Nhiều cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và những người khác có mặt hôm ấy đều vô cùng xúc động khi chứng kiến cách ứng xử của bà Ngô Thị Huệ tại đám tang ông Dương Đình Thảo (Sáu Thảo) - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy, Người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại hội nghị đàm phán Hiệp định Paris trong những năm thập niên 1960, đầu thập niên 1970.
Hôm đó là ngày 17/1/2017. Mới sáng sớm, bà Bảy Huệ - như cách nhiều người vẫn gọi - đã đến Nhà tang lễ TPHCM (số 25 Lê Quý Đôn, Q.1) để viếng người đồng chí vừa qua đời hai ngày trước đó. Bà ngồi xe lăn, được người nhà đẩy đến. Trước linh cữu, bà dừng lại khá lâu, như muốn chia sẻ điều gì đó với người đã khuất. Rồi bà ân cần thăm hỏi, chia buồn với những người thân của ông Sáu Thảo. Từng lời nói, cử chỉ của bà đều chan chứa lòng yêu thương, chia sẻ với thân nhân của người quá cố.
|
Dì Bảy Huệ và các đoàn viên thanh niên Hội LHPN TPHCM trong buổi giao lưu, họp mặt Phụ nữ Cứu quốc năm 2010 Ảnh: Phùng Huy |
Lúc này, đám tang khá thưa người nên bà Bảy Huệ ngồi lại khá lâu. Khi bà ra về, anh em phục vụ chúng tôi nhẹ nhàng khiêng chiếc xe lăn xuống thềm để đưa bà lên ô tô. Vừa đi được vài bước, bà níu tay chúng tôi rồi kêu các anh em lại, bà nắm lấy tay từng người và ngỏ lời cảm ơn vì đã giúp đỡ bà lên xuống.
Trong chúng tôi, có người nói: “Đây là nhiệm vụ của tụi cháu bác Bảy ơi”. Nhưng bà khoát tay: “Cảm ơn các em, các cháu đã giúp đỡ”. Tôi thấy mắt cay cay trước sự ân cần và nhân hậu của bà. Nắm bàn tay xương xương, nhăn nheo, tôi cảm nhận được sự ấm áp của một người phụ nữ đã kiên cường vượt qua nhiều lần tù đày và các thử thách khắc nghiệt trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Sau này, đọc hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh, tôi mới cảm nhận được hết tấm lòng nhân hậu của bà.
Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, từ nhỏ, bà đã vắng cha, bao nhiêu tình thương gần như dồn hết cho người mẹ tảo tần, vất vả. Chưa đầy 18 tuổi, bà đã thoát ly gia đình, hoạt động cách mạng rồi được kết nạp vào Đảng. Là người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Vĩnh Long, bà bị thực dân Pháp bắt giam và kết án chung thân khổ sai.
Sau Cách mạng tháng Tám, bà tham gia kháng chiến rồi kết hôn với ông Nguyễn Văn Linh - bấy giờ là Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, người sau này trở thành Bí thư Thành ủy TPHCM, Tổng Bí thư Đảng ta, người được coi là vị thuyền trưởng của công cuộc đổi mới đất nước. Ông bà vừa là đồng chí, vừa là bạn đời thủy chung, son sắt nhưng thời gian sống cùng nhau không nhiều bởi cả hai cùng hoạt động cách mạng. Các con của ông bà thường xuyên vắng mẹ, cha. Có khi, cả nhà sum họp nhưng không thể có những sinh hoạt bình thường như các gia đình khác bởi phải giữ nguyên tắc bí mật. Những điều đó luôn khiến bà ray rứt và cũng vì vậy, bà hết mực yêu thương các con, các cháu.
Trong thời gian công tác ở miền Bắc, bà đã nhận chăm sóc con của một số đồng chí đang công tác ở miền Nam bằng sự ân cần, chăm chút của một người mẹ. Ở bà Ngô Thị Huệ, lòng nhân ái như bao trùm trong các hoạt động, các công tác của mình.
Sau khi nghỉ hưu, bà luôn trăn trở với các hoàn cảnh khó khăn của người dân, như bà viết trong hồi ký: “Tôi luôn ray rứt và tự hỏi: Mình phải làm gì đây để bà con bớt những nỗi khổ đau do nghèo đói, bệnh tật?”. Từ niềm đau đáu ấy, bà đã cùng ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - nguyên Chủ tịch UBND TPHCM - và nhiều vị khác thành lập Hội Bảo trợ bệnh viện miễn phí, ra đời ngày 19/5/1994, sau đó đổi tên thành Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM.
Bà đã cùng nhiều vị cựu lãnh đạo TPHCM xây dựng hội thành một chỗ dựa cho đông đảo bệnh nhân nghèo của thành phố, nhiều tỉnh, thành khác và sau này còn mở rộng sang một số nước bạn. Chương trình nhân đạo của hội có bảy nội dung chủ yếu: đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, đem lại nụ cười cho trẻ thơ (sứt môi, hở hàm ếch), giúp bữa cơm miễn phí cho bệnh viện (hỗ trợ bệnh nhân và người nuôi bệnh), tặng xe lăn cho người khuyết tật, tặng học bổng cho trẻ em khuyết tật học giỏi, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, tặng máy nghe cho trẻ khiếm thính. Sau này, hội còn hỗ trợ mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo, tầm soát ung thư và phẫu thuật cho phụ nữ nghèo bị các bệnh phụ khoa.
Miệt mài công tác cho đến khi gần trăm tuổi, bà Ngô Thị Huệ luôn thể hiện tấm lòng nhân ái với các hoàn cảnh khó khăn. Trái tim yêu thương của bà luôn truyền cảm hứng cho những người khác.
Trái tim đó giờ đây đã ngừng đập, nhưng tấm lòng và tấm gương của bà vẫn còn đọng lại trong tất cả chúng ta.
Nguyễn Minh Hải