Chị đưa con gái vô bệnh viện phụ sản trong mưa gió tơi bời. Một lần sa bằng ba lần đẻ, chị biết nhưng vẫn phải làm, phần vì sốt ruột muốn giải quyết nhanh, phần muốn tránh không bị gặp người quen. Mưa gió, nếu không cấp cứu thì chẳng ai vội tới bệnh viện.
Thật ngạc nhiên vì nhiều người cũng nghĩ như chị, nên khi hai mẹ con chị đến, thì chẳng còn cái ghế trống nào trước phòng thủ thuật. Chị dắt con gái tới băng ghế ở khoa gần đó. Đông vậy chắc phải đợi lâu, ngồi mé này lỡ đụng người quen thì họ cũng không biết mình đến phòng thủ thuật.
Con gái mím môi, cúi đầu. Trời mưa khiến hành lang đầy nước và cả bùn đất. Chị rùng mình nhìn từng bước chân đi qua, ngay ngáy lo sẽ có một cú trượt ngay trước mặt… Con gái co vai, chẳng biết vì mưa lạnh hay vì sợ. Chị vuốt tóc con, bàn tay ngừng lại trên bờ vai đang cố nén cơn run rẩy khiến chị đau lòng nhưng chẳng biết phải làm gì.
Chị nuốt tiếng thở dài. Giờ khắc này, chị muốn nói với con một lời mà không biết có nên nói không. Chị muốn nói, nếu con đủ can đảm thì mình giữ em bé lại. Nhưng nghĩ xa hơn, khi em bé lớn lên… Một đứa bé sớm đối diện với nỗi tủi nhục vì lỗi lầm của người sinh ra nó thì có nên không? Vậy nên chị im lặng nhìn theo con gái đi vào phòng thủ thuật. Từ khi biết chuyện, chị đã gắng làm điểm tựa cho con, gắng giữ bình tĩnh, cho tới lúc này thì mọi thứ như được xả ra. Chị trào nước mắt, thấy mình bất lực.
Con gái đi ra, bước liêu xiêu, mặt trắng nhợt. Chị đưa áo khoác, cái mũ vải và cái khẩu trang cho con. “Không sao đâu” chị nói, dìu con gái tới thang máy. May mà có thang máy. Như một lần sinh nở. Mà là con so. Không nên đi đứng nhiều, lại là lên xuống cầu thang, mai mốt sớm bị mỏi đầu gối.
Tầng trệt. Bên ngoài mưa trắng trời, nước lấp xấp trên sân. Chị định nói con gái đợi chị đi mua đôi ủng để chân con không bị ướt nước. Lẽ ra còn phải mang tất ấm. Nhưng nghĩ khi về nhà, biết giải thích sao với chồng về đôi ủng đáng ngạc nhiên, chị đành thôi. Chị còn sực nhớ hồi mình nằm ổ, phải nhét bông gòn vô hai lỗ tai để ngăn gió… “Kéo vành mũ sụp xuống che kín tai đi con” chị nói. Con gái làm theo như cái máy. Chị điện thoại gọi taxi, thì thầm vào tai con: “Đừng khóc, hại mắt lắm đó con”.
***
Con gái không thể nghỉ học dài ngày, cũng không thể lúc nào cũng áo dài tay và kín cổ, không thể trùm khăn, nên mỗi sáng nhìn con áo thun quần jeans dắt xe ra khỏi nhà, là chị phải nuốt nỗi xót xa. Chị muốn mình là người cầm lái, ngồi trước che chắn gió bụi cho con, cũng là một cách kiêng cữ. Nhưng, chị không thể. Con gái tự chạy xe một mình từ khi mới lên đại học. Nếu giờ chị đưa đón, chồng chị sẽ thắc mắc về sự bất thường…
Chị đành chú ý vào chuyện ăn uống. Chồng thích canh chua. Dọn mâm lên, chị dặn con gái chỉ ăn thịt kho tiêu thôi. Có bữa con gái quên, thò đũa tới đĩa dưa cải kho, là chị đá chân con dưới gầm bàn. Chị lại đá chân khi con thò đũa tới đĩa dưa leo, rau sống…
Suốt ba tháng mười ngày chị canh từng bữa ăn để nhắc con gái những món cần kiêng cữ. Buổi tối chị vào phòng con, thấy cái quạt quay tít trên tường, không có ánh mắt của chồng nên chị có quyền nổi nóng: “Cứ đợi mẹ nhắc từng tí một vậy sao?”. Con gái vội đứng lên tắt quạt, lầm bầm “Con xin lỗi, con quên”.
Chị chỉ muốn quát lên “Chuyện động trời vậy mà quên sao?” nhưng lòng chị lại mềm ra khi con gái vội vàng mặc cái áo khoác có mũ trùm lên đầu. Vậy đó, cả ngày trên lớp thì phong phanh, lúc này ngồi trong phòng kín mới trùm lại. Mà trùm kín cũng vì chị mà thôi! Chị dở khóc, dở cười.
Cứ vậy mà ba tháng mười ngày cũng qua giữa những đau, buồn, thương, quên, nhớ, muốn nổi giận mà cố ghìm, muốn khóc mà cố nhịn... Buổi tối cuối cùng của một trăm ngày cần kiêng cữ, chị nói với con gái như báo tin vui “Ngày mai con ăn uống bình thường được rồi đó”. Con gái ngước nhìn chị, đôi mắt ngơ ngác “Bình thường được rồi hả mẹ?”. Chị đau lòng quá. Làm sao có thể bình thường lại được nữa?
***
Nghe người ta đồn dạo này chồng chị hay đi với một cô. Chị không tin. Nhưng rồi chính mắt chị chứng kiến chồng mình và một cô gái trẻ trong quán cà phê đèn mờ, vai kề vai. Nỗi đau vì con gái dại dột khiến lòng chị như đã chật cứng, không còn chỗ cho nỗi đau bị phản bội. Thật ra, chị còn có cảm giác như được giải thoát.
Có chồng, việc che giấu lỗi lầm của con gái thành gánh nặng, đôi khi quá sức. Không có chồng, hai mẹ con sẽ thoải mái hơn, chị dễ chăm sóc con hơn, không phải phập phồng lo bí mật bị phơi bày, không phải nhìn trước ngó sau… Chị nghĩ ngợi miên man, cầm bút ký vào tờ đơn ly hôn mà tự tin mình không phải người có lỗi. Bỗng chị giật mình.
Ký đơn rồi thì nói sao với con gái? Nói sự thật là cha con phản bội mẹ chăng? Vậy thì chẳng khác nào chính chị cắt bỏ sợi dây duy nhất trên đời này giúp con gái nuôi giữ chút lòng tin mong manh. Ngay cả cha mình cũng không tin được thì con gái đầy thương tích ấy còn dám tin ai nữa mà bước tiếp trên đường đời còn rất dài?
Chị lại gắng vượt qua cơn mệt rũ người; trở thành điểm tựa cho chồng như đã làm điểm tựa cho con gái khi lầm lỡ. Chị gạt phắt những xì xào tai tiếng, giữ cho chồng cái hình ảnh một người cha tôn nghiêm trong mắt con. Chị trở thành hàng rào vững chãi che chắn cổng nhà mình trong cơn gió bão để chồng được bình yên với dư luận. Cuối cùng thì cô gái trẻ đó đành chịu thua trước niềm tin của chị, rằng chồng chị chỉ lạc lòng, say nắng.
Đàn ông, có khi phải đẩy vợ ra phía trước, là chồng chị trong thời điểm đó.
***
Kể chuyện nhà mình, chị cười: “Nếu hồi đó không vì thương con chắc đã ly hôn rồi. Giờ này đã tan đàn sẻ nghé rồi”. Chị lại cười: “Nói vậy thôi, đàn bà mình hay lấy cớ thương con để giấu chuyện mình thương chồng, đúng không em? Không thương sao bỏ qua được?”.
Nguyên Hương