Long An: Đóng âu tàu Rạch Chanh ngăn nước mặn vào nội đồng

22/03/2024 - 11:55

PNO - Do độ mặn xâm nhập sâu trên các sông, ngành chức năng tỉnh Long An đã cho đóng âu tàu Rạch Chanh để ngăn nước mặn vào nội đồng.

Ngày 22/3, ông Lại Đức Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành âu tàu Rạch Chanh (thuộc ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An) - cho biết, do độ mặn xâm nhập sâu trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tiền nên các cống trên kênh, rạch ở các tỉnh Tiền Giang và Long An được ngành chức năng đóng lại để ngăn nước mặn vào nội đồng.

Âu tàu Rạch Chanh là âu tàu đầu tiên của Việt Nam, được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016
Âu tàu Rạch Chanh là âu tàu đầu tiên của Việt Nam, được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016

Việc đóng âu tàu đã khiến các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi vùng Đồng Tháp Mười và ngược lại qua âu tàu Rạch Chanh tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, có khoảng hơn 80 phương tiện qua lại âu tàu này.

Để vừa bảo đảm lưu thông thủy, vừa ngăn mặn xâm nhập nội đồng, Trung tâm Điều hành âu tàu Rạch Chanh tiến hành quy trình đóng mở cửa âu kéo dài khoảng 45 phút đến 1 giờ để tàu thuyền qua lại.

Âu tàu Rạch Chanh giúp giao thông đường thủy từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại thuận lợi, rút ngắn quãng đường khoảng 50km, tiết kiệm thời gian 6-8 giờ so với việc đi theo tuyến kênh Chợ Gạo
Âu tàu Rạch Chanh giúp giao thông đường thủy từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại thuận lợi, rút ngắn quãng đường khoảng 50km, tiết kiệm thời gian 6-8 giờ so với việc đi theo tuyến kênh Chợ Gạo

Theo ông Lại Đức Dũng, vào mùa khô, do nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây (hạ nguồn) lên cao, hệ thống cửa âu sẽ được vận hành theo sự điều tiết. Khi cửa âu phía hạ nguồn mở, phương tiện được lưu thông vào buồng âu, cửa hạ nguồn sẽ đóng lại. Sau đó, cửa âu phía thượng nguồn mở ra để phương tiện đi qua kênh Nguyễn Văn Tiếp (thượng nguồn).

Các phương tiện neo hai bên âu tàu đợi khoảng 2 đến 3 giờ để cán bộ vận hành đóng mở cửa âu điều tiết phương tiện đi qua. Cứ như vậy lần lượt các phương tiện sẽ được lưu thông qua âu một cách nhịp nhàng và tránh tình trạng xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến mùa màng.

Ngược lại vào mùa lũ, nước từ kênh Nguyễn Văn Tiếp chảy về hạ nguồn, hệ thống cửa âu sẽ được mở 24/24 giờ.

Bên cạnh đó, âu tàu này còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xả lũ vào mùa mưa, ngăn mặn trong mùa khô, điều tiết nước ngọt cho vùng Đồng Tháp Mười
Bên cạnh đó, âu tàu này còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xả lũ vào mùa mưa, ngăn mặn trong mùa khô, điều tiết nước ngọt cho vùng Đồng Tháp Mười

Các phương tiện khi lưu thông đến âu sẽ neo đậu chờ tại các vị trí cụ thể. Lực lượng chức năng sẽ điều tiết cho từng phương tiện qua âu theo một chiều. Sau khi phương tiện từ bên này qua hết, sẽ điều tiết cho phía bên kia qua.

Âu tàu Rạch Chanh nhìn từ trên cao
Âu tàu Rạch Chanh nhìn từ trên cao

Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn và thủy lợi Long An đánh giá, tuy độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây là 1g/l, xâm nhập sâu đến xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An), cách cửa sông Soài Rạp gần 80km nhưng nhờ việc đóng mở âu tàu Rạch Chanh linh hoạt mà mặn xâm nhập không ảnh hưởng xấu đến khoảng 10.000ha lúa Đông Xuân ở Long An và hàng chục ngàn ha nông sản của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Âu tàu là một thiết bị lắp đặt trên các kênh rạch hoặc cảng biển để tăng và giảm mực nước, giúp các phương tiện giao thông đường thủy đi vào hệ thống đường thủy liền kề có mực nước chênh lệch nhau.

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI