Lòng mẹ

22/04/2014 - 11:56

PNO - PN - Mỗi ngày có nửa ký bột, ít đậu xanh, giá hẹ, vài mớ rau thơm, hành tỏi ớt và một buồng chuối chín nhưng hơn 20 năm qua, người mẹ ấy đã cõng trên vai cả gánh gia đình ba đứa con tâm thần.

edf40wrjww2tblPage:Content

Long me

Bà Lê Kim Hai với hàng bánh khọt trước nhà

MỘT ĐỜI GÁNH NẶNG

Người mẹ ấy tên Lê Kim Hai, SN 1944, gánh hàng bánh của bà không ở đâu xa, mà ngay trước cửa nhà số 234/39 Nguyễn Trãi, khóm 2, P.9, TP. Cà Mau.

Năm 22 tuổi, bà Kim Hai kết hôn với thầy giáo Nguyễn Phước Nhiên. Từ năm 1964 đến 1970, vợ chồng bà lần lượt sinh bốn người con: hai trai, hai gái. Ông cần mẫn dạy học, bà chạy chợ bán buôn, cuộc sống không dư dả nhưng ấm êm, hạnh phúc.

Không ngờ, mầm họa nằm trong chính hạnh phúc ấy: ba anh em Phước Hải, Kim Chi và Kim Oanh, trong số bốn người con của ông bà, đều chậm phát triển trí tuệ. Đến tuổi tới trường, ba anh chị cũng xách cặp đi về, nhưng đều lẹt đẹt mấy năm lớp 1. Thấy con ngờ nghệch, ông bà Hai cho nghỉ học, ở nhà. Bà nói: “Buồn lòng vô hạn, nhưng tôi cũng chỉ biết gắng làm thêm, bán thêm, gồng gánh hết chợ sáng đến chợ chiều cho các con có cơm ăn, áo mặc. Ông nhà tôi vừa dạy chữ cho trẻ ở làng, vừa đi phụ việc cho láng giềng kiếm thêm củi, gạo”.

Long me

Kim Oanh làm điệu để được chụp hình

Cơm áo và tình thương của cha mẹ không kéo được ba đứa con khỏi vùng tối tăm của trí tuệ. Thậm chí, do thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe tâm thần đúng mức, vào tuổi dậy thì, lần lượt chị Chi, anh Hải và chị Oanh đều trở bệnh nặng hơn. Bà Hai kể: “Lần Kim Chi có “ngày con gái” đầu tiên, nhà tôi kinh khủng lắm. Tôi đi bán chuối nướng về thấy con Chi ngồi thu lu ở cửa nhà, đầu tóc rối bù, căn phòng lênh láng máu me. Thằng Hải, con Oanh lấm lét trốn vào trong hốc kẹt. Thấy má, cả ba đứa cùng khóc òa, run lẩy bẩy. Con Chi sợ đến nỗi từ đó đến tận bây giờ nó không bao giờ tự chủ vệ sinh cá nhân được nữa. Thằng Hải xưa rất hay chơi đùa, nói chuyện với Kim Chi cũng đâm sợ chị”. Vì các con bệnh lạ kỳ nên bà Hai rất mặc cảm với xóm làng. Cũng may, lối xóm lại thương bà nên nay giúp cái này, mai giúp cái kia, dù họ cũng nghèo. Năm Hải 20 tuổi, bà Hai nghe lời hàng xóm khuyên, đi hỏi cưới một cô gái ở quê cho con trai. Một năm sau, vợ Hải sinh con đầu lòng, ôm cháu nội bỏ trốn. Bà Hai thở dài kể: “Con dâu tôi trốn là phải. Có thằng chồng như con nít, tối ngày giành vợ với con. Mấy đứa em chồng, đứa khùng, đứa điên thích thì nựng cháu, không thích thì vặn chân tay, nhéo người thằng bé… Con dâu tôi làm sao chịu nổi”.

May mắn cho bà Hai là người con trai giữa tên Phước Hà lành lặn, khỏe mạnh. 16 tuổi Hà đi làm thuê, phụ ba mẹ lo cho gia đình. Nhưng rồi Hà có vợ, phải tách ra lo cuộc sống riêng. Chị Nguyễn Thu Tư - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau kể: “Năm 2000, ông Nhiên đột ngột qua đời, gánh nặng càng đè thêm lên vai bà Hai. Chưa được bao lâu sau thì vợ của Phước Hà phát hiện khối u ác tính trong não. Hà lo cho gia đình nhỏ của mình không xong, nên cũng chẳng còn đường nào giúp mẹ!”.

Long me

Suốt ngày Kim Chi chỉ ngồi thu lu nơi góc cửa

"PHƯỚC VẪN Ở CÙNG MÌNH"

Khi chúng tôi ghé thăm, bà Hai đang đi bán chuối nướng ở sân vận động Cà Mau, cách nhà 3km. Kim Chi ngồi ở cửa, bứt tóc thả đầy lối vào. Thấy khách nhìn Chi, Hải cười hềnh hệch: “Nó bứt hoài mà tóc mọc hoài”, rồi anh lảm nhảm tiếp những câu chẳng đâu vào đâu. Một lúc lâu sau, anh ra vẻ “ý thức”, quay sang hỏi chúng tôi: “Tới thăm mẹ hả? Đợi tí nghe”. Được hỏi: “Mẹ buôn bán cực vậy, anh có thương bà không?”, Hải nói liền: “Thương chớ. Mà ai nói mẹ cực hồi nào? Mẹ có than gì đâu? Mẹ còn nói coi có đứa nào thương, mẹ hỏi cho. Hiểu ý không? Là mẹ tôi nói coi cô nào được thì dẫn về đó. Không có cô nào được hết!”. Rồi như khoái chí, Hải ngồi rung đùi cười. Chị Kim Lan, cán bộ Hội Phụ nữ đi cùng tôi lắc đầu cười theo: “45, 50 tuổi hết rồi nhưng ai cũng nhõng nhẽo với mẹ”. Chị chưa dứt câu, Kim Oanh từ trong buồng bước ra, vừa cắn móng tay vừa cười lỏn lẻn: “Mẹ cưng lắm đó. Mẹ cưng trên đầu con nè. Mẹ nấu cơm, mua mì gói cho con ăn, mẹ giặt đồ cho con, mẹ tắm cho con sạch. Mẹ bắt chí cho con. Con Chi bệnh, mẹ thức cả đêm canh nó. Mẹ còn đút cháo cho nó ăn, lớn rồi mà còn được đút ăn”. Rồi Oanh nghêu ngao hát: “Má ơi má, có má đời con sướng vui…”. 44 tuổi, Oanh vẫn cứ như đứa trẻ lên 10.

Kể chuyện bà Hai, bà Nguyễn Thị Mười, nhà đối diện nhà bà Hai nói: “Mấy chục năm trời bà ấy lao khổ vì con. Đã vậy, thỉnh thoảng bà còn phải canh chừng thêm hai thằng cháu nội phụ với Phước Hà. Tôi chưa từng thấy ai vô phước như bà!”. Bà Hai nghe xong, thủng thẳng: “Tôi nghĩ có phước mới có con cháu trong nhà. Chỉ vì các con bệnh tật nên mình vất vả vậy thôi. Nhìn chúng nó dù ngơ ngẩn, nhưng biết thương nhau, không quậy phá ai; biết trông mẹ đi chợ về mỗi ngày, chìa tay xin từng cái bánh, tôi biết phước vẫn ở cùng mình!”. Bà nói thêm: “Bây giờ tụi nó lành tính hơn nên đỡ lắm!”. Sự lạc quan và tình yêu thương con của bà khiến chúng tôi chạnh lòng.

***

Nuôi ba người con ngờ nghệch như vậy, chắc không bà mẹ nào dám nhận là mình “đỡ lắm”, nhưng bà Hai vẫn lạc quan: “Dù khó khăn, vất vả, nhưng tôi vẫn có cái duyên, hôm nào chuối nướng cả buồng bán cũng hết, bánh khọt đổ xong khay nào, hết khay ấy”. Ngẫm lại, nếu bà Hai không tự an ủi mình như vậy, có lẽ bà đã quỵ ngã từ lâu. Chia tay bà, lòng chúng tôi trĩu nặng, cứ nhớ đốm lửa nhỏ chập chờn trong cái lò be bé, lòng cầu mong nó sẽ cháy mãi, ấm hoài cho những phận người đang nương nhờ vào nó.

 HẠNH CHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI