|
Maho Yamaguchi, thành viên nhóm nhạc pop Nhật Bản NGT48. |
Hôm sau, cô lên tiếng xin lỗi và giải thích cho việc không xuất hiện cùng ban nhạc: Đã có một vụ tấn công nghi là do hai người hâm mộ nam gây ra.
"Tôi xin lỗi vì làm các bạn sốc. Ai đó sẽ hoảng sợ khi nghe về chuyện đã xảy ra với tôi. Tôi thực sự lấy làm tiếc. Tôi muốn giúp những người phải trải qua hoàn cảnh tương tự", cô viết trên tài khoản Twitter cá nhân hôm 8/1.
Yamaguchi là thành viên nhóm nhạc thần tượng ở Niigata có tên NGT48, một nhóm nhạc nữ tương tự nhóm 48 thành viên AKB48 nổi tiếng. Cô nói một thành viên khác trong nhóm đã để lộ địa chỉ nhà cô cho hai người hâm mộ nam và họ đã đột nhập vào nhà cô hôm 8/12 năm ngoái.
"Tôi không làm gì suốt một tháng vì tôi không muốn ép ai phải đứng về phía mình. Tôi không muốn mọi người quay lưng lại với nhóm NGT... Vì tôi nghĩ là mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thoả", Yamaguchi viết thêm trên Twitter.
Sau khi lên tiếng trên mạng, Yamaguchi đã có mặt ở buổi diễn kỷ niệm 3 năm thành lập ban nhạc hôm 10/1 và trực tiếp xin lỗi vì đã "làm phiền" người hâm mộ.
Một tuyên bố trên website của nhóm NGT48 tuần trước cũng xác nhận chuyện một thành viên đã nói cho hai người hâm mộ thời điểm Yamaguchi hay về nhà. Hai người đàn ông đã tìm cách tóm lấy mặt cô, nhưng 2 người này đã bị bắt và được thả sau đó. Yamaguchi nghi ngờ rằng công ty quản lý đã không làm gì để đối phó với những người đã gây ra chuyện đáng sợ này cho cô.
|
Nhóm NGT48 biểu diễn trên sân khấu trong Liên hoan ca khúc châu Á năm 2015 tổ chức ở Busan, Hàn Quốc. |
Lời xin lỗi gây tranh cãi
Lời xin lỗi của cô gái được đưa ra đúng thời điểm nước Nhật đang rất chú ý đến vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. Trong vài ngày sau khi cô lên tiếng trên Twitter, nhiều người đã chỉ trích công ty quản lý của Yamaguchi là AKS vì ứng xử quá kém trong sự cố này.
Ở Nhật, người ta thường xin lỗi công khai khi họ nghĩ là mình đã làm tổn hại đến ổn định xã hội. Vì thế, lời xin lỗi của Yamaguchi đã giúp cô có được sự cảm thông của công chúng Nhật.
Người Nhật yêu thích các ca sĩ thần tượng vì các công ty quản lý thường chọn những cô gái trẻ trung, vui tươi, có ngoại hình khả ái nhưng khá phổ thông. Họ muốn công chúng nghĩ các ca sĩ thần tượng cũng như con gái hoặc cô hàng xóm của họ.
Bởi vậy các thần tượng này rất gần gũi. Vụ việc này khiến các cô gái trẻ hiểu rằng nếu ca sĩ có thể lên tiếng về sự cố xảy ra với mình, họ cũng có thể làm như vậy.
Nhật Bản đứng tận thứ 110 trong số 149 quốc gia trên bảng xếp hạng mức độ bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đứng cuối trong nhóm G7 về chỉ số này, cho dù Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ thông qua chính sách “kinh tế phụ nữ” của mình.
Trong văn hóa Nhật Bản, phụ nữ vẫn được cho là phải cư xử “đúng mực” thì mới được thông cảm. Ở Nhật Bản, kể cả người phụ nữ mạnh mẽ cũng phải tỏ ra mình là phái yếu.
Công ty quản lý của cả hai nhóm nhạc NGT48 và AKB48 hôm thứ Hai vừa rồi cho biết đã sa thải một nhân viên sau khi bị chỉ trích về cách ứng xử với sự cố của Yamaguchi. Công ty cũng cho biết sẽ có các biện pháp ngăn chặn như lắp đặt báo động khẩn cấp cho tất cả các thành viên và cho người tuần tra quanh nhà họ.
Trong một tuyên bố, công ty này cam kết "quyết tâm xây dựng lòng tin với từng thành viên và cung cấp chăm sóc tâm lý cho Maho Yamaguchi và tất cả các thành viên khác".
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chụp ảnh với 5 thành viên nhóm nhạc Momoiro Clover Z trong lễ hội ngắm hoa anh đào do chính phủ tổ chức ở Tokyo năm 2013. |
Khi “cô hàng xóm” lên tiếng
Ngành công nghiệp âm nhạc thần tượng Nhật Bản, hay còn được gọi là J-pop, có giá trị hàng tỉ USD. Các công ty thu âm lớn kiểm soát rất chặt chẽ cuộc sống của các ngôi sao, nhào nặn hình tượng và hành vi của họ cả trên sân khấu lẫn ngoài đời.
Nhiều nhóm nhạc được thành lập để thu hút khán giả là nam giới. Họ phải trông thật dễ thương và gợi cảm, phải là những cô gái ngoan ngoãn và trong sáng mà cánh đàn ông ái mộ.
Các buổi gặp gỡ và chụp ảnh với người hâm mộ sau các buổi biểu diễn là dịp để tăng sự gần gũi giữa các nghệ sĩ J-pop và khán giả. Ở đó các ngôi sao phải giữ được hình tượng định sẵn của mình.
Nhưng cái cảm giác thân thiện giả tạo đó rất dễ khiến một số người hâm mộ nhầm lẫn giữa ảo tưởng và đời thực. Năm 2014, một người đàn ông mang theo cưa máy đã tấn công hai thành viên của nhóm AKB48, và năm 2017, một fan cuồng đã đeo bám và đâm ca sĩ thần tượng Mayu Tomita hàng chục nhát.
Việc ngành công nghiệp thu âm không thể bảo vệ các ngôi sao của mình khỏi bạo lực bị phê phán ngày càng gay gắt trên mạng xã hội. Một chiến dịch ủng hộ Yamaguchi trên trang change.org cho đến ngày 13/1 vừa rồi đã thu được hơn 53.000 chữ ký yêu cầu quản lý nhóm nhạc của cô từ chức.
|
Các lãnh đạo của AKS, công ty quản lý nhóm nhạc NGT48, tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 14/1. |
Đại An (theo CNN)