Lối ứng xử nhân văn ngày càng mai một?

16/03/2015 - 10:05

PNO - PN - Không khó để nhận thấy lối hành xử thiếu văn hóa, đậm chất bạo lực, chà đạp lên các giá trị chuẩn mực trong hành xử, giao tiếp mỗi ngày, mỗi giờ quanh ta.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mùa xuân. Khi các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống trên cả nước đồng loạt diễn ra, các phương thức giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng được dịp thể hiện một cách đậm đặc, cũng là lúc “vết sẹo” về văn hóa hành xử nơi một bộ phận người Việt được phơi bày một cách rõ nét nhất.

Nhìn lại hàng loạt các vụ việc hành xử thiếu văn hóa tại các lễ hội vừa qua, từ cướp phết cầu may, ẩu đả giành lộc đầu xuân, dùng kiệu phá hoại tài sản người dân, đến cướp ấn đền Trần… chúng ta có thể thấy rõ “lỗ hổng” rất lớn trong văn hóa ứng xử, giao tiếp của một bộ phận người Việt trong thời đại mới.

Nhìn nhận về cái gốc của văn hóa truyền thống, nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan cho rằng: đã đến lúc phải gọt giũa, loại bỏ những cái gì không thuần mỹ trong hàng trăm, hàng ngàn cái thuộc “thuần phong mỹ tục” của người Việt Nam.

Vậy ai sẽ là người gọt giũa, bài xích những cách hành xử thiếu chuẩn mực, phi văn hóa trong giao tiếp đang có chiều hướng tăng lên của “một bộ phận không nhỏ” người Việt? Không ai khác ngoài chính chúng ta, bản thân xã hội, từng cộng đồng.

Loi ung xu nhan van ngay cang mai mot?

Nhiều người nhận xét văn hóa ứng xử của một bộ phận người Việt đang có vấn đề, xuất phát từ sự a dua, mang tính đám đông. Chúng đến từ sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế xã hội, các giá trị văn hóa không bản địa… Nhìn nhận ấy không sai, nhưng có lẽ chưa đầy đủ. Bởi trong thực tế, căn nguyên của vấn đề này xuất phát từ việc giáo dục nơi gia đình và xã hội đang bị bỏ ngỏ.

Chúng ta không khó để nhận thấy lối hành xử thiếu văn hóa, đậm chất bạo lực, chà đạp lên các giá trị chuẩn mực trong hành xử, giao tiếp mỗi ngày, mỗi giờ quanh ta. Điều đáng nói là cách hành xử ấy gần như được xã hội chấp nhận, mọi người nhắm mắt ngó lơ khi nó xảy ra, thậm chí một số ít các bậc cha mẹ còn cổ xúy khi hành xử thiếu chuẩn mực vì bênh con.

Sự bình thản đến vô cảm của nhiều người trước các hiện tượng ứng xử vô văn hóa, sự thiếu giáo dục từ cái nôi gia đình chính là nguyên nhân chính dẫn đến “cái gốc” văn hóa nơi một số người lung lay.

4. Sự kiện một nữ nghệ sĩ dùng những ngôn từ đầy tính chợ búa để mạt sát lực lượng công an, xúc phạm danh dự người khác, xem nó như một phương thức giao tiếp, ứng xử trước một sự việc (dù viện cớ say rượu) hay việc một thanh niên sẵn sàng vung dao, đe dọa người khác tại lễ hội để cướp phết cầu may cho thấy rất rõ văn hóa truyền thống đang bị “bong tróc” một cách ghê gớm trong xã hội hiện nay.

Đáng lo hơn, hiện tượng ấy ngày càng lây lan, phổ biến trong các nhóm cộng đồng dân cư, rất nhiều người trẻ lấy phương thức ứng xử ấy (bạo lực, vô văn hóa) để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống và xem nó là chuyện ắt phải thế.

Hệ lụy thế nào cho một cộng đồng, xã hội khi phải hứng chịu cách hành xử thiếu văn hóa ấy (kỹ năng giao tiếp) của một bộ phận người Việt, ai cũng rõ. Bởi nó không chỉ tác động sâu sắc đến suy nghĩ, hành động của lớp trẻ, các cháu thiếu nhi, mà nó còn trực tiếp “đập nát” các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống vốn dĩ đang rất mỏng manh.

Những giá trị văn hóa không phải là bất biến, phải có sự thay đổi phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chính vì thế, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, để có những điều chỉnh phù hợp trong phương thức giáo dục. Đặc biệt là chú trọng giáo dục phương thức giao tiếp, ứng xử có văn hóa giữa người với người.

HUYỀN NI (TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI