đoạn ruột phía trên di chuyển chui vào lòng đoạn ruột phía dưới hoặc ngược lại, làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Hầu hết lồng ruột không xác định được nguyên nhân, nhưng vào những tháng bệnh hô hấp và bệnh tiêu chảy tăng cao thì tỷ lệ trẻ bị lồng ruột cũng tăng theo.

Giả thuyết được đưa ra là quá trình viêm hô hấp trên, nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa… sẽ thúc đẩy rối loạn co bóp ruột làm rối loạn nhu động ruột nên ruột dễ lồng vào nhau. Một số trường hợp trẻ lồng ruột là do khối u, polyp ở ruột.

Long ruot o tre em: De nham voi roi loan tieu hoa
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trẻ dưới 24 tháng tuổi bị lồng ruột cấp tính với biểu hiện khóc thét vì đau bụng đột ngột dữ dội, quấy khóc từng cơn, bỏ bú. Bệnh thường xảy ra lúc trẻ đang ăn nhưng bỗng khóc thét lên, báo hiệu khúc ruột bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó trẻ tạm thời nín khóc, bú trở lại nhưng sẽ khóc từng cơn khi cơn đau tái phát.

Sau khi quấy khóc, trẻ bắt đầu nôn. Ở giai đoạn đầu, trẻ nôn ra thức ăn chưa kịp tiêu hóa; giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra mật vàng mật xanh. Giai đoạn muộn hơn, khoảng 24 tiếng, trẻ có thể đi cầu ra máu tươi hoặc lẫn chút nhầy.

Khi trẻ nằm yên, sờ tay vào dưới bụng bên phải hoặc trên rốn có thể cảm nhận một khối nổi lên, trơn nhẵn, không cứng, đó là khối ruột bị lồng… Đôi khi rất khó khám trên thực tế do bé đau, giãy giụa nhiều. Lúc đó, siêu âm bụng sẽ đóng vai trò rất quan trọ ng trong việc chẩn đoán bệnh, khả năng phát hiện lồng ruột qua siêu âm có thể đạt 95-98%.

BS Trương Anh Mậu cho biết, tùy cơ địa từng trẻ mà biểu hiện lồng ruột khác nhau. Ở trẻ hai - bố n tuổi, thường bị lồng ruột mạn tính với triệu chứng đau bụng kéo dài từng đợt, các cơn đau thưa, chỉ xuất hiện cơn đau nhanh, thoáng qua, sau đó trẻ lại chơi đùa bình thường.

Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng làm phụ huynh chủ quan. Hoặc nếu trẻ có đau bụng, tiêu chảy sẽ dễ nhầm với rối loạn tiêu hóa. Đã có trường hợp thấy trẻ quấy khóc, nôn ói, đi cầu ra máu… phụ huynh liền nghĩ con bị tiêu chảy, kiết lỵ rồi tự ý cho trẻ uống thuốc tiêu chảy hoặc uống nước mát dẫn đến nhiều trường hợp cấp cứu trễ.

Theo BS Trương Anh Mậu, lồng ruột diễn tiến rất nhanh, trong vòng 24 giờ không đưa trẻ cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến ứ trệ thức ăn phía trên khối lồng. Ngoài ra, trong các đoạn ruột đều có mạch máu nuôi dưỡng.

Khi lồng ruột các mạch máu bị tắc nghẽn, đưa đến tình trạng mạch máu bị ứ trệ gây thiếu máu ruột dẫn đến viêm nhiễm, phù nề, xuất huyết, hoại tử ruột. Khi ruột hoại tử dẫn đến nhiễm trùng nhiễm độc nặng, một số trường hợp có thể thủng ruột gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm khuẩn khiến bệnh nhi tử vong.

Trẻ lồng ruột sẽ được xử trí bằng cách đặt một ống thông nhỏ vào lòng trực tràng (hậu môn) và bơm hơi với áp lực chuẩn tùy lứa tuổi vào ruột, tạo áp lực đẩy, khiến khối lồng được hơi đẩy tháo ra hoàn toàn.

Những trường hợp trẻ nhập viện muộn (thường sau 24 tiếng) với các triệu chứng nặng như bụng chướng, lừ đừ, tiêu phân máu, sốc… bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để tháo khối ruột lồng ruột. Nếu đoạn ruột lồng vào nhau bị hoại tử, cần phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột.

Một số trường hợp lồng ruột sau khi điều trị vẫn có nguy cơ tái phát và khó biết được khi nào bệnh sẽ xảy ra và không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi, nếu thấy trẻ quấy khóc, nôn ói cần lập tức đưa đến BV. Những trường hợp lồng ruột tái đi tái lại nhiều lần sẽ được chỉ định nội soi hoặc mổ thám sát để tìm hiểu có polyp, ruột đôi hay vấn đề gì bất thường trong ổ bụng không.

Một số trẻ sau khi điều trị lồng ruột có thể bị rối loạn tiêu hóa như đi phân lỏng, nhiều lần, chán ăn... Nhiều bệnh nhi phải mất một thời gian dài để các chức năng tiêu hóa trở về bình thường.

Do nguyên nhân lồng ruột ở trẻ không rõ ràng nên không có biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên, không nên để trẻ vừa ăn vừa chạy nhảy, lúc đổi sữa theo độ tuổi nên cho ăn với liều lượng từ ít sang nhiều, tránh cho ăn nhiều một cách đột ngột.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI