Lối thoát cho du lịch

04/03/2022 - 06:24

PNO - Khi đã xác định mở cửa du lịch, cần đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho du khách quốc tế và rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực theo khả năng của Nhà nước.

Cuối năm 2021, ít ai dám dự báo về du lịch Việt Nam năm 2022 vì quá nhiều thách thức. Có người cho rằng, phải tới năm 2025, thậm chí là năm 2030, du lịch Việt Nam mới phục hồi như trước khi có dịch COVID-19. 

Những du khách Nga đến Việt Nam vào cuối tháng 12/2021
Những du khách Nga đến Việt Nam vào cuối tháng 12/2021

Trước tết Nguyên đán cả tháng, du lịch vẫn ảm đạm, tàu, xe đại hạ giá vẫn ế. Nhiều công ty lữ hành không dám giữ dịch vụ, sợ ôm nợ như năm trước, chấp nhận tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ tết. Nhưng sát tết, tình hình xoay chuyển nhanh khi chính quyền các địa phương nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Giá tàu, xe tăng mạnh mà vẫn cháy vé. Đa phần khách du lịch tự túc. Nhiều công ty lữ hành trở tay không kịp, vài đơn vị mạo hiểm thì thắng lớn.

Tết Nhâm Dần 2022, du lịch bội thu. Nhiều trọng điểm du lịch có lượng khách tương đương, thậm chí vượt đỉnh của năm 2019. Ước tính, hơn 6 triệu lượt du khách trong tuần lễ tết (ngày 1 - 7/2). Đáng mừng hơn, du lịch bùng phát nhưng số ca lây nhiễm không tăng, số ca tử vong giảm, nạn “chặt chém” chỉ lác đác vài vụ.

Giữa bức tranh màu hồng đầu xuân, vẫn có vài vệt xám. Trong số hơn 6 triệu khách du xuân, chỉ có 500 khách quốc tế và hơn một nửa số này là người Việt ở nước ngoài. Từ ngày 8/2, số ca lây nhiễm tăng phi mã. Điểm tích cực là số ca tử vong giảm nhờ 92,6% dân số quốc gia đã tiêm chủng đủ liều.

Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3. Hoạt động du lịch lập tức khởi sắc. Các công ty lữ hành bắt đầu nhộn nhịp, nhất là những ngày cuối tuần, chủ yếu vẫn là khai thác thị trường nội địa. Họ bắt đầu tuyển dụng rầm rộ để bổ sung nhân lực sau hơn hai năm “đứng hình”. Đây là bước quan trọng, tổng dượt cho việc mở cửa du lịch quốc tế. 

Cuối tháng Ba, dịch vụ outbound (đưa du khách đi nước ngoài) sôi động hơn. Hàng loạt tour được chào bán, hầu hết giá tăng từ 20% trở lên, có tour tăng hơn 100% do chuyển từ tour shopping sang trải nghiệm (tour Thái Lan). Giá tour tăng do giá xăng dầu tăng, do tốn thêm chi phí xét nghiệm PCR (từ 100 - 150 USD) và các dịch vụ y tế khác.

Giữa lúc du lịch tái khởi động, xuất hiện những thử thách không nhỏ. Tai nạn chìm tàu ở biển Cửa Đại (Cù Lao Chàm, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) vào ngày 26/2 làm 17 du khách thiệt mạng phần nào gây tâm lý e ngại của người dân về du lịch đường thủy và cũng cho thấy những lỗ hổng nguy hiểm về quản lý. Ngay sau vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra thực trạng hoạt động vận tải hành khách bằng các phương tiện thủy nội địa…

Trước khi các dịch vụ tái hoạt động sau dịch, nếu có chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát chặt chẽ, có lẽ đã tránh được tai nạn thương tâm. Sau hơn hai năm “đứng hình”, các cơ sở lưu trú, dịch vụ đều xuống cấp, nặng nhất là tàu, xe. Việc kiểm tra, rà soát đáng lẽ phải làm thật nghiêm túc nhưng đã bị xem thường, từ chủ phương tiện, cấp quản lý đến du khách. Từ tai nạn chìm tàu, nghĩ về các dịch vụ khác mà lo.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện rất thấp (0,08%) nhưng số ca lây nhiễm tăng mạnh. Ngày 28/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) nâng mức báo động dịch bệnh của Việt Nam lên cấp 4 (rất cao), khuyến cáo “ngừng đến Việt Nam”. Nhiều tour đi miền Bắc bị hủy một phần do khách hoảng, phần do các địa phương hạn chế dịch vụ tập trung. Giá xăng dầu tăng liên tiếp, kéo giá dịch vụ lên, đặc biệt là vé máy bay.

Con người đã điên đầu và cực kỳ vất vả để chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhưng chưa kịp mừng thì nhân tai ập xuống. Cả inbound, outbound đều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga - Ukraine. Nếu chiến sự kéo dài, nguồn khách Nga giảm sút; cả châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đều ít nhiều bị tác động. Khách Trung Quốc chiếm gần 1/3 (5,8/18 triệu) không thể vào Việt Nam do chiến lược “zero COVID” đầy ảo tưởng.

Các công ty inbound (đưa du khách quốc tế đến) đang lo vì thiếu hướng dẫn cụ thể và chưa biết lúc nào có. Nhiều địa phương vẫn chống dịch thò thụt. Công văn dự thảo nhưng đóng dấu khẩn của Bộ Y tế đã nói lên sự lúng túng, bị động, thiếu nhất quán giữa các ngành. An toàn phải là mục tiêu tối thượng. Mọi hoạt động phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch nhưng đã khẳng định “sống chung với dịch” thì phải có tiềm lực và bản lĩnh. Làm gì cũng sợ thì không chừng “chết chung với dịch”. Nếu chúng ta xác định mở cửa du lịch mà vẫn duy trì cách chống dịch bất nhất như hiện nay thì du lịch nội địa cũng khó hồi phục, nói gì đến du lịch quốc tế.

Lúc này, rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực theo khả năng của Nhà nước, để các doanh nghiệp nhanh chóng bổ sung nhân lực, nâng cấp các dịch vụ theo chuẩn quốc gia, rà soát toàn bộ dịch vụ trước khi tái khởi động để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Như có thể xem xét giảm 50% thuế VAT và lãi suất ngân hàng so với trước dịch hoặc trả chậm hai khoản trên một năm. 

Mặt khác, đã xác định “sống chung với COVID-19” thì cần nhất quán trong mọi hoạt động để tạo niềm tin vững chắc cho cả doanh nghiệp lẫn du khách. Việc mở cửa phải an toàn nhưng không đợi an toàn mới mở cửa. 

Mở cửa là lối thoát duy nhất, chỉ có tiến chứ không lùi. Khi đã xác định mở cửa du lịch, cần đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho du khách quốc tế và có thể miễn thị thực cho khách đến Việt Nam bằng đường hàng không trên hai tuần trong năm 2022. Đồng thời, cần có phương án dự phòng khi dịch bệnh bùng phát mạnh hơn và chiến tranh lan rộng. 
Sẽ chưa thể có khách quốc tế ngay khi mở cửa nhưng phải chuẩn bị mọi thứ thật tốt cho mùa hè (nội địa và outbound) và mùa đông (inbound) năm 2022 này. Chúng ta hãy xem 2022 là năm lấy đà, 2023 mới là năm tăng tốc của du lịch Việt Nam. 

Nguyễn Văn Mỹ 
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI