“Lốm đốm” vùng xanh, miền Tây "loay hoay" chống dịch

10/11/2021 - 19:49

PNO - Nhiều tỉnh miền Tây không còn vùng xanh, các ổ dịch mới liên tiếp xuất hiện khiến nhiều địa phương phải gánh gồng, xoay xở chống dịch...

Ổ dịch mới, nhiều ca nhiễm cộng đồng

Vào ngày 9/11, huyện Châu Thành - địa phương duy nhất còn lại của tỉnh An Giang vẫn còn là "vùng xanh" (cấp độ 1) - đã phát hiện đến 7 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại địa phương này tính từ 15/4 đến nay là 188 trường hợp.

Cùng thời điểm, toàn tỉnh An Giang đã phát hiện đến 450 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 15/4 đến nay là 15.075 người, trong đó có 19 trường hợp tái dương tính.

Không có "màu xanh" như Châu Thành, huyện An Phú cũng của tỉnh An Giang, tính đến 10/11, đã đổi sang "vàng" (tức cấp độ 2). An Phú phát hiện 60 ca mắc trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến nay là 2.171 trường hợp, trong đó có đến 806 ca cộng đồng, 157 trường hợp về từ các tỉnh…

Người lao động các nơi trở về quê An Giang tránh dịch trong đợt bùng dịch lần thứ 4
Người lao động các nơi trở về quê An Giang tránh dịch trong đợt bùng dịch lần thứ 4

Trong buổi làm việc hôm nay, 10/11 với Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, ông Trần Hòa Hợp - Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều ca nghi nhiễm được phát hiện qua tầm soát cộng đồng, hiện địa phương còn 7 ổ dịch, 8 khu phong tỏa...

Ngành y tế tỉnh An Giang nhận định, tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, lây lan sau khi tiêm phòng, cơ chế tái nhiễm chưa được xác định, người di chuyển từ vùng dịch về nhiều và độ bao phủ vắc xin tuy đã rộng nhưng tỷ lệ tiêm mũi 2 chưa cao… Vì vậy, phải nhanh chóng tầm soát, tách F0, F1 nguy cơ cao ra khỏi cộng đồng; rà soát các đối tượng chưa tiêm phòng, nhất là người bệnh nền, người già; tăng tốc phủ vắc xin mũi 2 cho người dân…

Trước tình hình xuất hiện thêm một số ổ dịch mới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị An Phú khẩn trương phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng, kiểm soát chặt chẽ không để dịch lây lan. Tăng cường kiểm soát người về từ vùng dịch, nếu bỏ sót trường hợp để lây lan dịch bệnh thì phải xử lý nghiêm. 

Được biết, hiện tỉnh An Giang đang phải tổ chức chăm lo, điều trị cho 5.149 người bệnh dù độ phủ vắc xin mũi 1 đạt 94,6% và mũi 2 đạt trên 30%.

Tương tự như An Giang, tỉnh Sóc Trăng - nơi hạ nguồn sông Cửu Long - cũng liên tiếp phát hiện hàng trăm ca mắc COVID-19 mới. Tính đến chiều 9/11, Sóc Trăng có đến 7.867 ca trong đợt dịch thứ 4 này. Ông Trần Văn Khải - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang triển khai từng bước các giải pháp chống dịch theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế gồm: cách ly, điều trị F0 tại nhà và thành lập các trạm y tế lưu động.

Đường phố tại TP. Sóc Trăng vào trưa nay, 10/11, khá vắng người dân ra đường
Đường phố tại TP. Sóc Trăng vào trưa nay, 10/11, khá vắng người dân ra đường

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, tỉnh hiện có khả năng tiếp nhận và điều trị cho khoảng 4.500 F0, tuy nhiên tình hình dịch bệnh hiện đang rất phức tạp, tỉnh cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp để có thể ứng phó được. Về công tác điều trị, Sóc Trăng có Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM tham gia hỗ trợ; về công tác tiêm vắc xin ngừa COVID-19, tỉnh nhận được sự hỗ trợ của Quân khu 9 và TPHCM, Trường đại học Y dược Cần Thơ...

"Sóc Trăng hiện đã được phân bổ đủ vắc xin mũi 2 và quyết tâm trong khoảng 10 ngày tới sẽ tổ chức tiêm cho các trường hợp được tiêm chủng theo quy định", Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm.

Lo ngại tuyến y tế cơ sở quá tải

Tính đến 18g30 ngày 10/11, TP. Cần Thơ ghi nhận đến 410 ca dương tính mới. Tính đến nay, thành phố trung tâm của miền Tây Nam bộ này đã ghi nhận ca bệnh vượt mốc 5 con số, cụ thể là 10.820 trường hợp F0 và đã điều trị cho 6.783 người khỏi bệnh. 

Trước tình hình dịch bệnh nêu trên, ông Phạm Phú Trường Giang - Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết cơ quan này đã hoàn thành kế hoạch thí điểm điều trị, cách ly F0 không triệu chứng tại nhà và đang chờ lãnh đạo TP. Cần Thơ phê duyệt.

Ngành Y tế TP.Cần Thơ tổ chức tiêm ngừa vắc xin cho người dân trên địa bàn
Ngành Y tế TP. Cần Thơ tổ chức tiêm ngừa vắc xin cho người dân trên địa bàn

Hiện năng lực tiếp nhận F0 tại các bệnh viện của Cần Thơ ở mức trên 3.500 trường hợp. "Tốc độ mở rộng bệnh viện dã chiến sẽ không kịp so với tốc độ F0 gia tăng và cũng không thực sự cần thiết. Hơn nữa, đa số người dân Cần Thơ đã được tiêm mũi 1 nên lượng virus không cao, và không ảnh hưởng đến tính mạng hay khả năng điều trị, thu dung tại các cơ sở. Hơn nữa, Sở Y tế Cần Thơ cũng đã củng cố tại các tuyến y tế cơ sở các thiết bị như bình ô-xy, thiết bị đo ô-xy trong máu…", Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết.

Trong khi đó, việc triển khai thí điểm điều trị, cách ly F0 tại nhà đang gặp bài toán khó về nhân lực y tế. Theo ông Giang, hiện ngành y tế Cần Thơ có khoảng 6.000 nhân lực, trong đó có khoảng 3.000 người đang tham gia điều trị COVID-19, khoảng 2.000 người đang tham gia các công tác chăm lo sức khỏe người dân, số còn lại tham gia vào công tác truy vết...

Ông Giang cho biết, việc quá tải trong công tác điều trị, truy vết dịch là điều đang diễn ra. Cần Thơ cần thêm khoảng từ 300 đến 400 người để bổ sung cho nguồn lực y tế của TP trong giai đoạn này. "Ngành đang xin chỉ đạo hỗ trợ thêm từ Thành ủy Cần Thơ, xin hỗ trợ nguồn lực thêm từ quân đội, sinh viên... để bổ sung nguồn nhân lực cho các trạm y tế lưu động, giảm bớt gánh nặng cho y tế địa phương", ông Phạm Phú Trường Giang nói.

Theo báo cáo từ Sở Y tế TP. Cần Thơ, vào chiều qua, 9/11, địa phương này tổ chức điều trị cho 2.737 người bệnh trong khi khả năng điều trị là 3.100 giường. Tuy nhiên, ở tầng 1 thì có đến 1.982 ca F0 trong khi khả năng điều trị chỉ 1.850 giường.

Kể từ 0g ngày 11/11, TP. Cần Thơ sẽ chính thức áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng cấp độ 3, mức "vùng cam" nguy cơ cao.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI