Lời thú nhận trước giờ bóng… nữ lăn!

05/12/2019 - 13:01

PNO - Từ lời kêu gọi bình quyền trong thể dục đến ý thức bình đẳng trong thể thao đối kháng - cả trăm năm sau, vẫn cứ còn là một khoảng cách xa vời, mà khởi nguồn, không ai khác ngoài chính tôi, hay chính bạn.

Nếu so với trận cầu gặp tuyển Thái Lan, việc cầm hòa 1-1 là một chiến thắng, thì tỷ số đè bẹp 6-0 trước tuyển Indonesia là khá dễ dàng, không khác một trận đấu tập của tuyển nữ Việt Nam. Những cô gái của xứ sở chùa Vàng có thể hình tốt, tốc độ lẫn sự đeo bám đối thủ khá rát, bằng chứng là cú đánh đầu đáp trả vào phút 87 của tiền đạo số 7, Taneekarn đã cho thấy điều đó. Trong khi, cả 6 bàn thắng của tuyển nữ Việt Nam vào lưới Indonesia đều cho thấy hàng thủ của đội bạn chơi lỏng lẻo và hơi… nhát bóng. Cái cách xâm nhập vòng cấm của Huỳnh Như, Tuyết Dung cũng như khoảng trống cho Nguyễn Thị Vạn tung những cú sút “thần sấm” đều tương đối thoải mái.

Loi thu nhan truoc gio bong… nu lan!
Những cô gái Việt Nam vẫn luôn mạnh mẽ, bứt phá trước đối thủ

Phải thừa nhận, khả năng ghi bàn của tuyển nữ Việt Nam rất đa dạng. Từ cú đánh đầu đập đất đẹp mắt của Dương Thị Vân vào lưới Thái Lan cho đến những đường chuyền căng ngang hay những cú chạy biên, tìm cách tạt ngược lên cho tuyến hai xông vào ghi bàn, hoặc không hiếm các cú sút từ góc hẹp đều chuyển hóa thành bàn thắng ở trận cầu 6-0.

Nhưng, cũng phải thú nhận, là tố chất nữ, nó liên quan đến nội lực, thể hình, sức rướn, tốc độ... nên, là trận cầu của tuyển nữ, nhất là khu vực Đông Nam Á, đôi khi có cảm giác như chúng ta đang xem một trận đấu… quay chậm. Những cô gái, dù luôn xông xáo, mạnh mẽ, bứt phá thì vẫn cảm thấy họ lọt thỏm giữa sân cỏ. Và tôi, hay nhiều người, không chờ phải đàn ông hay đàn bà, vẫn luôn dậy lên niềm cảm phục lẫn chút ngậm ngùi không cần thiết, có lẽ.

Bởi, nhìn nhận sự thiệt thòi của đội tuyển bóng đá nữ sẽ không bao giờ là cũ, mà cũng chẳng có gì để gọi là mới. Và những cô gái mang nghiệp quần đùi áo số đã ý thức rất rõ về điều đó, thậm chí họ chẳng xem đó là thiệt thòi để mà kịp tủi thân. Miễn là họ được ra sân, được tập luyện, được thi đấu. Nó như một sự tự giải phóng niềm yêu thích của bản thân hơn là phải đong đo cái sự đối đãi trở lại như thế nào cho công bằng.

Loi thu nhan truoc gio bong… nu lan!
Điều họ quan tâm nhất là được ra sân, được tập luyện, được thi đấu

Cho nên, lời kêu gọi của huấn luyện viên Mai Đức Chung với cổ động viên - hãy nán lại xem trận bán kết của bóng đá nữ tại SEA Games vào chiều muộn 5/12, không chỉ dành riêng cho họ mà cho chính chúng ta - những người đang tỏ ra “ngạo nghễ” trên khán đài… ti vi. Hay động thái đóng góp ủng hộ của người đứng đầu chính phủ và các thành viên chính phủ với tuyển nữ Việt Nam là thể hiện một tinh thần cổ võ thể thao, thượng tôn màu cờ sắc áo hơn là chỉ ủy lạo “bữa cơm thêm chất”.

91 năm trước, tròm trèm cả trăm năm, ông giáo, nhà hoạt động cách mạng, giáo sư Đặng Văn Bảy - Hoành Sơn đã viết trong cuốn Nam nữ bình quyền (vốn bị thực dân Pháp cấm phát hành) như sau: “Giáo dục trai cần nhứt là thể dục, mà giáo dục gái không cần nhứt là thể dục sao? Người mẹ yếu bịnh, có thế nào sanh con ra mạnh mẽ?... Ta ở vào thế kỷ hai mươi nầy là một thế kỷ mỗi người đều mạnh dạn nhậm lẹ, đủ lý cứng để chống chỏi với lòng ham muốn quấy, đủ sức lực để cự dương với kẻ ỷ thế quyền; chớ không phải ở vào đời Nghiêu - Thuấn mà cứ biết có một việc nồi cơm trách cá…”.

Từ lời kêu gọi bình quyền trong thể dục đến ý thức bình đẳng trong thể thao đối kháng - cả trăm năm sau, vẫn cứ còn là một khoảng cách xa vời. Mà khởi nguồn, không ai khác ngoài chính tôi, hay chính bạn, trái bóng thì luôn tròn mà con mắt dõi theo đôi chân cầu thủ thì cứ muôn đời theo… giới tính!

Một lời tự “đính chính”, thay cho thú nhận, trước giờ bóng lăn trên sân Binan, 19g tối nay, 5/12.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI