Lối thoát tạm thời

09/09/2023 - 06:18

PNO - Khi đại dịch quét qua, cũng như hàng ngàn trường hợp khác, gia đình chị thu dọn về quê và chị thất nghiệp kéo dài đến nay.

Thời tiết mấy hôm nay trở dịu nhưng ngóng mãi tôi vẫn không thấy chị Lài ghé nhà tôi như bình thường. Tôi nóng ruột chạy qua kiếm tìm thì được biết tuần sau chị khăn gói vào Nam.

Chị tôi thường xuyên mất ngủ vì khổ tâm ( Ảnh minh họa)
Chị tôi thường xuyên mất ngủ vì khổ tâm (ảnh minh họa)

Chị Lài là chị họ bên chồng của tôi, chúng tôi ở chung xóm. Thời gian rảnh trong ngày của chị không nhiều, vì chị phải quần quật làm lụng liên tục. Ngoài chợ búa, nấu nướng, quét dọn phục vụ đại gia đình, chị còn trông thêm đứa cháu nội 3 tuổi.

“Chị chẳng ngủ được. Dù chị uất ức, tủi phận nhưng chị lại không nói gì được ai vì cứ chực mở miệng là nước mắt chị đã trào ra”, chị Lài từng tâm sự với tôi.

Vợ chồng chị có 3 người con. Người con gái đầu đã lập gia đình và ở bên nhà chồng. Trong 2 người con trai, cậu Út đã lấy vợ có con; người anh còn độc thân, cả 2 đều ở chung với cha mẹ.

Trước đây, khi đại dịch COVID-19 chưa xảy ra, gia đình chị thuê nhà, cùng sinh sống bằng nghề bán sinh tố và nước giải khát trong một con hẻm tại TPHCM. Cuộc sống ổn thỏa, đồng tiền kiếm ra hàng tháng cũng có dư, bởi mỗi thành viên trong gia đình đều chí thú làm ăn, chung lưng đấu cật cùng chị Lài buôn bán, tích lũy vốn liếng.

Tuy nhiên, khi đại dịch quét qua, cũng như hàng ngàn trường hợp khác, gia đình chị phải đóng quán, thu dọn đồ đạc trở về quê. Miệng ăn núi lở. Bao nhiêu tiền nhượng quán, sang lại mặt bằng cùng vốn liếng tích lũy được bay vèo trong vòng hơn 1 năm nhà chị thất nghiệp, ăn không ngồi rồi tại TP Huế. Thật ra, chồng chị là anh Hùng thỉnh thoảng vẫn đi làm, nhưng công việc của anh là phụ hồ, khi có việc thì chủ thầu gọi, hết công trình lại thôi.

“Anh Hùng đã có tuổi, sức khỏe không ổn định nên việc kiếm tiền nay trầy mai trật, chưa kể miền Trung đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Em bảo chị phải dè sẻn, chi tiêu thế nào khi mỗi tháng anh chỉ đem về mấy ngày tiền công?”.

“Thế 2 con trai chị đâu, sao chúng không đi làm?”, tôi hỏi.

“Thằng Út cũng có thu nhập bằng công việc gì đó trên mạng, vợ nó phụ việc ở tiệm may. Mỗi tháng, 2 đứa góp tiền ăn 4 triệu đồng. Nhưng cũng vì số tiền đó mà chị rất khổ tâm”, chị lại rơi nước mắt.

Chị kể tiếp cho tôi nghe nhiều tình tiết đau lòng. Người con trai đầu chưa kiếm được việc, tính nóng như lửa, hễ ai nhắc nhở, đụng vào điểm yếu sẽ lập tức to tiếng cãi vã, thể hiện thái độ bất cần. Người con trai út kiếm được chút tiền thì tính tình lại căn ke, tính toán. Anh ta ít nói, nhưng mỗi lần mở miệng đều rất "độc mồm".

Có một lần, chỉ vì chị Lài mệt, nấu bữa cơm sơ sài mà cậu Út “nhắc nhẹ”: “Nhà này, người ăn thì nhiều mà người góp tiền thì ít. Người góp đầy đủ chế độ ăn uống cũng chẳng khác gì kẻ không đồng”.

Chị buồn bã: “Mới hôm kia, thằng Út còn bảo nếu không có khoản tiền ăn của vợ chồng nó thì cả nhà này chết đói”.

Nghe chị kể, tôi nghĩ đến câu nói của ông cha xưa “Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”. Tôi dần hiểu sâu sắc hơn lý do tại sao chị uất ức, buồn tủi đến nỗi trắng đêm.

Chị gấp rút chuẩn bị đồ đạc Nam tiến ( Ảnh minh họa)
Chị gấp rút chuẩn bị đồ đạc Nam tiến (ảnh minh họa)

Lần này ghé qua thăm chị, tôi vui lây. Vé máy bay anh trai chị đã mua sẵn, vài hôm nữa chị sẽ Nam tiến. Chị vào TPHCM phụ trông nhà để gia đình người anh bay sang Úc du lịch kết hợp tính chuyện làm ăn trong khoảng thời gian vài tháng.

Chị Lài gói ghém cái này, chuẩn bị cái kia, gương mặt bừng lên vẻ tươi hồng hiếm thấy. Chị nói: “Lần này chị không lấn cấn gì nữa. Chị sẽ đi để mấy cha con ở nhà tự lo, tự cân đối mọi chuyện. Ra sao thì ra. Trong gia đình này, không phải chỉ chị mới là người cần biết nghĩ”.

Tôi mừng cho chị. Đối với những người phụ nữ yếu đuối, không có khả năng bàn bạc, đối thoại và dữ dằn một chút với chồng con như chị, thì việc bỏ lại những bế tắc để rời đi đâu đó một thời gian cũng là lối thoát giúp bản thân được an dưỡng, phục hồi...

Minh Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI