Tuấn mời sinh nhật con trai, thằng bé mới ngày nào anh và bố nó đứng chờ ngoài phòng mổ mấy tiếng đồng hồ chờ đợi trong căng thẳng và hồi hộp. Cho đến khi cô y tá bế thằng bé ra và thông báo cân nặng, bố nó đã ngất xỉu vì mừng rỡ, và anh là người đầu tiên bế thằng bé. Mới đó đã mười năm.
|
Anh tự đánh mất gia đình của mình. Hình minh họa |
Tuấn gãi đầu: "Ngại quá, vợ em chiều nay tự nhiên lại sốt, mà bạn bè lại mời hết rồi, thực phẩm đã đặt mang đến cả mà em chẳng biết nấu!". Anh xắn tay áo: "Đưa thực đơn tôi xem nào, thì cứ liệu cơm gắp mắm vậy!"
Hai tiếng đồng hồ cũng ra được bữa tiệc gọi là nhìn được, mẹ thằng bé sau khi uống thuốc và ngủ một chút đã trở xuống, cô ngượng ngùng: "Bác khéo tay quá, không có bác thì nhà em chết dở!", anh cười bảo có gì đâu. Nhìn thấy vẻ áy náy của vợ Tuấn, anh có chút gợn gợn và suy nghĩ cứ thế trôi đi lang thang đâu đó.
Con gái nhỏ của anh lớn hơn thằng nhóc này hai tuổi, còn ba tháng nữa sẽ đến sinh nhật nó. Không biết mẹ con nó có tổ chức gì không, năm gần đây, ba mẹ con thường đưa nhau đi chơi đâu đó, đón sinh nhật cùng nhau. Chỉ ba mẹ con và những nụ cười cũng thành gia đình, gia đình đó đáng lẽ có một chỗ dành cho anh, nhưng anh đã từ bỏ nó, tự đánh mất gia đình của mình.
Tuấn nói, “từ ngày sinh thằng nhỏ, vợ em cứ nhớ nhớ quên quên. Sức khỏe giảm sút đi nhiều, hơi tí là ốm, con ốm mẹ ốm đến khổ, sinh một đứa con hao hết một nửa sức khỏe, đến nỗi em không dám để vợ sinh thêm”. Anh nghe mà nghẹn đắng nơi cổ, tràn vào ngực, đau thấu buồng tim, xót gan, tức ngực. Vợ anh sinh hai đứa con cách nhau ba năm, đứa chị chưa khôn đứa em đã chào đời, anh vốn vụng về, cùng lắm phụ vợ bấm nút máy giặt chứ có biết làm gì.
|
Sau bữa tiệc, mọi thứ ngổn ngang. Hình minh họa |
Hồi đó nhà anh thường được chọn làm nơi tụ tập của anh em bạn bè vì anh có nhà rộng, nguyên tầng một để trống, vợ con ngại ồn thì cứ lên lầu đóng cửa là xong. Chính vì thế, hầu như tuần nào nhà cũng có khách, không phải khách của anh thì là đám em kéo về chơi, em ruột em họ gì cũng là em, xa quê phải biết quan tâm đùm bọc nhau cho bố mẹ chú thím cậu mợ ở quê yên lòng.
Nhưng vợ anh không vui, cô phàn nàn nhà suốt ngày khách khứa vương đầy mùi bia rượu thuốc lá. Khách đến ăn xong nào có ai thu dọn, lịch sự lắm thì gói gọn quăng ra sân sau, còn không thì giữ nguyên hiện trường thế. Ai tỉnh thì tự về, ai say thì lên lầu kiếm chỗ ngủ...
Sáng ra nghe vợ cằn nhằn, anh đã nổi cáu: "Thử hỏi có ai không bạn bè anh em? Đến chó nó còn có người thân nữa là người!". Không biết khi ấy anh bị quỷ ám, hay bị bia rượu đêm qua ám mà lại mở miệng nói ra câu ấy, anh đọc được sự vụn vỡ trong mắt vợ, gần như kinh hoàng. Và thay vì nói lời xin lỗi, anh còn nói to hơn: "Sống ích kỷ vậy thì có chó mới sống được cạnh cô, từ mai tôi sẽ không đưa bạn bè về đây nữa, cho cô yên thân!"
Và anh đạp lên đống bát dọn dở bỏ đi. Chiều về thấy cạnh thùng rác là mấy hộp giấy chất đầy chén bát, anh lao vào nhà, những ngăn tủ trống hoác, vợ thủng thỉnh: "Anh nói không mang khách về nhà nên chén bát cũng chẳng làm gì, em quăng ra đó coi có ai cần thì lấy! Để mất công chật tủ!"
|
Ảnh minh họa |
Anh không biết đêm trước con gái bị sốt, nôn ói cả đêm, vợ phải ngồi cạnh canh con trong khi chỉ cách mấy bước chân, anh đang "một hai ba... zô!" cùng chiến hữu. Anh không biết khi sáng con bé mới thiếp đi, vợ xuống lầu lấy ly nước mới thấy sáu mươi mét vuông tầng lầu la liệt những chén bát nồi niêu đang bốc mùi khó ngửi. Anh không biết người phụ nữ sinh một đứa con sẽ hao mất một nửa sinh lực, và đứa thứ hai mất một nửa nữa, một nửa quãng đời còn lại, người phụ nữ sống với một phần tư sức khỏe, trong khi gánh nặng gia đình con cái ngày một tăng.
Anh không biết khi anh thông báo cho đám em: "Chủ nhật có ghé chơi thì ghé, đừng tổ chức ăn uống", thì có một số đứa im lặng không nói gì, nhưng chúng về kể cho bố mẹ anh nghe với phiên bản chị dâu quá quắt đuổi bạn bè chồng, ngó lơ em út.
Anh không biết mẹ anh vì nóng ruột đám con, vì sĩ diện với anh em bà con đã điện vào cho vợ, nói nhà là do con trai bà vất vả xây lên, tiền ăn uống đãi đằng khách khứa hay cho các em cũng là tiền con trai bà, phận làm vợ làm dâu, chỉ có việc sinh con thôi mà cũng không nên hồn, đẻ ra hai đứa con gái èo uột ốm đau. Như ngày xưa, bà đã đuổi ra khỏi cửa để cưới vợ khác. Anh không biết khi ấy, vợ đã bật cười: "Vậy con nhờ mẹ nói với con trai mẹ đuổi con đi, mà có khi không cần đuổi đâu, mẹ con con tự đi được!"
Mẹ anh là mẹ chồng vốn có ác cảm với nàng dâu, lại thêm nay anh nghe em ruột mách, mai nhận tin nhắn em họ nói cần dạy lại vợ, vợ chỉ là vợ thôi, phải bố mẹ anh em đâu mà không thay được.
Nên khi vợ đưa ra tờ đơn ly hôn, anh đã ký ngay không suy nghĩ thêm, tự mình gửi đơn đến tòa án. Thủ tục rất nhanh, nhà bán chia đôi, hai đứa con theo mẹ, anh thành người độc thân.
|
Anh là một người chồng, một người cha thất bại. Hình minh họa |
Thời gian đầu, vợ không thèm nhìn mặt anh. Anh muốn thăm con thì đến trường đón chúng nó rồi cùng đi đâu đó ăn uống. Những lần gọi điện hay nhắn tin đều do con gái lớn trả lời, anh không biết lý do gì khiến vợ hận mình đến vậy, nhưng có quan trọng gì, anh và cô đã thành người dưng.
Và lý do gì lại khiến anh nhớ lại những chuyện cũ, về người dưng? Có gì đó vừa nứt vỡ trong anh, có những chuyện lúc này mới chợt nhớ ra, chợt hiểu.
Anh đã quá vô tâm khi chỉ coi vợ là một ai đó, anh đã quên mất trước khi về cùng nhau, anh và cô đã từng yêu nhau, từng cảm thấy cần nhau thế nào. Anh đã nghĩ bố mẹ anh thương con nên sẽ thương con dâu, mà quên mất chuyện mẹ chồng nàng dâu.
Anh buộc vợ phải đối xử tốt với bố mẹ và các em mình mà quên mất vợ cũng có bố mẹ và những người thân khác. Khi vợ nói chuyện với anh về những điều cô không thích hoặc không bằng lòng, anh đã gạt đi còn cho rằng cô khó tính. Anh đã bắt vợ sống cuộc đời của mình mà không nghĩ cô cũng có một cuộc đời riêng cần sống, cần tôn trọng.
Không hiểu sao đến hôm nay anh mới nhận ra tất cả những chuyện này. Có lẽ vì bữa tiệc sinh nhật của con Tuấn, anh đã vào bếp, đã nấu nướng, đã chăm chút, đã nhìn thấy một người đàn ông khác đối xử với vợ mình khác hẳn cách anh đã từng. Vợ Tuấn xứng đáng được nhận những yêu thương chăm sóc, vợ anh thì sao? Anh là một người chồng, một người cha thất bại.
Gia đình là một con thuyền, nhưng thay vì cùng chèo về một hướng, anh và cô đã mỗi người chèo mỗi hướng khác nhau để rồi chòng chành và lật úp. Nhìn gia đình Tuấn vui vẻ đầm ấm trong sinh nhật con dù có chỗ này lọng cọng, chỗ kia vội vã, anh muốn quay lại những ngày xưa, sẽ lắng nghe, sẽ chia sẻ, sẽ chăm sóc như Tuấn đang làm...
Lối về còn mở cửa cho anh?
Lan Phương