Lộn xộn như thị trường gas

21/09/2013 - 06:49

PNO - PN - “Không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như Việt Nam. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng người sử dụng mà cấp phép kinh doanh quá dễ dàng”, đó là...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khổ vì độc quyền

Trong tọa đàm Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn tổ chức tại Hà Nội ngày 19/9, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương thừa nhận, PV Gas đang là doanh nghiệp (DN) thống lĩnh thị trường gas cả nước. Năm 2012, DN này cung cấp cho thị trường khoảng 610.000 tấn (trong đó từ nguồn nhà máy Dinh Cố khoảng 255.000 tấn, từ nguồn nhập khẩu khoảng 360.000 tấn) đáp ứng được gần 50% nhu cầu cả nước. Nếu tính cả sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng nhà máy Dung Quất phân phối qua các đơn vị thành viên của PV Gas thì PV Gas cung cấp trên 70% nhu cầu cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (NTD) Việt Nam, nếu DN chiếm thị phần 30% trở lên, quyền lợi NTD sẽ bị ảnh hưởng. Không chỉ độc quyền trong thị trường phân phối bán buôn, ông Hùng còn nêu lên tình trạng DN bắt tay với các khu đô thị, khu chung cư trong việc độc quyền cung cấp gas khiến người dân phải rơi vào tình huống “khóc dở, mếu dở”. Điển hình là vụ việc gần 150 hộ dân tại khu chung cư Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) từng bị cắt nguồn gas dẫn đến tình trạng hỗn loạn, mất an toàn. Do không thể nấu ăn bằng nguồn gas chung, các hộ dân phải mua bình gas mini, tự đấu nối, mua bếp điện để giải quyết tình thế. Theo nội dung đơn của các hộ dân, nguyên do xuất phát từ Công ty cổ phần dầu khí Sông Hồng đơn phương điều chỉnh tỷ trọng gas không đúng hợp đồng, gây thiệt hại cho NTD. Sau khi Ban quản lý chung cư không thống nhất, công ty này lập tức cắt nguồn gas của người dân. Tuy ngừng cung cấp gas, DN này cũng không cho DN khác vào cuộc do độc quyền. Theo ông Hùng, tình trạng độc quyền đang xảy ra ở rất nhiều khu chung cư khiến NTD “thiệt đơn, thiệt kép”.

Lon xon nhu thi truong gas

Một vụ sang chiết gas trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện

Bình dỏm tràn lan

Theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương, từ đầu năm 2013 đến nay, QLTT đã xử lý 400 vụ vi phạm về gas, phạt hành chính hai tỷ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 15.000 bình sản phẩm khí hóa lỏng, hơn 20.000 bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết gas trái phép. Dù nhiều vụ việc bị phát hiện nhưng tình trạng sang chiết gas trái phép vẫn tiếp diễn. Nhiều cơ sở sang chiết sử dụng dụng cụ tự chế, mua lại vỏ bình trôi nổi, chiếm dụng vỏ bình của DN có uy tín rồi cắt quai, sơn lại, mài chữ để làm giả, nhiều cơ sở sang chiết bình lớn sang bình nhỏ không đúng quy trình, kinh doanh hàng kém chất lượng…

Chất lượng vỏ gas dỏm đang đe dọa đến tính mạng người dân. Thông tư 41/2011/TT-BCT, có hiệu lực từ ngày 1/2/2012, quy định các cơ sở sản xuất sửa chữa vỏ chai gas phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai chứa sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng. Tuy nhiên, theo Chi hội gas miền Nam, dù đơn vị này đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng công khai các cơ sở sản xuất, sửa chữa vỏ chai đủ điều kiện, nhưng không được đáp ứng. Liên quan đến những thông tin thiếu minh bạch này, ông Nguyễn Lộc An thừa nhận, trong Nghị định 107 có quy định về đơn vị đầu mối nhập khẩu gas, song do mới ban hành nên còn nhiều “thiếu sót”. Trong thời gian tới, Cục An toàn kỹ thuật và môi trường công nghiệp của Bộ Công thương sẽ phối hợp Cục Thương mại điện tử đưa thông tin lên trang web của Bộ Công thương.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét, đánh giá để hoàn thiện các quy định nhằm siết chặt tình trạng lộn xộn trên, cụ thể là kiểm soát chặt chẽ các nhà phân phối cấp I, quy định giá bán trong hệ thống phân phối, hệ thống sang chiết…

 Huyền Anh

Đề xuất ban hành quy chuẩn về phụ kiện gas

Ông Trần Trọng Hữu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, nguy cơ mất an toàn về gas trong thời gian qua chủ yếu nằm ở phụ kiện phục vụ cho bình gas như: gas bị rò rỉ, van hở, dây dẫn bị lỗi... Vì vậy, Hiệp hội đề xuất Bộ Công thương ra quy chuẩn về phụ kiện bình gas. Cụ thể, dây dẫn gas như thế nào là đảm bảo chất lượng, sử dụng vật liệu gì để đỡ bị chuột cắn, giập vỡ; van điều áp bình gas loại nào thì an toàn… Nếu DN nào có các phụ kiện không đạt quy chuẩn, yêu cầu tịch thu và tiêu hủy để đảm bảo an toàn về tính mạng và kinh tế cho người dân.

Cần tăng cường kiểm soát sang chiết, kinh doanh gas

Ngày 19/9, tại buổi tọa đàm trực tuyến: “Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn” do báo Công Thương tổ chức, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, cho biết từ đầu năm đến nay, QLTT đã xử lý 400 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 2 tỷ đồng; tịch thu hơn 15.000 bình gas, hơn 20.000 bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết gas trái phép.

Hiện nay, tình trạng sang chiết gas trái phép ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng sang chiết gas trái phép ở vùng ngoại ô hẻo lánh…sử dụng dụng cụ tự chế; mua lại vỏ bình trôi nổi, chiếm dụng vỏ bình của doanh nghiệp (DN) rồi cắt quai, sơn lại, mài chữ để làm giả…khiến người tiêu dùng (NTD) bị thiệt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD VN, nhận định: “Thị trường gas không minh bạch, thiếu an toàn khiến NTD bị thiệt đơn, thiệt kép. Hiệp hội từng nhận khiếu nại nhà cung cấp gas thiếu trọng lượng, 1 bình gas thường dùng trong 2 tháng mới hết nhưng mới 7 ngày đã hết gas. Nhãn hàng hóa dán trên bình gas cần niêm yết giá rõ ràng. Gas là mặt hàng liên quan đến quyền an toàn của NTD, vì vậy cơ quan chức năng cần tăng cường kiếm tra, kiểm soát để tránh tình trạng rút ruột gas, gây mất an toàn, nguy cơ cháy nổ đe dọa tính mạng NTD”.

Ông Trần Trọng Hữu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas VN, nhận định: “Không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như thị trường VN. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người sử dụng mà việc cấp phép kinh doanh gas quá dễ dàng. Cơ quan Quản lý Nhà nước cần phối hợp kiểm soát chặt chẽ, chế tài mạnh hơn để bảo vệ quyền lợi, an toàn cho NTD”.

Trong Nghị định 107/2009/NĐ-CP có quy định về đơn vị đầu mối nhập khẩu gas. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện Nghị định vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, thương nhân phân phối gas cấp I chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ; việc xây mới và cấp phép các trạm chiết nạp gas chủ yếu là các trạm của DN nhỏ mới thành lập chưa được quản lý chặt chẽ; tình hình sang chiết nạp gas vi phạm các quy định về sang chiết ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, các quy định và hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với các thiết bị phụ trợ liên quan đến vận hành và sử dụng LPG về chất lượng; quy chuẩn kỹ thuật an toàn; nguồn gốc xuất xứ như các loại bếp, ống dẫn, van khóa, đường ống… chưa cụ thể. Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng một số quy định trong Nghị định 107/2009/NĐ-CP chưa thực sự rõ ràng, tạo ra cách hiểu không đồng nhất. Vụ Thị trường trong nước đang chuẩn bị sơ kết việc thực hiện Nghị định 107, trong đó sẽ có những quy định chặt chẽ hơn trong việc kinh doanh gas để đảm bảo an toàn và phối hợp với Cục An toàn kỹ thuật đưa ra những quy chuẩn và công khai quy chuẩn vỏ bình gas. “Các thương nhân đầu mối cần tập trung tổ chức, xây dựng chính sách, kiểm tra kiểm soát đối với hệ thống phân phối gas của mình nhằm gắn kết các đơn vị kinh doanh gas trong hệ thống và đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của họ khi tham gia hệ thống phân phối gas”, ông An đề nghị.

Cẩm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI