Lồng đèn “tối thui” tự chế

30/09/2020 - 09:13

PNO - Lồng đèn bây giờ đẹp quá, thứ ánh sáng thần kỳ của lồng đèn Trung thu và những khao khát của lũ trẻ nghèo ngày ấy, chắc bọn trẻ hiện đại không bao giờ có được đâu!

Ở thị xã quê tôi hồi ấy, tết Trung thu những năm 1980, 1990 không có múa lân. Mọi trò chơi, đồ chơi bọn trẻ đều phải tự làm. Thứ sang nhất và mang dấu ấn tiền bạc, có lẽ là chiếc đèn lồng ông sao năm cánh với ba màu xanh - đỏ - vàng - cái loại lồng đèn kinh điển làm từ giấy bóng kính. 

Thứ đèn ông sao lấp lánh ấy, là của thằng bé con ông chủ lò than cuối đường. Trong xóm nghèo gần ga tàu, chúng tôi là con công nhân, con người bán hàng ngoài chợ, ngoài ga, nên gia đình ông chủ lò than bỗng nổi lên như một điểm giàu có, văn minh, hiện đại.

Tôi đi học, hãnh diện giới thiệu với chúng bạn: khu nhà tao có ti vi, khu nhà tao có máy cassette, rồi thì khu nhà tao có lồng đèn ngũ sắc. Chỉ giới thiệu "khu nhà tao", tôi cũng đủ thấy mình “sang sang” rồi. Bữa nào ti vi có phim hay hoặc trận bóng đá quan trọng, chúng tôi được ông chủ lò than mở cổng cho vào làm khán giả, hệt như xem chiếu bóng. Có bấy nhiêu, tôi sẽ kể suốt tháng.

Ông chủ lò than đông con và chiều chuộng tụi nhỏ quá mức, nên đa số bọn nhóc học kém, tính tình chảnh chọe rất khó ưa. Mỗi khi bố chúng mở cửa mời hàng xóm vào xem ti vi, chúng sẽ đứng canh cổng, đòi bán vé hoặc bắt phải đổi đồ chơi.

Tôi nhớ mãi cảnh thằng út nhà ấy chỉ mặt cho thằng này vào, loại con kia ra vì… nhìn không ưa. Chẳng biết sao tới lớp khoe mình được xem ti vi thì tôi hớn hở, chứ lúc qua cái cổng ấy, rõ là cảm giác ê chề.

Trung thu năm nào cũng vậy, đám trẻ nhà lò than giương cao chiếc lồng đèn bóng kính cha mẹ chúng mua ngoài phố. Ánh sáng lung linh tỏa ra từ chiếc đèn hút hết mọi ánh nhìn của đám trẻ xóm tôi. Còn chiếc đèn của bọn tôi đều chung một “công thức 0 đồng”. Tức phải xin cha mẹ vài chiếc đũa tre, đứa thì banh càng ngồi chẻ đũa, chuốt nan làm khung đèn; đứa thì hì hục nổi lửa, nấu thành hồ để dán đèn.

Giấy dán đèn đương nhiên là tập vở cũ đã viết kín chữ, muốn phủ được cái lồng đèn to, phải dán ghép vài tờ lại. Giữa lồng đèn có khi sót lại một điểm hai đỏ chót, to đùng.

Những cảnh bày ra vót tre, cắt giấy đầy sàn rồi nghe mẹ la mắng vì bỏ bê học hành, cơm nước, bây giờ kể lại cũng thấy vui vui. Nhưng hồi ấy, chẳng hiểu sao tôi cứ ôm cảm giác bực bội. Bản năng chị cả khiến tuổi thơ tôi đè nặng những trách nhiệm. Tôi muốn đàn em không thua “em người ta”, tức là cũng có chiếc đèn ông sao giấy bóng kính sang chảnh, hay ít nhất cũng có một ngọn đèn bỏ trong lồng, chứ không phải loại đèn một màu giấy cũ buồn tẻ.

Nhưng với những đứa trẻ tiểu học, làm sáng một chiếc đèn là không hề dễ. Những lần thất bại đã làm tôi chán nản cùng cực. Ví dụ, để làm được chiếc lò xo (thường tôi sẽ ngắt một đoạn dây mai-so của bếp điện cũ) gắn vào thanh tre bên trong đèn là cả một kỳ công. Chiếc lò xo thì luôn to hơn hoặc nhỏ hơn cọng đèn cầy tôi có, hoặc chèn quấn thế nào mà lò xo luôn phản chủ bằng cách đứt, tuột ra hoặc nằm ngả nghiêng. 

Tới công đoạn nhét đèn cầy vào mới mệt. Đốt đèn lên, giấy sẽ nhanh chóng bắt lửa cháy đùng đùng, đành phải quăng luôn chiếc lồng đèn mà ù té chạy, rồi lại loay hoay làm lại từ đầu. 

Có lần, lồng đèn cháy làm sao mà quăn hết cả tóc và lông mày tôi, mùi khét bốc sang tận hàng xóm. Nhưng khi chú Năm thò đầu sang hỏi, tôi vẫn thề sống thề chết không biết mùi gì, vì sợ chú về mách mẹ.

Chú Năm không mách, mà mẹ vẫn biết vì sao tôi cháy tóc. Các bà mẹ luôn thật tài tình trong sự thắc mắc tột độ của con trẻ. Bà dằn mặt tôi, cấm tiệt tôi bày trò cho đàn em nhét đèn cầy vào lồng đèn. Bà còn chì chiết: “Muốn thiêu chết các em hả?”.

Đó là lý do suốt nhiều năm sau, những chiếc lồng đèn giấy học trò cũ nhà tôi luôn tối tăm, xấu xí. Gặp đêm Trung thu mưa hoặc ánh trăng yếu ớt, đám rước nhà nghèo thật buồn, chỉ leo lét chút ánh sáng hột bưởi, hệt cảnh sắc ma trơi.

Không có lồng đèn lung linh, chúng tôi hay hướng mắt sang những chiếc lồng đèn ông sao của anh em nhà lò than. Có lúc tôi ác ý cầu cho chiếc lồng đèn của chúng “cháy bay màu tóc”. Nhìn chị Hằng chú Cuội dưới ánh trăng rằm, tôi hay ôm nỗi khát khao thoát ra khỏi xóm nghèo, đủ tiền tự sắm những chiếc ti vi, cassette thay vì phải năn nỉ xem nhờ. Tôi khao khát mua cho lũ em thật nhiều đồ chơi, lồng đèn đẹp đẽ, sang chảnh…

Trung thu xưa không có lồng đèn nhựa như bây giờ. Ảnh minh họa
Trung thu xưa không có lồng đèn nhựa như bây giờ. Ảnh minh họa

Thế rồi khi tôi lớn hẳn lên, loại lồng đèn ông sao bằng giấy bóng kính bỗng mất dạng. Lồng đèn nhựa Trung Quốc phủ khắp thị thành tới thôn quê. Tiếng nhạc éo éo, ánh đèn chớp lia lịa làm say mê triệu triệu con nít. Tôi không buồn, cũng chẳng vui khi nhìn em, rồi sau này là đám cháu xách những chiếc đèn nhựa đi qua đi lại mỗi mùa trăng.

Khoảng bảy tám năm gần đây, tôi mừng rỡ thấy lồng đèn hình ông sao với giấy bóng kính và sắc đỏ xanh rộn ràng trở lại các con phố. Bên trong lồng đèn giấy bóng kính gắn chiếc đèn điện nho nhỏ, thật là văn minh. Lũ trẻ lắc đèn thoải mái không lo cháy. Nhưng giờ đèn điện cũng nhiều quá, thứ ánh sáng thần kỳ của lồng đèn Trung thu và những khao khát của lũ trẻ nghèo chúng tôi ngày ấy, chắc bọn trẻ hiện đại không bao giờ có được đâu!

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI