Xin phép trước khi hát lại
Những năm gần đây, nhiều tụ điểm âm nhạc ngày càng trở nên quen thuộc với khán giả, thành công tương tự mô hình phòng trà thuở trước. Với số lượng biểu diễn nhiều và tần suất dày, các nghệ sĩ cũng phải liên tục đổi mới và thay đổi danh sách bài hát để khán giả không cảm thấy nhàm chán. Bên cạnh các bài hát nổi bật hoặc là “hit” của bản thân, việc hát lại các bài nổi tiếng của nghệ sĩ khác cũng khá phổ biến.
Đa phần các nghệ sĩ sẽ không hát những bài quá mới, chỉ trình diễn khi đã xin phép tác giả, đóng tiền tác quyền đầy đủ. Ngoài ra, nếu có yêu cầu biểu diễn 1 bài hát nào đó từ khán giả, nghệ sĩ sẽ khéo léo từ chối hoặc sẽ hát một đoạn nhỏ ngẫu hứng với phần đệm đơn giản. Các video trích từ những đêm diễn này, khi được đăng lên mạng cũng bị tắt chức năng kiếm tiền, nhằm tôn trọng tác giả và ca sĩ gốc.
|
Kho nhạc ca sĩ Hồng Nhung bị nhiều người đưa lên nền tảng Spotify không có bản quyền |
Tuy vậy, khi bắt gặp chúng trên mạng xã hội, bình luận của người dùng lại có thể đẩy vấn đề xa hơn. Cụ thể, vào cuối tháng Năm vừa qua, nữ ca sĩ Phương Linh đã phải gửi lời xin lỗi đến Văn Mai Hương và nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền khi cô tự ý trình diễn ca khúc Mưa tháng Sáu trong một đêm nhạc tại Hà Nội. Chuyện sẽ không bị xé ra to nếu các khán giả không bình luận cho rằng Phương Linh hát còn hay hơn bản gốc. Phương Linh đã phải “giải nhiệt” bằng cách nhận lỗi vì chưa xin phép mà vẫn “cố chấp hát vì quá thích bài hát”. Cô cũng khẳng định những bình luận chê bai Văn Mai Hương là từ “anti-fan và họ cố tình làm vậy để gây căng thẳng”.
Mới đây, 2 nghệ sĩ gạo cội là Tùng Dương và Hà Trần cũng khiến mạng xã hội xôn xao với phần hát lại ca khúc Sau lời từ khước của phim Mai. Được biết, trong một sự kiện, Tùng Dương đã thể hiện lại ca khúc này và nhận nhiều lời khen ngợi. Bất ngờ là nữ ca sĩ Hà Trần - người cũng có lần hát lại ca khúc này - đã để lại bình luận “No shame” (Không biết xấu hổ). Đến nay, vẫn không biết liệu Hà Trần có đang nói về việc phía Tùng Dương chưa xin phép trình diễn hay không. Tùng Dương cho biết mình đã nhiều lần được yêu cầu trình diễn ca khúc này nhưng đều phản hồi là bên tổ chức phải xin ý kiến tác giả (nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh) thì mới hát. Anh cung cấp thêm thông tin: “Lần này ban tổ chức cũng yêu cầu và đã hỏi ý kiến tác quyền đầy đủ”.
Có thể thấy, tuy ý thức về tác quyền, bản quyền đã được nâng cao, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chủ quan, làm theo ý thích. Ngoài ra, những bình luận trên mạng xã hội cũng có thể khơi lên các cuộc tranh luận không đáng có.
Bản quyền số bị xem nhẹ
Trên những không gian không có sự đối thoại, hiện tượng vi phạm bản quyền lại khá bát nháo. Một trong số đó là sự hỗn loạn của các kho nhạc số. Các nền tảng như Spotify, Apple Music... chỉ mới tiến vào thị trường Việt Nam vài năm gần đây. Vì vậy trước đó, kho nhạc của các nghệ sĩ Việt trên các nền tảng này thường do các bên hoặc cá nhân không giữ bản quyền đăng tải.
Ca sĩ Hồng Nhung cho biết: “Chắc thính giả của tôi sẽ ngạc nhiên khi biết rằng từ trước tới nay, tất cả kho nhạc của Hồng Nhung phát hành trên các nền tảng online đều không được sự thỏa thuận, thậm chí là hỏi qua tôi. Lâu nay tôi vẫn nghĩ thôi thì hát từng ấy năm, thu thanh không biết bao nhiêu bài, đến được với nhiều người nghe là vui lắm rồi. Thế nhưng sắp tới đây, tôi chính thức theo đúng luật pháp, kiến nghị các nền tảng online đã và đang phát hành kho nhạc do tôi biểu diễn và sản xuất cần gặp đại diện pháp luật của tôi để giải quyết việc kinh doanh tài sản trí tuệ theo đúng luật”.
|
Cả Tùng Dương và Hà Trần từng trình diễn Sau lời từ khước. |
Không chỉ Hồng Nhung, kho nhạc của nhiều nghệ sĩ khác hiện cũng không có bản quyền trên các nền tảng này. Trong đó nhiều nghệ sĩ gạo cội chưa ủy quyền cho bên thứ ba thu tác quyền hoặc chưa có đơn vị đại diện, công ty chủ quản.
Chẳng hạn, đang có đến 2 tài khoản trên nền tảng Spotify là Hà Trần và Trần Thu Hà. Trong đó Hà Trần là của nữ ca sĩ, tài khoản còn lại do người khác lập. Với việc ra mắt album Những con sông ngón tay, cô cho biết mình sẽ can thiệp để các nền tảng hạ tick xanh (dấu hiệu nhận biết tài khoản chính chủ) của tài khoản Trần Thu Hà.
Một tình trạng khác là nhiều bài hát bị lạm dụng trái phép. Với sự nổi lên của nhạc lo-fi (âm thanh có chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn thông thường), nhiều cá nhân hoặc tập thể đã giảm chất lượng của các sản phẩm, đăng lại như tác phẩm hoàn toàn mới. Ngoài ra, việc nhiều nghệ sĩ trùng tên cũng được các nền tảng gộp chung vào một kho nhạc, gây nhiều khó khăn, hiểu lầm cho cả người nghe lẫn nghệ sĩ. Điều này có thể xuất phát từ sai sót vô tình, nhưng cũng không thiếu trường hợp có mục đích, nhằm hưởng thêm lượt nghe từ các nghệ sĩ có nhiều khán giả.
Nhiều năm qua, các nền tảng đã tương đối “mở”, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ độc lập có thể kết nối trực tiếp với khán giả của mình. Thế nhưng nếu không được kiểm soát tốt, sự lộn xộn sẽ vẫn tiếp diễn.
Ngô Minh