PNO - Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài “Địa ngục chim trời” ở miền Tây (ngày 10/9), lãnh đạo tỉnh Long An cho biết sẽ xử lý quyết liệt, không để xảy ra tình trạng buôn bán, giết mổ dã man các loài động vật hoang dã…
Chim chết bày bán ở chợ Thạnh Hóa, tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch bệnh - Ảnh: Trung Thanh
Vừa phản cảm, vừa lây lan dịch bệnh
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An - cho hay, chiều 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã chủ trì cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan và chỉ đạo phải xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán động vật hoang dã ở chợ nông sản Thạnh Hóa. “Các hộ buôn bán nông sản và động vật sống hoạt động đan xen với nhau, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Hình thức bày bán, giết mổ, treo, nhốt các loài động vật hoang dã làm mất mỹ quan, phản cảm, gây bức xúc cho người dân và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã” - bà Khanh bày tỏ.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, chợ nông sản Thạnh Hóa (H.Thạnh Hóa, tỉnh Long An) là khu chợ tự phát trên khu đất thuộc chủ quyền của hai hộ dân, hoạt động từ năm 2014. Hiện nay, chợ có 53 hộ mua bán hàng hóa, trong đó, 23 hộ mua bán các loại gia cầm, động vật hoang dã. “Do đây là chợ tự phát nên không có hệ thống xử lý chất thải. Trong quá trình hoạt động, các hộ dân vứt chất thải, xác động vật chết xuống bờ kênh dọc Quốc lộ 62 và phía sau chợ, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao” - bà Khanh nói.
Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM trong nhiều tháng qua cho thấy, ngoài bày bán nhiều loài chim còn sống, chợ nông sản Thạnh Hóa còn lưu trữ một lượng lớn chim chết để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu và khách đi đường. Điều đáng nói, số chim chết đưa về đây không rõ được đánh bắt bằng phương thức gì. Trong khi đó, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, từ năm 2015, Ban quản lý khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (tỉnh Long An) đã từng cảnh báo về tình trạng dùng hóa chất độc hại để bẫy bắt chim. Cụ thể, tại khu vực vùng đệm của khu bảo tồn Láng Sen, có nhiều đối tượng dùng hóa chất có màu tím trộn vào thức ăn để dụ chim, sau đó thu gom số chim chết về sơ chế rồi bán khắp nơi. Vào thời điểm đó, Ban quản lý khu bảo tồn Láng Sen xác nhận, có tình trạng chim hoang dã ở trong khu bảo tồn bay ra ngoài tìm thức ăn cũng bị giết chết, đưa đi tiêu thụ.
“Hầu hết chim bị bẫy bắt ở tỉnh Long An, Đồng Tháp đều đưa về chợ chim Thạnh Hóa để tiêu thụ. Vì thế, sự tự tồn tại của chợ chim Thạnh Hóa đe dọa đến các loài động vật hoang dã ở hai khu bảo tồn Láng Sen và Tràm Chim (H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Hình thức bẫy bắt chim bằng hóa chất độc hại vừa giết hại chim trời với số lượng lớn, vừa có nguy cơ đầu độc sức khỏe con người” - một chuyên gia về bảo vệ động vật hoang dã phân tích thêm.
Bán cả thú sắp tuyệt chủng
Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tính từ năm 2014 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với công an địa phương tổ chức 298 đợt kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 45 vụ vi phạm hành chính, phạt tiền hơn 45 triệu đồng, thu giữ 52 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB và 5.759 cá thể động vật rừng thông thường, thả về rừng tự nhiên. Đặc biệt, năm 2015, lực lượng chức năng đã bắt giữ hai vụ vi phạm, tang vật gồm 4 cá thể cu li - loài động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB. Vụ việc được chuyển giao cho Công an H.Thạnh Hóa điều tra, nhưng cuối cùng không xác định được đối tượng vi phạm.
Kiến nghị gỡ vướng cho công tác kiểm tra, xử phạt
Vì sao chợ nông sản Thạnh Hóa buôn bán nhiều động vật hoang dã trong một thời gian dài nhưng cơ quan chức năng không dẹp được? Khi chúng tôi đặt câu hỏi này, bà Đinh Thị Phương Khanh cho rằng, do có nhiều loài hoang dã bán ở chợ này không nằm trong danh mục xử lý theo quy định của pháp luật nên công tác kiểm tra, xử phạt gặp không ít khó khăn: “Ví dụ như loài rắn hổ hành được xác định là một trong những loài thiên địch để diệt chuột nhưng không nằm trong danh mục động vật rừng thông thường, trong khi đó rắn bông súng lại nằm trong danh mục. Ngay cả cò ốc (có tên trong Sách Đỏ) cũng không nằm trong danh mục động vật rừng thông thường, mà không nằm trong danh mục thì chúng tôi không xử lý vi phạm được. Mỗi khi có đoàn kiểm tra, các hộ bán động vật hoang dã đối phó bằng cách tẩu tán các loài nằm trong danh mục, chỉ để lại những loài ngoài danh mục”.
Bà Khanh nói thêm: “Chúng tôi chỉ kiểm tra, xử lý được các hộ bán động vật hoang dã bên ngoài chứ không có chức năng vào bên trong kiểm tra, lục soát. Đó là chưa kể đến việc họ bán qua điện thoại, ở đâu cần, họ giao tới, rất khó xử lý. Ngoài ra, khi kiểm tra, các đối tượng không chấp hành hoặc có lời khiếm nhã, thô tục với lực lượng làm nhiệm vụ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra hành chính”.
Với tình hình trên, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, sẽ tham mưu UBND tỉnh ra công văn kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp, hướng dẫn cách xử lý các loài động vật không có tên trong danh mục và bổ sung các loài hoang dã vào danh mục cấm đánh bắt, mua bán. “Sở còn kiến nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo công an tỉnh bố trí cảnh sát giao thông ở hai đầu chợ vào ngày cuối tuần để hạn chế dừng đỗ xe, đồng thời đề nghị UBND H.Thạnh Hóa lắp thêm camera để giám sát hoạt động của chợ” - bà Khanh thông tin thêm.
Tất cả các sở, ban, ngành phải vào cuộc
Sau phản ánh của Báo Phụ Nữ TP.HCM, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An đã chỉ đạo UBND tỉnh kiểm tra, xử lý các vấn đề mà báo nêu. Ngoài các giải pháp như Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã nêu trên, theo tôi, ngành nông nghiệp cần phải làm rõ: những người kinh doanh ở đây được bán cái gì, không được bán cái gì. Trong thời gian qua, việc kiểm tra còn rời rạc; sắp tới, cần có sự phối hợp của các ban, ngành để việc kiểm tra hiệu quả hơn. Ngoài UBND H.Thạnh Hóa thì các sở, ban, ngành liên quan phải cùng vào cuộc để tổ chức lại hoạt động của chợ nông sản Thạnh Hóa, không để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã.
Ông Mai Văn Nhiều - Chánh văn phòng UBND tỉnh Long An
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.