Lời thề Sở Khanh

23/11/2013 - 19:09

PNO - PN - “Cá trê chui ống, lời thề Sở Khanh” không chỉ là lời cảnh báo trên “tình trường” từ chiêm nghiệm của cô Kiều vốn “thông minh nhất mực hồng quần”. Giờ đây, đó là lời dặn cần cảnh giác với những lời hứa hẹn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Không ít dự án dắt trâu qua rào là lao vào săn tìm lợi nhuận tối đa, nhưng lại gây tai vạ cho nhân dân do căn bệnh trầm kha “vô trách nhiệm vô hạn” gây ra.

Cùng với hàng chục thủy điện xả lũ gây lụt lội và chết chóc cho nhiều tỉnh miền Trung nghèo khổ lắm tai ương là vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Bình Thuận. Không hẹn mà nên, hai sự cố cùng cảnh báo một điều: hãy cẩn thận và cảnh giác với lời hứa trong các dự án liên quan nhiều đến môi trường như thủy điện và khai khoáng.

Loi the So Khanh

Bùn đỏ titan lênh láng như lũ tại Bình Thuận. Nguồn ảnh: báo Tuổi Trẻ.

Dự án thủy điện nào cũng có đánh giá “tác động môi trường”, cũng hứa hẹn trồng rừng thay thế, cũng lập quy trình xả nước chặt chẽ để đạt mục đích làm ra điện, đồng thời điều tiết được lũ. Các nhà quản lý có vẻ “không mảy may nghi ngờ” khi xét duyệt. Và trong thực tế, không phải trong trận lụt bất ngờ mới đây mà nhiều năm trước, từ Đồng Nai đến Quảng Nam, thủy điện luôn là tác nhân đóng góp, kẻ a tòng tích cực nhất cùng thiên tai tàn phá môi trường, gây hại lớn cho nhân dân, cả nhân mạng lẫn của cải.

Trong khai khoáng, những báo cáo tác động môi trường này có lẽ cũng không kém hùng hồn, hoa mỹ, từ khai thác bô-xít trên nóc nhà Đông Dương đến đào bới quặng titan miền duyên hải cực Nam Trung bộ. Và hậu quả đầu tiên đã xảy ra, đúng như nhiều dự báo khoa học, chất thải bùn đỏ do khai thác titan của một công ty cổ phần với số lượng hàng ngàn mét khối, đã tràn ra môi trường và ruộng đất của dân. Những lời hứa, lời thề hoa mỹ của công ty này đã bị bùn đỏ nhấn chìm. Xem ra tai vạ không phải bao giờ cũng từ trên trời rơi xuống.

Khoa học, kỹ thuật không phải là bài toán tập mờ, không cho phép năm ăn năm thua. Tạo một hồ chắn bùn đỏ độc hại dù chỉ trên độ cao 15 hay 20m trên đầu người dân ở hồ mỏ titan hay trên nóc nhà Đông Dương trong hai dự án bô-xít, bắt buộc phải được tính toán sao cho tuyệt đối an toàn, thậm chí hệ số an toàn phải 2 hoặc 2,5, dù điều ấy đòi hỏi tốn kém.

Sợ giá thành đội lên mà kinh doanh bị thua lỗ thì dừng lại chứ không được phép đưa tính mạng và tài sản, nước mắt mồ hôi của dân ra mà đánh cược. Hồ bùn đỏ titan bị vỡ trong điều kiện ngoại cảnh bình thường chứng tỏ thiết kế, thi công chưa đảm bảo an toàn hoặc việc quản lý có sai lầm, thiếu sót. Hy vọng các cơ quan liên quan ở các tỉnh có thủy điện ở miền Trung và Bình Thuận, nơi có mỏ titan lớn, với tinh thần vô tư, bàn tay trong sạch, sẽ tìm ra nguyên nhân, cá nhân nào, tổ chức nào chịu trách nhiệm để bồi thường cho dân và rút kinh nghiệm về sau.

Đó là thái độ đúng đắn, khoa học và trách nhiệm nhất của nhà kinh doanh và đội ngũ cán bộ thay mặt Nhà nước quản lý việc kinh doanh của họ. Lợi nhuận, lương bổng của họ là từ mồ hôi của dân. Việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau hoặc quy về “trách nhiệm chung của tập thể”, lấp liếm sự thật và chối quanh như cho rằng thủy điện vô can trong trận lũ kinh hoàng vừa qua hay chất bùn đỏ titan là vô hại, thậm chí “tốt cho cây trồng”, hoặc viện lý do công ty đang trong thời gian ngừng hoạt động, thậm chí đổ cho “trận mưa to chiều hôm trước” là không thể chấp nhận. Bộ NN-PTNT cùng các sở trực thuộc các tỉnh miền Trung có 14 nhà máy thủy điện xả lũ, cũng như Sở TN-MT Bình Thuận đã ở đâu, đã làm gì để đề phòng công trình trước khi chúng xảy ra sự cố?

Nhà đầu tư có thiện chí hay không đều thừa chữ để viết những lời cam kết “có cánh”. Sẽ hoàn thổ, sẽ làm sạch dòng chảy, sẽ trồng cây gây rừng tươi đẹp như xưa, có là bùn đỏ bô-xít, titan chứ bụi phóng xạ cũng là chuyện nhỏ, “trăm điều hẵng cứ trông vào một ta!”. Nhưng có hứa thật và có cả hứa lèo, xin hãy cảnh giác! 

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI