Lối xưa xe ngựa

26/01/2022 - 05:45

PNO - Mùi hăng nồng của vạn thọ, mùi thơm xác pháo, mùi khói của nồi bánh đêm giao thừa. Tôi gọi đó là mùi tết. Không có gì cụ thể nhưng cứ vấn vương trong lòng, mỗi lần giở lịch cuối năm là thấy nhớ.

Tôi thường sắp xếp kỷ niệm thành những thước phim, dán nhãn theo mùa xuân - hạ - thu - đông, dù Sài Gòn quanh năm chỉ có những ngày mưa và nắng. Trong đó, xuân là mùa tôi lưu giữ nhiều hình ảnh nhất - những mùa tết cổ truyền không bao giờ phai nhạt. Từ lúc đưa ông Táo là ngày tự động tính sang lịch âm, tết bắt đầu được đếm ngược cho đến đêm giao thừa. 

Tôi thích nhất ngày 29 (có khi là 28, trước giao thừa), sau khi chuẩn bị xong hết mọi việc, má sẽ dẫn tôi đi viếng mộ ngoại. Đó là những năm 1980, đường phố còn vắng vẻ, xe máy ít, xe đạp cũng thưa thớt.

Khu Bà Quẹo lúc ấy vẫn còn xe ngựa, hay còn gọi là xe thổ mộ. Má con tôi thường đón xe lam đến đầu hương lộ (nay là đường Tân Kỳ Tân Quý), sau đó gọi xe ngựa vào nghĩa trang. Đây không phải bến mà chỉ là nơi tạm dừng của các xe khi từ Hóc Môn đi xuống hay chợ Ông Tạ đi lên.

Hồi ấy chúng tôi đi chợ tết bằng những phương tiện thô sơ
Hồi ấy chúng tôi đi chợ tết bằng những phương tiện thô sơ

 

Hương lộ còn là đất đỏ, tiếng vó lộc cộc luôn làm tôi nghĩ mình đang đi trên đường quê. Có khi trên xe còn đặt vài chậu vạn thọ, chủ xe mua sẵn để đó, chờ hết khách chở về nhà. Vạn thọ ngày xưa chưa nhiều giống lai cúc, không bung xòe rực rỡ nhưng thơm lắm. Nghe hương là thấy tết, vì hoa chỉ có vào mùa xuân. Giờ thì thời “mùa nào thức nấy” đã qua, những ngóng trông hoa nở xuân về chỉ còn là dĩ vãng. Vạn thọ hay dưa hấu quanh năm đều có, ra chợ là thấy.

Xe thổ mộ khá rộng, bình thường có thể chở khoảng 4-6 người, nhưng chiều cuối năm vắng khách thì chỉ có má con tôi. Những bác đánh xe hồn hậu hay trò chuyện cùng khách, nhiều khi đến tận nơi rồi mà câu chuyện vẫn còn chưa dứt. Lặt lá mai, kho thịt, gói bánh, mua pháo (hồi đó chưa cấm pháo), đi chợ lá dong Ông Tạ, dạo chợ hoa Nguyễn Huệ…

Chỉ là những vụn vặt sắm tết thôi nhưng trẻ nhỏ như tôi ngày ấy thích nghe lắm, thấy tràn ngập không khí xuân. Tôi gọi đó là mùi tết. Mùi hăng nồng của vạn thọ, mùi thơm xác pháo, mùi khói của nồi bánh đêm giao thừa. Không có gì cụ thể nhưng cứ vấn vương trong lòng, mỗi lần giở lịch cuối năm là thấy nhớ.

Sau này lớn thỉnh thoảng tôi cũng ngồi xe ngựa, ở những khu du lịch, nhưng không còn cảm giác thích thú. Người đánh xe chỉ xem ngựa như một phương tiện chuyên chở, không như xe thổ mộ ngày ấy ngựa tựa bạn đường, rong ruổi khắp nơi cùng chủ. 

Xe thổ mộ ngày xưa, giờ chỉ là ký ức
Xe thổ mộ ngày xưa, giờ chỉ là ký ức

 

Chiều 29, khung cảnh hai bên đường thật vắng lặng, chỉ còn vài người viếng mộ trễ như má con tôi. Tôi không biết người khác vì sao lại đợi đến gần ngày giao thừa mới đi tảo mộ, nhưng nhà mình thì tôi biết rõ. Má không có thời gian. Ba bận việc cơ quan, nhà lại đông con, tết đến một mình má xoay xở đủ thứ. Từ việc nặng như leo lên nóc nhà sửa lại mái ngói, tráng khoảnh sân đến chuyện bếp núc đều một tay má lo liệu. Ngâm kiệu, muối dưa, sên mứt, làm giò thủ, kho thịt, gói bánh tét… Thực đơn năm nào cũng không thể thiếu những món này.

Nhà dù nghèo nhưng má luôn muốn cho con một cái tết đủ đầy, phải được ăn ngon mặc đẹp. Không có máy may thì má cắt sẵn quần áo rồi mang qua nhà bác ruột may nhờ. Loay hoay đủ việc nên năm nào cũng phải đến 29, tạm xong mọi thứ má mới dành thời gian cho mình, đi viếng mộ ngoại. Những người chăm sóc nghĩa trang rành rẽ từng ngôi mộ, biết má thường lên trễ nên đã quét tước sạch sẽ, khi đến má sẽ thắp nhang, trò chuyện với ngoại.

Ngày nhỏ tôi không biết vì sao người ta hay nói một mình trước mộ, nhưng sau khi ba má lần lượt rời đi thì tôi đã hiểu. Người ở trong tim, dù đi đâu thì vẫn luôn bên cạnh. Sau này, mỗi khi viếng mộ tôi cũng có những câu chuyện muốn chia sẻ cùng ba má, như chưa từng rời xa.

Tiếng vó ngựa một thời quen thuộc với người Sài Gòn
Tiếng vó ngựa một thời quen thuộc với người Sài Gòn

Xe thổ mộ từ lâu đã vắng bóng, mộ ngoại năm ngoái cũng được cải táng, nghĩa trang rồi sẽ được quy hoạch thành công viên và khu đô thị. “Lối xưa xe ngựa” giờ chỉ còn là hoài niệm. Nhưng với tôi, con đường đất đỏ và chuyến xe thổ mộ ngày giáp tết thì vẫn mãi trong tâm trí, dù đã bao nhiêu năm trôi qua. 

Nguyên Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI