PNO - Trong lúc nhiều bệnh viện hủy thuốc ung thư thì người bệnh nghèo phải chạy xe ôm, gom ve chai, bán vé số... chỉ để kiếm tiền mua thuốc ung thư. Không dám ăn nhưng họ vẫn phải mua thuốc.
Phòng khám của bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) một sáng thứ 6 nhưng vẫn đông đúc bệnh nhân.
Đội chiếc mũ vải rộng vành che sùm sụp xuống khuôn mặt, cô Triệu Mỹ Kiến (51 tuổi, nhà ở quận 2) thấp thỏm chờ đến lượt khám.
Đây là ngày thứ 21 – ngày cô đến để hóa trị căn bệnh ung thư vú. Và cũng là lần hóa trị thứ 5 của cô sau khi phải cắt bỏ khối u ở vú.
Bệnh nhân Triệu Mỹ Kiến lo lắng không biết có được bác sĩ cho sử dụng loại thuốc đặc trị ung thư rẻ tiền hơn hay không
Lần khám này cô có phần lo lắng, cô muốn đề nghị với bác sĩ điều trị đổi cho cô loại thuốc hóa trị khác. Loại thuốc cô được bác sĩ cho sử dụng là Farmorubicin. Cô Kiến không có gì phải chê loại thuốc này, ngược lại nó rất tốt cho sức khỏe.
Thế nhưng, với giá 4,5 triệu đồng cho một lần vô thuốc (sau khi đã trừ đi 80% tiền được bảo hiểm y tế thanh toán) là quá khả năng với túi tiền của cô – một cấp dưỡng trường mầm non đã nghỉ hưu.
Loại thuốc này tốt hơn hẳn so với thuốc Endoxan trước đây cô từng dùng, vốn bị tác dụng phụ làm cho nôn ói, mệt mỏi và kiệt sức nên cô đã một lần xin bác sĩ đổi thuốc.
Nhưng lần này, cô đổi thuốc vì lý do chi trả. Cô cho biết chỉ mong có được loại thuốc vừa túi tiền người bệnh mà lại không gây nhiều tác dụng đến thế. Căn bệnh ung thư vú chỉ vừa được phát hiện vào cuối năm 2016 nhưng đã khiến cho gia đình cô hết sức điêu đứng vì thu nhập của 2 vợ chồng cô là quá thấp để điều trị bệnh.
Khi được hỏi nếu không có một loại thuốc đáp ứng cho yêu cầu của mình thì cô sẽ làm sao, cô Triệu Mỹ Kiến im lặng rồi yếu ớt: “Có nhiều loại thuốc mà, chắc chắn sẽ có thuốc khác”.
Vợ chồng già chắt chiu từng món ve chai để trị bệnh
Dọc theo hành lang ở lầu 3 là các căn phòng điều trị nội trú đông đúc người. Hầu hết trong số này là các bệnh nhân điều trị ung thư. Không khó để chúng tôi nhận diện các trường hợp bệnh nhân nghèo nằm ở đây. Nhiều bệnh nhân chấp nhận đến hóa trị nhưng khi nghe thông báo tiền thuốc tạm ứng, họ rời khỏi bệnh viện.
Tỷ lệ bỏ điều trị vì không đủ tiền chữa bệnh theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức ước lượng là con số không hề nhỏ, lên đến khoảng 20%.
Ông Trần Công Hà (Tam Phú, Thủ Đức) phải chịu nhiều đau đớn vì ung thư sau phúc mạc
Nằm sát cửa ra vào là giường bệnh của ông Trần Công Hà (67 tuổi, sống tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức). Cô Trần Thị Mỹ Lệ (59 tuổi) – vợ ông đang miệt mài xoa bóp chân của chồng.
Cô Lệ cho biết chồng mình mỗi lần lên bị đau đớn thì la hét dữ dội. Ông Hà chỉ mới được phát hiện ra có khối u ở thận cách đây vài tháng.
Trước khi nhập viện, khối u khiến ông Hà đau tức ở vùng bụng. Có khi bỏ dở cuốc chạy xe ôm vì quá đau đớn, ông Hà dừng lại dọc đường, lấy ra chai dầu gió Trường Sơn thủ sẵn, uống ực một phát. Cảm giác tê tê và nóng ở bụng khiến cơn đau qua đi.
Nhưng những cơn đau không dễ gì bỏ qua nhanh như vậy. Càng ngày ông Hà càng đau nhiều hơn, hai chân bị phù nề. Khi nhập viện, thận ông đã bị ứ nước cấp độ 3. Các bác sĩ phát hiện ông bị ung thư sau phúc mạc. Khối u này chèn ép các mạch máu, tàn phá đi một quả thận. Việc phẫu thuật là không thể tiến hành vì có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
Sự sống của ông Trần Công Hà được đong đếm ở số lượng ve chai mà vợ ông bán được sau nhiều ngày góp nhặt
Mỗi ngày ông Hà đều phải được truyền thuốc giảm đau. Ông không thể rời khỏi giường bệnh quen thuộc ở Bệnh viện quận Thủ Đức. Nếu về nhà, vợ chồng ông không biết phải xử lý mỗi khi ông lên bị đau đớn như thế này.
Khoảng 10 ngày, 2 vợ chồng lại gom góp được khoảng 1 triệu đồng từ những món đồ ve chai mà cô Mỹ Lệ chịu khó góp nhặt để đóng tạm ứng cho bệnh viện. Nhưng số tiền chẳng thấm vào đầu vì cứ khoảng 10 ngày thì số tiền điều trị và nằm viện của ông Hà đã vào khoảng 10 triệu đồng.
Bệnh nhân Ty Văn Lai: "Chúng tôi đã cùng đường"
Nằm gần giường của ông Trần Công Hà là một bệnh nhân khác, cũng rơi vào cảnh đường cùng vì căn bệnh ung thư. Vợ chồng anh Ty Văn Lai suốt 3 tháng nay cũng phải nằm ở Bệnh viện quận Thủ Đức vì vết thương từ đợt phẫu thuật ung thư trực tràng tái phát. Chồng vào nằm viện thì vợ cũng phải bỏ việc để vào chăm chồng.
Anh Ty Văn Lai vốn là một thợ hồ khỏe mạnh rồi đột ngột phát bệnh vì khối u ở trực tràng. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u trực tràng thì sức khỏe quá yếu nên anh chuyển sang chạy xe ôm. Được hơn 1 năm thì xuất hiện nhiều cơn đau ở bàng quang nên anh phải nhập viện để hóa trị.
Mỗi đợt hóa trị là khoảng 7,5 triệu đồng dù đã được bảo hiểm y tế thanh toán một phần. Trong số này, có 2 loại thuốc có giá tiền không hề nhỏ như 1 hộp thuốc Campto có giá 3,7 triệu đồng nhưng một lần phải dùng đến 3 hộp; 1 lọ thuốc Eloxatin có giá 9,1 triệu đồng và mỗi lần vào thuốc thì dùng 2 lọ.
Chính vì thế, chỉ sau 2 đợt vào thuốc thì số tiền hơn 20 triệu đồng gom góp được đã không còn. Anh Ty Văn Lai thở dài: “Đợt này là bế tắc rồi. Chỉ mong bệnh viện giảm bớt tiền viện phí. Nếu không có tiền thì chịu trận thôi. Chứ điều trị ung thư trực tràng này toàn là thuốc dữ dằn mà cơ thể đau nhức lắm”.
Hủy thuốc đặc trị ung thư: đau lòng
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức chia sẻ: “Với bệnh nhân ung thư, nhất là ở giai đoạn trễ thì việc điều trị chủ yếu dựa vào thuốc đặc trị. Thuốc này giúp kéo dài cuộc sống và giúp bệnh nhân đỡ khó chịu. chẳng hạn đỡ đau, đỡ mệt, giúp khối u nhỏ lại, kéo dài cuộc sống, chất lượng sống hơn. Thuốc đặc trị là không thể thiếu trong điều trị ung thư. Vì thế không thể thiếu thuốc đặc trị được.
Hai mẹ con bán vé số gom tiền vào điều trị khối u ở dạ dày
Căn nhà xập xệ của chị Huệ và bà Năm. Tất cả số tiền có được đều dồn hết mua thuốc cho bà Năm
Chuyện phải hủy bỏ thuốc đặc trị ung thư là vấn đề không nhỏ. Đó là chuyện đau lòng và đáng tiếc vì một người không có thuốc để dùng còn một người thì đem đi hủy bỏ. Tất nhiên, thuốc điều trị ung thư là một loại hàng hóa đặc biệt, với những chỉ định nghiêm ngặt, nếu hết hạn thì phải đi hủy thôi.
Ở đây, thỉnh thoảng chúng tôi cũng tiếp nhận thuốc viện trợ. Khi đó, chúng tôi tìm mọi cách để sử dụng hết thuốc cho bệnh nhân. Các công ty và các sở ngành liên quan nên cố gắng giải quyết để khi thuốc đến tay bác sĩ điều trị thì thời hạn sử dụng còn dài để dễ dàng điều trị và cung cấp miễn phí cho bệnh nhân”.
Con đường phía trước của những bệnh nhân ung thư nghèo dường như là ngõ cụt
Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 trường hợp bệnh nhân phải nằm điều trị dài ngày tại khoa Ung bướu. Nơi này cũng có khoảng 350 trường hợp bệnh nhân ung bướu điều trị ngoại trú.
Có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân phải bỏ điều trị do không có điều kiện kinh tế, do nhà ở tỉnh khó khăn đi lại. Nếu được Bảo hiểm y tế thanh toán thì trung bình một bệnh nhân bị ung thư vú sau 6 đến 8 lần hóa trị chỉ thanh toán khoảng 40 triệu đồng.
Nếu không có bảo hiểm y tế thì số tiền lên đến trên 200 triệu đồng. Đối với những bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn cuối thì chi phí điều trị tăng cao hơn nhiều do phải sử dụng các loại thuốc đắt tiền và thời gian điều trị kéo dài có thể đến 5 năm. Lúc này, chi phí điều trị mỗi bệnh nhân ung thư có lên đến trên 300 triệu đồng/năm là chuyện bình thường.
Cũng theo bác sĩ Vũ, tuy bảo hiểm y tế đã thanh toán cho hầu hết các loại thuốc trị ung thư nhưng với một số loại thuốc trị ung thư mới xuất hiện thì chỉ được bảo hiểm y tế thanh toán một phần hoặc chưa thanh toán. Bệnh nhân sẽ phải chi trả từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/tháng cho các loại thuốc trị ung thư mới này.