edf40wrjww2tblPage:Content
Chính chàng DV trẻ Văn Long ngày ấy đã luôn mặc cảm vì thấy mình… xấu trai. Anh kể: “Chắc vì xấu trai nên sau khi ra trường, tôi tới sân khấu (SK) nào cũng bị từ chối, nhà làm phim đến mời, thấy mặt tôi là họ đi luôn, ức quá, tôi tự đặt Long-đẹp-trai cho sốc”. Tưởng nhất thời nổi giận nói chơi cho “đã nư”, chẳng dè anh bạn Trung lùn, khi làm đạo diễn video clip ca nhạc Trọn đời bên em cho ca sĩ Lý Hải đã đem bỏ cái tên Long-đẹp-trai vào clip, từ đó hiển nhiên thành nghệ danh mới của Văn Long.
Chơi sốc vậy mà hên, từ khi trở thành Long-đẹp-trai, đường công danh của anh bật lên thấy rõ, ai cũng tò mò muốn đến SK xem anh chàng DV này đẹp trai cỡ nào mà dám thậm xưng đến vậy. Nhưng xem rồi, người ta thấy ở anh, cái đẹp tuy có hơi bị “xẹp” chút ít trước cái duyên, song bằng lối diễn chậm rãi, nhấn nhá, biết tạo tình huống bất ngờ, Long-đẹp-trai luôn đem đến cho khán giả những tiếng cười nhẹ nhàng, thâm thúy.
Trong liveshow Hoài Linh 7
Sau khi tốt nghiệp khoa DV trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (khóa K19/N cùng với Thái Hòa, ca sĩ Việt Quang, Chế Hoàng Lan, Huy Cường …), vì “xấu quá không ai giao vai” như anh tự suy diễn, Long-đẹp-trai đành làm công việc trực phòng máy lạnh cho SK hài 135 Hai Bà Trưng của ông bầu Phước Sang. Được một thời gian, thấy không có tương lai, anh về quận nhà là Tân Bình xin dạy kịch ở Nhà Văn hóa quận. Ban ngày, Long làm đủ việc để mưu sinh, như sửa chữa cửa nhựa, tiếp thị sản phẩm… chờ đến tối đi dạy kịch với chút an ủi rằng tuy không được diễn nhưng vẫn là làm nghề.
“Liệu pháp tinh thần” đó cũng chỉ giúp anh ở yên được ba năm. Nỗi nhớ nghề lại trỗi dậy, đưa chân anh ghé vào SK 135 Hai Bà Trưng chơi, gặp Hữu Lộc, mới hay nhóm hài Hữu Lộc vừa khuyết một thành viên nên anh mạnh dạn xin thế chỗ. Hôm sau, bất ngờ anh nhận được điện thoại của Hữu Lộc, nhắn qua nhà lấy kịch bản để tối đi diễn. Trưa hôm đó, anh phải lao vào tập một lúc hai tiểu phẩm Thập diện Diêm Vương và Cơn lốc điện thoại đến quên cả đói. Đêm đầu tiên được chính thức đứng vào chỗ “người của công chúng”, Long-đẹp-trai phải chạy đến năm show, được nhóm trưởng Hữu Lộc vỗ vai khen “diễn như vậy là… ok”. Tối về, chàng DV trẻ nằm vật ra giường, miệng thì cười mà nước mắt chảy dài.
Văn Long và con trai
Nhóm tam tấu trẻ (gồm Hữu Lộc, Hà Linh, Long-đẹp-trai) ngày ấy làm mưa làm gió trên SK, từng được giới chuyên môn đánh giá cao trong các cuộc Liên hoan SK hài thành phố, song cũng không khỏi thấy tổn thương trước trào lưu hài nhảm nhí bị dư luận phê phán. “Là những người được học hành tử tế, chỉ vì không có đất diễn nên phải đi tấu hài kiếm sống, chúng tôi cảm thấy tự ái, quyết định gom nhau lại, lập một nhóm kịch đàng hoàng để làm nghề, đó là nhóm kịch Nụ cười mới”, Long-đẹp-trai kể.
Và rồi, vì muốn có danh chính để tham dự Liên hoan SK kịch chuyên nghiệp toàn quốc, nhóm kịch Nụ cười mới chuyển thành Công ty TNHH Nụ cười mới, đưa vở Ra giêng anh cưới em và Người nhà quê đi thi, đoạt luôn HCV. Được người sáng lập là Hữu Lộc coi như em nuôi nên con đường hoạt động của Long-đẹp-trai cũng... “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” theo số phận ở nhà mướn bấp bênh của SK Nụ cười mới. Sau khi mất đi sự đỡ đầu của Nhà hát Kịch TP, Nụ cười mới ra tá túc ở công viên Lê Thị Riêng một thời gian trước khi về định cư ở rạp Măng Non (cũ) trên đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM).
Được khoảng bốn năm, chưa kịp hoàn vốn đầu tư, lại phải trả “khu đất vàng”, dời về khuôn viên Trung tâm Văn hóa Q.10 trên đường Ba Tháng Hai. Mới đây, cũng vừa tròm trèm được bốn năm, nợ mượn để gầy dựng SK vừa tạm vơi, “đội quân” của Long-đẹp-trai lại phải khăn gói ra đi để trả mặt bằng vì vướng quy hoạch. Và sau nhiều nỗ lực “truy lùng”, Nụ cười mới vừa tìm được chỗ trọ mới: Nhà Văn hóa Sinh viên trên đường Điện Biên Phủ (Q.3) và dự định sẽ chào đón khán giả bằng một vở mới vào đầu tháng 11/2014.
Cũng với cách nói nhỏ nhẹ, chậm rãi, từ tốn như phần lớn những vai diễn của mình, song khác với tài gây cười trên SK, cuộc sống riêng của Long-đẹp-trai là những nốt nhạc trầm buồn khi anh không thể buông bỏ niềm đam mê nghệ thuật. Anh nói, ngay từ đầu con đường mình chọn đã là con đường hẹp, buộc anh phải vất vả leo lách mới đi được cho tới ngày nay. Cha mẹ anh vốn là bộ đội phục viên, thấu hiểu nỗi cơ cực vật chất nên muốn cậu con trai đầu học môn sinh rất giỏi của mình theo một nghề “đàng hoàng”, có tương lai tươi sáng, ổn định như nghề bác sĩ. Thuở nhỏ, anh cũng định như vậy, nhưng không hiểu sao, càng lớn, Long càng đam mê nghệ thuật.
Thấy con không mặn mà, cha mẹ anh xuống nước, không ép học bác sĩ nữa, mà theo ngành nghề nào cũng được, thậm chí có thể bán nhà cho đi học, nhưng nếu theo nghệ thuật thì… tự lo. Khi Long thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2, gia đình đã cắt viện trợ. Để trang trải học phí, anh vừa học vừa làm đủ thứ như phát tờ rơi, trực phim, làm hậu đài… Anh được mẹ của Hữu Lộc (khi ấy Hữu Lộc là khóa đàn anh trong trường) cho về nhà tá túc và coi như con. Chỉ đến khi Hữu Lộc lấy vợ và bản thân Long cũng đã có chút tên tuổi, tự lập được, anh mới trở về sống cùng cha mẹ.
Thời gian luôn là liều thuốc tốt để xoa dịu mọi thứ, mặt khác, chính cách sống, sự nghiệp của anh đã chứng minh cho cha mẹ thấy rằng, không phải ai làm nghề “xướng ca” cũng “vô loài” như định kiến.
Vai Thuận Phong Nhĩ trong vở Nàng tiên ngổ ngáo - Sân khấu Nụ cười mới
Nhưng tháo được “nút thắt” ở gia đình lớn, Long-đẹp-trai lại đứng trước cánh cửa vừa bị sập lại ở gia đình nhỏ. Tình yêu đã đưa anh đến với vợ khi “nàng” còn là cô nữ sinh trung học và nay đã có với nhau một cậu con trai năm tuổi. Tốt nghiệp phổ thông, vợ anh “tiếp quản” sạp hàng buôn bán đồ cưới của mẹ ruột trong ngôi chợ lớn nhất nhì thành phố. Thuở còn “rảnh rang”, mọi chuyện đều dễ cảm thông, nhưng khi có thêm một đứa trẻ, cuộc sống thật không dễ dàng.
Công việc buộc vợ rời nhà từ sáng đến tối mịt, còn chồng tất bật chuyện SK (quản lý, lo kịch bản, dàn dựng, chọn DV…) từ trưa đến nửa khuya, những lúc đi làm phim thì bất kể thời gian. Cậu con trai đành gửi “trọn gói” cho bà ngoại. Tình thế buộc một trong hai người phải bỏ nghề, mà phần ấy xem ra nghiêng về bên anh sẽ thuận hơn, nếu xét ở khía cạnh kinh tế. Anh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Yêu vợ, thương con, nhưng Long-đẹp-trai còn phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề với SK Nụ cười mới mà anh đang là người lèo lái (anh đảm nhiệm vai giám đốc thay người anh nuôi Hữu Lộc từ khi nghệ sĩ này đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông, cách nay hơn bốn năm).
Anh nói, đối với một DV, trụ được trên sàn diễn đã khó, giữ được lâu trong lòng công chúng còn khó hơn. Phải mất nhiều năm miệt mài lao động, anh mới tạo được chút ít lòng tin yêu nơi khán giả. Việc sinh tồn của SK Nụ cười mới chính là miếng cơm manh áo của bao anh em, đồng nghiệp, là tâm huyết gửi lại của người anh đã khuất. Đó là món nợ ân tình anh không thể không trả. Anh đem hết điều này “giải trình” với vợ, “xuống nước” năn nỉ cùng với lời động viên, hãy chờ anh một thời gian nữa, vì nghề này tuổi thọ cũng… ngắn, khi đó anh sẽ dành hết cho gia đình, rồi vợ chồng con cái sẽ cùng nhau đi du lịch, hưởng thụ cuộc sống…
“Ra tòa, tôi cũng nói y chang vậy, nhưng vợ tôi không thông cảm, kiên quyết chia tay”, anh kể rằng cuộc chia tay cách nay đã hơn hai năm, anh ra đi mà lòng buồn khôn tả. Hàng tuần, Long vẫn thu xếp về thăm con. Anh đặt tên con trai là Vũ Trấn Phương với “tham vọng” cậu con sau này sẽ mạnh mẽ, “trấn” được nhiều “phương” để làm chủ đời mình.
CÁT VŨ