Lối về tháng Chạp

31/01/2018 - 10:41

PNO - Quen mà lạ, lạ mà quen. Sống đến từng này đời người, ta đã đi qua không biết bao nhiêu mùa tháng Chạp, ấy vậy mà đến mùa lại bâng khuâng, xao xuyến lạ lùng.

Mùa có hẹn, thềm rải nắng đón tháng Chạp về trong trời chiều xào xạc, rợp bóng cánh cò trắng trên cánh đồng xa xa.

Quen mà lạ, lạ mà quen. Sống đến từng này đời người, ta đã đi qua không biết bao nhiêu mùa tháng Chạp, ấy vậy mà đến mùa lại bâng khuâng, xao xuyến lạ lùng.

Lối về tháng Chạp là bên đồi triền dã quỳ vàng rực, con đường mòn dẫn lên đồi, tuổi thơ ta cùng bạn bè rong ruổi chơi trò đuổi bắt. Loài hoa được người dân ưu ái gọi là hoa mặt trời, chẳng cần ai chăm sóc, cứ thế sáng bừng lên một màu vàng da diết. Tay trong tay đứa bạn thân, ta cười toe toét lộ nguyên cả hàm răng sún, mỗi khi chơi trò cô dâu chú rể, đội vòng hoa lên đầu.

Loi ve thang Chap
 

Lối về tháng Chạp là những ô ruộng xanh ngăn ngắt bạt ngàn rau Tết. Nào cải bắp, xu hào, cà rốt, xà lách, hành, thì là… mẹ chăm bẵm từng chút, từng chút một, cẩn thận như chăm sóc những đứa con, đợi đến thì mang thu hoạch.

Ta hồ hởi sung sướng khi được mẹ nhờ cầm ô doa tưới nước, bắt một vài chú sâu trên lá, gom lại bó rau mẹ nhổ còn đọng sương mai. Rau gắn bó với đời người nông dân, gắn bó với đời mẹ cũng dễ ba mươi, bốn mươi năm. Cũng nhờ có rau mà cái Tết đỡ đần, trọn vẹn hơn phần nào, lúc đó ta có áo mới, dép đẹp, đi trong ngày Xuân phơi phới.

Lối về tháng Chạp in hằn những đường cày của cha, đi trước là “bạn” trâu, “bạn” bò với những bước chân mệt nhọc, vẹo xiêu. Tháng Chạp là mùa cấy, là mùa dù cái lạnh đang cắt da cắt thịt nhưng người dân vẫn phải ra đồng. Vụ mùa chưa xong, chưa hoàn thành trong tháng Chạp thì ăn tết không ngon, thấp thỏm, lo âu. Thương vô cùng những người nông dân áo gụ nâu sòng như cha mẹ ta, bao năm bám đất, bám ruộng mà cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng…

Loi ve thang Chap
 

Lối về tháng Chạp có niềm háo hức của cô cậu sinh viên tỉnh lẻ. Về cùng tháng Chạp là được về với mẹ cha, với quê nhà dấu yêu. Thuở nghèo khó, có khi nhớ nhà mà không dám về, vì trăn trở bữa cơm, giá tầu xe đi lại.

Nhưng đói nghèo đến mấy cũng “được về” tháng Chạp, về quê ăn Tết. Ta soi bóng mình của những năm về trước. Chao ôi, háo hức lắm! Ngồi trên tàu mà thấy cả bầu trời quê hương đang đón đợi, gọi mời. Nhớ tiếng quê ta nặng trịch, nhớ phiên chợ tết phụ mẹ, nhớ hương thơm nồi bánh chưng và tiếng pháo tí tách đêm giao thừa…

Lối về tháng Chạp là đường thời gian muôn nẻo, đường tuổi ngày một dầy lên, đôi chân ta bôn ba khắp nẻo, sần chai u cục, khoé mắt chân chim, cố nén giọt nước mắt trong tiếng thở dài xuyên đêm, vẫn đau đáu thèm dẫm lên gốc rạ, thèm được tìm về nguồn cội, hơi ấm gia đình trong mỗi mùa Xuân sang… 

Lối về tháng Chạp là cả một khoảng lặng để ta nhìn lại một năm đã qua, để hồi tưởng lại những gì mình đã được hay mất, rồi bất chợt nhận ra, dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm, mất mát, buồn vui thì cuộc sống vẫn vô tình, vẫn hồn nhiên trôi đi và mọi thứ rồi cũng sẽ qua… dù ồn ào, hay lặng thầm một năm dài vất vả, thì tháng Chạp về cũng đủ để xóa nhòa đi những vui buồn.

Men theo lối về tháng Chạp, theo những âm sắc cuối năm ta về, để dọn lòng mình, khép lại một năm cũ và đón chào năm mới, để thấy mình lớn hơn, chào đón những điều tốt đẹp…

Cao Văn Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI