Con tôi đã hơn ba tuổi nhưng chỉ nói được vài từ như “ba” “bà”, “cá”, “mẹ”; khách đến chơi nhà, bé cũng chỉ biết “dạ” hoặc chào “bai bai”. Ngoài việc chậm nói, bé rất khỏe mạnh, tăng cân đều, vui vẻ và ngoan.
|
Ảnh minh họa. |
Nhiều người nói do vợ chồng tôi đi làm suốt ngày, giao con cho người giúp việc mà cô ấy lại ít nói nên bé không biết tập nói với ai. Không biết đó có phải nguyên nhân, hay con tôi bị bệnh gì?
Tôi có nên cho bé đi bệnh viện khám không? Dạo gần đây, tôi cũng dành thời gian mỗi tối chơi đùa với bé, nhưng không biết phải làm thế nào để giúp con tập nói. Nhìn con nhà hàng xóm cùng tuổi cháu nhà tôi mà líu lo suốt ngày, lòng dạ tôi như lửa đốt.
Trịnh Thị Giàu
(Q.12, TP.HCM)
Trẻ cần tương tác để hình thành ngôn ngữ
Rất chia sẻ với nỗi lo của chị Giàu. Chính tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh này cách đây hơn 10 năm. Thời gian ấy, vợ chồng tôi giao con cho bà nội chăm vì công ty gia đình vừa thành lập, quá bận rộn nên không còn thời gian cho con.
Bé đang ở tuổi học nói nhưng bà nội lại bị viêm họng hạt mạn tính, ho nhiều nên mệt và đâm ngại nói chuyện, nhất là với đứa trẻ lên hai. Vậy là bé làm bạn với cái ti vi và những đồ chơi vô tri của mình. Vợ tôi chỉ phát hiện ra con không biết nói khi một hôm cô ấy hỏi “con có thích ăn trứng không”, bé cứ nhìn trân mà chẳng nói gì.
Gặng hỏi con nhiều câu khác, vợ tôi òa khóc vì nghĩ con bị… câm. Đưa con đi khám, chúng tôi được tư vấn phải thường xuyên trò chuyện với bé. Qua tương tác với cha mẹ, mọi người, bé mới quan sát, học hỏi và hình thành ngôn ngữ. Vậy là thay vì im lặng mỗi khi tắm cho con, vợ tôi đùa chơi với bé, cô ấy bỗng trở nên nói nhiều khi kể cho con nghe đủ chuyện.
|
Ảnh minh họa. |
Tối đến, vợ chồng tôi bày trò đóng vai để bé tham gia… Cứ như vậy, chúng tôi không để con đơn độc nữa. Chỉ hai tháng sau, bé đã nói như… khướu. Tôi nghiệm ra, nói không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ, mà là giao tiếp. Nếu bị bỏ trên hoang đảo thì một người vốn nói nhiều cũng trở nên câm lặng. Cha mẹ cần tương tác với con nhiều hơn để vốn ngôn ngữ của bé hình thành và phát triển.
Nguyễn Thanh Tùng
Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Đọc sách và nghe nhạc cùng con
Con trai tôi biết nói rất sớm, mới hơn một tuổi mà bé đã có vốn từ kha khá, đủ để diễn đạt cho ba mẹ hiểu một số nhu cầu của con. Mọi người bảo thằng bé sau này sướng vì biết nói trước khi biết đi. Thật ra, việc bé nói sớm không phải tự nhiên mà có. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết tôi đã đọc sách cho con nghe từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ.
Khi bé được ba tháng thai kỳ, tôi đã đọc cho con nghe những câu chuyện cổ tích rồi tiếp tục như thế hàng đêm khi bé chào đời và lớn dần lên. Dù con chưa hiểu biết gì nhưng khi đọc sách, tôi hay nhìn con và hỏi “công chúa Tuyết rất dễ thương phải không nào?”, “những chú lính chì này dũng cảm quá, con cũng là chú lính chì đáng yêu của mẹ”…
Bé nhìn theo khuôn miệng tôi nói, ánh mắt tôi cười và “u, ơ” theo. Khi tôi hát và nghe nhạc cùng con, mắt bé sáng lên, khuôn mặt linh hoạt và cũng phát ra những âm thanh như hòa theo giai điệu. Bằng cách ấy, tôi giao tiếp, kết nối với con và bé đã biết nói rất sớm.
Quỳnh Trang
(Q.11, TP.HCM)
Giúp trẻ bộc lộ khả năng ngôn ngữ
Tùy mỗi trẻ mà thời gian học nói khác nhau, nhưng thông thường, trẻ bắt đầu nói được những âm “a”, “ba”, “bà” vào độ từ 3-6 tháng, phát âm được hai âm liền nhau như “ba ba”, “bà bà” khi 9-12 tháng. Trẻ nói nhiều từ hơn ở độ 18 tháng tuổi, với nhiều chuỗi âm thanh, có thể không rõ nghĩa. Nếu đến hai tuổi mà trẻ vẫn ậm ự, bập bẹ thì được xem như chậm nói.
Trẻ nói sớm hay chậm không chỉ phụ thuộc vào yếu tố bẩm sinh, mà việc nuôi dạy, kích thích, giao tiếp, tạo cơ hội cho trẻ trò chuyện đóng vai trò quan trọng để bé phát triển khả năng nói cũng như ngôn ngữ.
Do vậy, cha mẹ cần dành thời gian giao tiếp với con từ sớm như nói chuyện, hát, đọc sách, chơi đùa để khuyến khích trẻ nói. Chỉ bằng những cách đơn giản như cùng bé gọi tên con vật nuôi, các vật dụng trong nhà, món ăn, các thành viên trong gia đình, đặt câu hỏi cho bé và lắng nghe bé trả lời.
Nếu bé phát âm ngọng nghịu, sai từ, bạn đừng chọc ghẹo, cười chê hoặc bắt chước mà nên giúp trẻ phát âm đúng, nói đúng từ; khen ngợi, bày tỏ sự tự hào và tưởng thưởng khi bé nói được từ mới, từ đa âm để bé thích thú và nỗ lực học nói.
Cho trẻ tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng như đến trường, chơi đùa cùng nhiều trẻ khác cũng là cách tốt để bé học nói thông qua giao tiếp. Khi đưa trẻ đến công viên, khu vui chơi, cha mẹ không nên chỉ để bé chơi đùa, mà nên giới thiệu cho bé những điều mới mẻ ở nơi này, cho bé lặp lại các từ như “xích đu”, “cầu tuột”, “con voi”… để trẻ vừa được phát triển tư duy, vừa bổ sung vốn từ.
Ở tuổi lên hai lên ba, trẻ bắt đầu quan sát, nhận biết thế giới xung quanh và đặt ra nhiều câu hỏi; việc trả lời những thắc mắc của con không chỉ giúp trẻ có thêm kiến thức mà còn là cách giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ.
Trần Thiên Linh
(thạc sĩ tâm lý)
Minh Lâm (thực hiện)