Lời xin lỗi lạ lùng của ông Phó giáo sư

25/05/2017 - 06:59

PNO - Sau khi cuốn Chim Việt Nam (Võ Quý - Nguyễn Lân Hùng Sơn, NXB ĐHQG Hà Nội) bị các nhiếp ảnh gia cáo buộc vi phạm bản quyền với những bằng chứng không thể chối cãi, PGS-TS Nguyễn Lân Hùng Sơn đã phải lên tiếng xin lỗi.

Nhưng lời xin lỗi của ông lạ lùng khiến cộng đồng nhiếp ảnh càng thêm phẫn nộ.

Theo giải thích của ông Sơn - Trưởng khoa Sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội - thì những hình ảnh được các nhiếp ảnh gia chia sẻ lên internet “không phải lúc nào cũng có nguồn rõ ràng” và “việc liên hệ với tác giả cũng cần nhiều thời gian”, trong khi ông phải đối mặt với áp lực thời hạn hoàn thành sách. Trong lời xin lỗi, PGS-TS Hùng Sơn khẳng định sai sót của mình là đã không “chú dẫn nguồn ảnh cụ thể”.

Loi xin loi la lung cua ong Pho giao su
 

Là một nhà khoa học với học hàm PGS, học vị TS và đồng thời là một nhà quản lý giáo dục, là Bí thư Đảng ủy Khoa Sinh học, Giám đốc Bảo tàng sinh vật; thật khó tin rằng ông Sơn lại ngây thơ đến mức xem “chú dẫn nguồn ảnh cụ thể” là sự tôn trọng quyền tác giả.

Ông không biết hay cố tình không biết các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó ông buộc phải liên hệ, xin phép và được sự đồng ý (có thể phải trả tiền) của từng nhiếp ảnh gia đối với các tác phẩm ông lấy đưa vào sách. Kể cả khi đã được phép, việc ghi đầy đủ tên tác giả ảnh trong sách vẫn là điều đương nhiên phải làm. Đó không chỉ là tôn trọng pháp luật mà còn là ứng xử văn minh, tử tế đối với những người đã góp sức cho sự thành công của mình.

Cần biết rằng cuốn Chim Việt Nam không phải là một tài liệu được sử dụng hạn chế trong giảng dạy, nghiên cứu (như quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ và trong các công ước quốc tế về bản quyền mà Việt Nam đã ký kết) mà là một sản phẩm thương mại với giá bìa lên đến 1,2 triệu đồng.

Ông Sơn bảo rằng sách chỉ mới được giới thiệu nên ông sẽ cho dừng phát hành để chỉnh sửa, bổ sung. Trên thực tế, các nhiếp ảnh gia đã mua được sách như bình thường để làm bằng chứng truy cứu đến cùng.

Lẽ ra, sự việc đã không đến mức phải căng thẳng như vậy. Như lời các nhiếp ảnh gia có tác phẩm bị sử dụng trong sách, điều họ cần nhất là một lời xin lỗi và thái độ cầu thị từ phía ông Sơn chứ không phải “xin lỗi các tác giả vì đã sử dụng ảnh mà không ghi cụ thể đầy đủ trích dẫn”.

Đã thế, ông PGS-TS còn vô cùng trịch thượng khi mời các tác giả liên hệ với ông để… cho phép ông sử dụng ảnh bằng cách gửi ý kiến đồng ý và thông tin chi tiết về hình ảnh, nếu không ông sẽ đưa ảnh ra khỏi sách!  Ông nên biết rằng: có ai cho phép ông đưa ảnh vào sách đâu mà ông dọa “đưa ra”.

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI