Cuộc đời, sự cống hiến lăn xả ấy đã được tái hiện qua cuốn sách Tilo’s Troops – Handiwork of a Primatologist in Vietnam (tạm dịch: Đàn thú của Tilo - Công việc của một nhà linh trưởng học tại Việt Nam).
Cảm phục tấm lòng của “hiệp sĩ rừng già”
Murali Pai là bác sĩ thú y, đồng thời là nhà bảo tồn sinh học, biên tập viên của Bản tin Bảo tồn châu Phi (ACT). Sau khi đến rừng già Cúc Phương của nước ta, tiếp xúc, làm việc với ông Nadler Tilo tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC), Murali Pai cảm phục tấm lòng của Tilo, người được bà con Việt Nam gọi bằng những cái tên trìu mến: “Hiệp sĩ voọc”, “hiệp sĩ rừng xanh”, “linh trưởng chúa”. Murali Pai đã kể lại câu chuyện về cuộc đời Nadler Tilo cùng 25 năm trọn vẹn gắn bó với linh trưởng Việt Nam làm lựa chọn cho cuốn sách đầu tay của mình.
|
Hình ảnh ngộ nghĩnh của ông Nadler Tilo và linh trưởng. Ảnh: Murali Pai |
Chiều đông Hà Nội, ngày 20/1/2019, tại Viện Goethe đã diễn ra hai sự kiện ấm áp: Murali Pai giới thiệu cuốn sách Tilo’s Troops – Handiwork of a Primatologist in Vietnam; vợ chồng Nadler Tilo – Nguyễn Hiền tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ để chia tay chương trình Bảo tồn linh trưởng Việt Nam và EPRC sau 25 năm gắn bó với quá nhiều kỷ niệm.
Những nhà báo theo mảng môi trường, hoặc tâm huyết với môi trường như chúng tôi thoáng giật mình: Mới đó mà đã hai mươi lăm năm ông Tây kỳ lạ ấy gắn bó với đất rừng nước Việt.
Nadler Tilo là người Đức, ông là tiến sĩ ngành điện lạnh, cử nhân sinh học và kiến trúc nhưng lại chọn đi theo tiếng gọi của thiên nhiên. Ông từng có mặt ở Trung Quốc để nghiên cứu về gấu trúc, ở Nam Cực để nghiên cứu về chó biển và chim cánh cụt... Việt Nam và rừng Cúc Phương là chuyến đi dài nhất trong cuộc đời lang thang với mẹ thiên nhiên của Tilo.
Cơ duyên đến Việt Nam của Tilo xuất phát từ một con tem in hình chú voọc. Khi biết đó là loài đang trên bờ tuyệt chủng, cả thế giới chỉ còn lại vài cá thể trong rừng Việt Nam, Tilo đã xách ba lô lên đường. Ông sống trong rừng già, chặt cây làm lều đợi voọc. Sau nhiều tháng ròng chờ đợi, Tilo cũng gặp được voọc, nhưng là con voọc bị thương, nhốt trong lồng đang bày bán ở chợ Nho Quan (Ninh Bình) chờ người ta đến mua và mang về giết thịt.
Khi Hội Động vật học Frankfurt (một tổ chức bảo vệ động vật lâu đời và có uy tín bậc nhất trên thế giới) kêu gọi các chuyên gia thực hiện dự án bảo tồn voọc ở Việt Nam, ông Tilo đã “giơ cánh tay” đầu tiên; họ đầu tư kinh phí giúp Tilo xây dựng EPRC tại Vườn quốc gia Cúc Phương trong 3 năm 1993-1996. “Cuộc chiến” chống lại những kẻ săn bắt động vật hoang dã trong rừng Cúc Phương của ông bắt đầu.
Mối tình nên duyên nhờ… con voọc
Nguyễn Hiền gặp Nadler Tilo lần đầu tiên khi đang là sinh viên, chị nhận phiên dịch cho Tilo như một công việc làm thêm. Chị nhớ lần Tilo gặp con voọc mông trắng bị thương ở chợ Nho Quan, ông đỏ mặt tía tai gọi công an, kiểm lâm đến cứu cho được con thú nằm trong danh sách 25 loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Tilo đã đưa nó về cứu chữa, chăm sóc như một người cha với đứa con.
Gắn kết với nhau vì công việc, song chính những hành động nhân ái với cả con người và thiên nhiên của Tilo đã truyền cảm hứng đến cô sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp, Hiền quyết định vào rừng Cúc Phương nuôi linh trưởng cùng Tilo.
Chị tâm sự mà như rút hết ruột gan: “Khi đó tôi chọn vào Cúc Phương không phải vì yêu Tilo mà vì đã chọn bảo tồn, chọn thiên nhiên làm lẽ sống và mục đích sống. Khi làm việc cùng Tilo với tư cách là nhân viên của Trung tâm Cứu hộ linh trưởng, chúng tôi rất hiểu và hợp nhau trong công việc cũng như cuộc sống. Rất nhiều lần chúng tôi cùng nhau đưa ra ý tưởng, ý kiến giải quyết vấn đề trong vài tích tắc. Tình yêu đã nảy nở từ công việc. Biết lắng nghe, biết gạt đi cái tôi và cùng nuôi dưỡng lý tưởng là cách chúng tôi tạo nên những giai điệu riêng giữa núi rừng heo hút này”.
|
Gia đình Đức - Việt của Nadler Tilo và Nguyễn Hiền. |
Mối tình kỳ lạ ấy đã kết trái là hai cậu con trai Nadler Khiêm (16 tuổi), Nadler Huy (13 tuổi). Cả hai đều mang quốc tịch Đức nhưng từ nhỏ đã sống giữa rừng già Cúc Phương. Mười năm trước, Tilo đã bán cả gia sản bên Đức để mua một căn hộ ở Cầu Giấy với kế hoạch đưa Khiêm, Huy về Hà Nội học hành. Nhưng rồi cả Khiêm và Huy vẫn học ở trường làng Cúc Phương, Khiêm lên cấp 3 lại vượt qua ngoắt ngoéo núi rừng để ra trường huyện Nho Quan. Cả Hiền và Tilo đều cười bảo, có lẽ tình yêu rừng và việc lớn lên với đàn vượn, voọc đã níu giữ hai đứa trẻ; họ cũng muốn thiên nhiên, mẹ rừng thấm đẫm và nuôi dưỡng tâm hồn các con.
Chia tay nhưng vẫn nguyên vẹn tình yêu
Không chỉ lăn xả để bảo tồn và cứu hộ, qua cuốn sách Tilo’s Troops – Handiwork of a Primatologist in Vietnam, Murali Pai muốn chuyển tải hai câu chuyện lớn: Những loài linh trưởng đang bị đe dọa, sau khi được giải cứu khỏi bàn tay những kẻ săn bắt trộm và những người nuôi động vật hoang dã trái phép sẽ có cuộc sống mới tại EPRC; chúng được kết bạn với những con linh trưởng sống sót khác trước khi được thả vào môi trường thích hợp để thành lập các đàn (gia đình) và cuộc sống tiếp tục hồi sinh.
Từ chỗ bị săn bắt, bị biến thành món ăn và đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn, đến nay các đàn linh trưởng đã có được chỗ đứng ở Việt Nam nhờ tình yêu, sự hy sinh vì thiên nhiên của Nadler Tilo, của Nguyễn Hiền và đồng nghiệp.
|
Hình ảnh thân thương trong rừng Cúc Phương suốt 25 năm qua. |
Vợ chồng Tilo cũng đã gieo những hạt mầm để thế hệ trẻ Việt Nam biết và đi theo con đường bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là bảo tồn linh trưởng. Cuốn sách cũng thay lời thiên nhiên xứ sở, thay những loài linh trưởng của Việt Nam gửi lời tri ân đến vợ chồng Tilo.
Chương trình Bảo tồn linh trưởng Việt Nam và EPRC đã khép lại sứ mệnh sau 25 năm xả thân cống hiến. Tới đây, vợ chồng Tilo sẽ tiếp tục là cố vấn kỹ thuật cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình về vấn đề bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Nadler Tilo và Nguyễn Hiền đã chia tay chương trình, song chia tay chứ không bao giờ từ bỏ tình yêu đối với linh trưởng. Đó là lời khẳng định của vợ chồng Tilo và cũng là chủ đề xuyên suốt của cuốn sách Tilo’s Troops – Handiwork of a Primatologist in Vietnam.
Uông Thượng