Lối thoát hão huyền

14/01/2024 - 17:36

PNO - Ai cũng nói tôi có số hưởng, được chồng yêu chiều và nhà chồng thương quý, đi làm đi công tác có ông bà nội chăm con cho, còn muốn gì nữa?

Nhìn con tắt nguồn điện thoại trùm mền trốn biệt trong phòng, tôi vừa thương vừa giận và tôi giận chính mình nữa. Tôi đã không làm được gì ngoài việc cằn nhằn chồng tập hư con, thậm chí tôi đã để mình xiêu lòng trước những điểm số hào phóng dễ dãi…

Chồng tôi có tính sĩ diện, nói đúng hơn là bệnh sĩ diện.

Khi mới yêu nhau, những tiêu tốn xa hoa của anh khiến tôi nghĩ rằng anh muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho người yêu và tôi tự hào về điều này lắm. Nhưng từ khi tôi về làm dâu, sự vung tay của anh khiến tôi e ngại. 

Những cuối tuần, vợ chồng cô em gái dắt con về chơi, tôi đã chu đáo đi chợ nấu một bữa đầy đặn, đủ cho gia đình quây quần ngon miệng nhưng anh vẫn gọi mua thêm vài món ở nhà hàng… Những chuyến du lịch có cả ba mẹ anh và vợ chồng cô em gái, trong khi phe đàn bà là mẹ anh, tôi và em gái anh bàn bạc chọn homestay đủ tươm tất thì anh lắc đầu.

Anh nói đã đi chơi thì hãy thoải mái tận hưởng. Vậy là anh chọn resort, mà phải là phòng có view đẹp nhất để… còn chụp hình đăng Facebook. Em gái anh cười cười thẳng thừng: “Anh muốn chơi sang thì anh bù nha, em chỉ đủ tiền cho phòng bình thường thôi đó”. Anh phẩy tay: “Chuyện nhỏ!”.

Đó mới là sinh hoạt gia đình mà tôi là người trong cuộc, còn khi anh giao tiếp bên ngoài thì chẳng biết còn tới đâu. Chỉ thấy khi về tới nhà, nhìn anh tươi cười mãn nguyện gõ gót giày thì tôi đoán anh lại vừa được bạn bè tâng bốc lên mây xanh, Facebook của anh lại hiện những tấm hình tụ họp cùng đồng nghiệp ở nơi sang chảnh. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Sống chung nhà chồng nên tôi chỉ nói nhỏ với anh trong phòng. Anh biết vậy nên mỗi khi tôi lên tiếng trách anh hoang phí thì anh cười khì rồi đi ra ngoài, tôi chẳng thể đi theo mà cằn nhằn. Mẹ anh hiểu lòng tôi, nhiều lần bà nói vu vơ: “Ba mẹ sinh con, trời sinh tính”. Tôi muốn nhờ bà khuyên bảo anh mà rồi đắn đo không dám. Ai cũng nói tôi có số hưởng, được chồng yêu chiều và nhà chồng thương quý, đi làm đi công tác có ông bà nội chăm con cho, còn muốn gì nữa?

Thật lòng, tôi muốn Chi và Mẫn - 2 đứa con - đừng bị ảnh hưởng tính cách của ba. Thời tiểu học, mỗi khi con được điểm 10 là anh thưởng đồ chơi mắc tiền. Khi tôi nhìn thấy món đồ chơi nghĩa là anh đã mua về rồi còn bé Chi và cu Mẫn đang háo hức vui sướng, tôi chẳng thể bứt món đồ chơi quá tốn kém khỏi tay con.

Mới 10 tuổi mà con tôi đã biết săm soi hộp quà để tìm dòng chữ “made in Japan”, săm soi đôi giày tìm chữ “adidas”… Tôi nói anh làm vậy là tập hư con, anh nhún vai cười khì. Thật khó dạy con khi có những buổi sáng, tôi nói chiều qua còn nhiều cơm nguội nên sáng nay mình ăn cơm chiên trứng thì anh gạt đi và nói bữa sáng là bắt đầu ngày mới nên đừng dùng món cũ. Anh hay chơi chữ kiểu vậy để vuốt ve cơn bực của tôi. 2 đứa con dĩ nhiên vỗ tay hoan hô ba.

Đôi lúc hỏi đùa con thương ai hơn thì 2 đứa trả lời ngay là thương ba hơn. Con tôi còn nhỏ mà đã quen kiểu cách nhà hàng sang trọng vừa bước chân qua cửa đã có người cúi chào, tiếp theo là chăm sóc tận răng.

Trong lớp học của các con tôi cũng có những phụ huynh giống chồng tôi. Điều đáng ngại là con của họ và con tôi tạo thành nhóm “con nhà giàu”. Tôi sợ sự đua đòi sang chảnh khiến con mình mất thời gian cho việc săm soi hơn thua những chuyện không liên quan tới học hành.

Tôi muốn con mình vô tư hồn nhiên hòa đồng với tất cả bạn bè. Thực tế là lên cấp II rồi cấp III, sự cách biệt giữa nhóm “con nhà giàu” với các bạn cùng lớp ngày càng rõ ràng. Ngay cả việc đi học thêm, khoảng chục đứa “con nhà giàu” thành một nhóm riêng. 

Rồi nỗi lo lắng của tôi được an ủi vì những bài kiểm tra đều được điểm 8 trở lên. Điều đó khiến chồng tôi tự hào và tự tin lắm. Anh vênh mặt: “Em thấy đó, lớp học thêm cả trăm đứa sao chất lượng bằng nhóm 10 đứa tinh hoa”. Lần này, tôi không cãi lại anh. Điểm số của con khiến tôi an lòng và chấp nhận tham gia “hội phụ huynh” của nhóm “con nhà giàu”. Mỗi Chủ nhật, cả nhóm rủ nhau đến nhà 1 bạn và mẹ của bạn đó sẽ phục vụ cho cả nhóm thỏa thích vui chơi.

Cho đến khi thầy chủ nhiệm cũng là thầy dạy môn toán bị tai nạn giao thông khá nặng phải nằm viện dài ngày, thầy giáo khác dạy thay và bài kiểm tra của nhóm được gọi là tinh hoa nhận về toàn điểm 3 điểm 4. Hóa ra bấy lâu nay học thêm chỉ là để biết trước bài giải. Lớp Mười hai, sừng sững 2 kỳ thi quan trọng, tôi hốt hoảng nhờ người kiểm tra Chi các môn học còn lại. Chẳng khác gì môn toán. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Ông bà nội đã quen nhìn thấy Chi được điểm 9 điểm 10, cô chú đã quen nghe khen bé Chi học giỏi, ai nấy ngạc nhiên khi Chi thi rớt đại học, thậm chí là không đủ điểm sàn.

Đóng cửa phòng lại, chồng tôi nghiến răng: “Nhục mặt”. Rồi khi mở cửa ra, anh tươi cười với cả nhà và nói bằng giọng nhẹ tênh như một người không màng danh lợi rằng học tài thi phận là chuyện thường tình. Điện thoại bạn anh gọi mời dự tiệc mừng đứa con thi đậu bách khoa, anh trả lời ngày đó mình đi công tác.

Nhìn con tắt nguồn điện thoại trùm mền trốn biệt trong phòng, tôi vừa thương vừa giận và tôi giận chính mình nữa. Tôi đã không làm được gì ngoài việc cằn nhằn chồng tập hư con, thậm chí tôi đã để mình xiêu lòng trước những điểm số hào phóng dễ dãi. Giờ đây, chẳng còn cách nào khác là đợi con qua cơn sốc rồi ôn luyện cho kỳ thi sang năm. Chi khóc nức nở: “Sang năm gặp lại, tụi nó trên con 1 lớp, nhục lắm”. Tôi dỗ dành: “Chỉ chậm 1 năm thôi, nếu con thay đổi và cố gắng”.

Nhưng chồng tôi không chịu. Đêm, anh nằm thao thức rồi bật ra: “Cho nó du học”. Gương mặt đăm đăm của anh mấy hôm nay giờ giãn ra như đã tìm được lối thoát. Ừ, có đứa con du học là một điều đẹp đẽ mát mặt. 

Tôi không im lặng xuôi theo nữa. Tôi gay gắt: “Anh không nhớ điểm môn tiếng Anh của con mình được bao nhiêu à?”. Anh thở phì: “Quên điểm thi đi. Thuê gia sư dạy cấp tốc”. Ngón tay anh nhanh nhảu lướt trên màn hình tìm kiếm thông tin và giọng anh hài lòng: “Em đọc đi, nước ngoài có nhiều trường đại học tạo điều kiện cho sinh viên nhập học nhiều lần trong năm. Sau vài tháng nữa, con mình cũng là sinh viên như ai, không bị mất cả năm chờ đợi thi lại như em nói”.

Tôi bật ra: “Nghe giảng bài, làm bài bằng tiếng mẹ đẻ mà kết quả còn như vậy thì cấp tốc vài tháng sao hiểu nổi bài bằng tiếng Anh? Xin anh đừng ảo tưởng nữa. Đừng nhồi vào đầu con chuyện du học để nó ảo tưởng theo anh”.

Chồng nhìn tôi trừng trừng. Tôi biết anh đang giận ghê gớm nhưng nếu tôi không nói thẳng thì còn ai khác có thể? 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Sau 2 tuần nằm bẹp, Chi đã chịu ngồi dậy. Không đi ra ngoài vì không muốn đụng người quen hỏi han thì tự học trên mạng vậy. Tự học không phải là điều dễ dàng đối với một đứa trẻ đã lệ thuộc vào các lớp học thêm nhưng dù sao, chịu ngồi trước máy tính để khởi đầu lại cũng là tốt hơn rồi.

Nhưng đó chỉ là tôi tưởng, thậm chí tôi còn thấy mừng vì Mẫn hay liếc nhìn chị đang ngồi trước máy tính bằng đôi mắt nghĩ ngợi. Hẳn việc Chi thi rớt là bài học cho Mẫn biết sợ mà chăm chỉ học hành. Thỉnh thoảng, tôi đến sau lưng Chi, đặt tay lên vai con để biểu lộ sự chia sẻ và khích lệ. Và có lần, tôi nhìn thấy trên màn hình là dòng chữ “Thông tin du học…”.

Không biết do chồng tôi nói hay chính Chi tự nghĩ ra nhưng cho dù bởi ai thì đó cũng chỉ là lối thoát hão huyền trong cơn sĩ diện. 

Tôi biết làm sao để giúp con mình tỉnh ra? 

Nguyên Hương

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI