Lời thách thức…

24/04/2016 - 09:10

PNO - Chúng tôi yêu con rõ ràng là thế nhưng sao vẫn có cảm giác sai sai. Cháu lầm lì hơn các bạn trang lứa, ít khi nói chuyện với ba mẹ.

Chúng tôi có một cháu trai, đang học lớp 10. Cưới nhau 10 năm chúng tôi mới có cháu, nên cháu là tất cả tình yêu, sự quan tâm của vợ chồng tôi. Lên đến lớp 5, ở nhà tôi còn đút cháu ăn, thức ăn phải cắt nhỏ ra, nấu riêng. Giờ cháu lên lớp 10, tôi cũng phải đón đưa đi học, dắt đi xem phim. Mẹ cháu vẫn phải chăm lo từng tí, thậm chí đến nhặt hết xương cá.

Chúng tôi yêu con rõ ràng là thế nhưng sao vẫn có cảm giác sai sai chỗ nào đó. Cháu lầm lì hơn các bạn trang lứa, ít khi nói chuyện với ba mẹ. Đi học về ở hoài trong phòng. Tôi cũng mong con mình cứng cáp, khỏe khoắn và trưởng thành để là một người đàn ông đúng nghĩa, nhưng tôi không biết làm sao.

Giờ cả nhà đang bàn về việc cho cháu đi du học. Cháu biết chuyện, tuyên bố “con mà đi học rồi, không bao giờ con về nữa”. Vợ chồng tôi sững sờ. Có phải chúng tôi đã kèm cặp cháu quá mức, giờ cháu muốn được tự lớn khôn? Câu nói như một lời thách thức. Chúng tôi phải làm sao đây?

Võ T. Hùng (Q.Bình Thạnh)

Loi thach thuc…

Anh Hùng mến,

Câu hỏi của anh đã phản ánh rất đúng vấn đề của cháu: “Có phải chúng tôi đã kèm cặp cháu quá mức, giờ cháu muốn được tự lớn khôn?”. Anh đã phần nào hiểu cháu và hiểu cả nguyên nhân của lời thách thức! Gia đình bao bọc yêu thương quá nhiều đã vô tình “giam hãm” khiến cháu bất mãn.

Hình ảnh của cháu khiến tôi nghĩ đến câu chuyện một con chim quý được nuôi trong lồng son. Dù được chăm sóc rất tốt nhưng nó không được tự do bay nhảy, không được là chính mình, không được khám phá năng lực bản thân, không được nếm mùi thất bại khi tập bay để rồi nỗ lực, cố gắng bay vút lên trời xanh và thành công với hạnh phúc trọn vẹn vì chiến thắng được khó khăn, thử thách.

Anh mong con cứng cáp, khỏe khoắn và trưởng thành. Mong ước vô cùng đúng đắn. Nhưng điều đó chỉ thành hiện thực khi anh cho cháu được là chính mình, được trải nghiệm, được tự lập… Đứa trẻ được nuông chiều, chăm bẳm giai đoạn đầu sẽ rất thỏa mãn, nhưng càng lớn đứa trẻ sẽ càng yếu ớt vì thiếu đề kháng.

Hơn nữa phải tự lập, trẻ mới hiểu khả năng của bản thân để tự tin khẳng định bản sắc của mình. Một đứa trẻ không biết làm gì, thậm chí phục vụ bản thân cũng không thì sao có thể tự tin giao tiếp với bạn bè, sao có niềm vui trong công việc, trong cuộc sống?

Cháu lầm lì, ít nói chuyện với ba mẹ là dấu hiệu phản kháng, bất mãn với hoàn cảnh sống quá bao bọc, mất tự do… Việc cháu buông lời thách thức chỉ là giọt nước tràn ly khi nhận ra việc du học cũng lại là ông bà, ba mẹ sắp đặt hết, cháu không được hỏi con có thích hay không, ước mơ của con là gì?...

Việc đi du học mong anh chị cân nhắc kỹ. Cháu cần được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho sự thay đổi này. Quan trọng hơn cả là cháu phải có ước mơ, có mục tiêu cho việc du học. Điều kiện cần thiết để cháu sống tốt trong môi trường du học là sự tự lập. Nếu anh chị chưa rèn cho cháu khả năng tự lập thì rời vòng tay cha mẹ sẽ khiến cháu gặp nhiều rắc rối, khó khăn. Nhưng nếu cháu thích đi du học, cũng có thể khi rời xa anh chị cháu lại học được cách sống tự lập chăng? Dù sao đi nữa, cháu đã lớn và cháu cần được thực hiện quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm cho tương lai của mình. Khi anh chị tôn trọng cháu, dừng bao bọc, cháu mới thực sự có cơ hội trưởng thành.

Rất nhiều cha mẹ đã từng trải qua tuổi thơ khó khăn nay thành công lại vô tình quên mất cũng chính nhờ trải qua khó khăn mà trui rèn nghị lực, bản lĩnh, tinh thần vượt qua khó khăn đã giúp mình thành công. Và họ đã vô tình tước mất cơ hội rèn bản lĩnh cho con với danh nghĩa yêu thương.

Mong anh chị có buổi trò chuyện cởi mở với con về tương lai, về ước mơ, về mong ước con được sống như thế nào… Không lo thay con, không áp đặt con, không trải thảm bắt con phải bước lên nếu con không thích… Điều này không dễ dàng thay đổi, nhưng anh chị hãy đặt mình vào địa vị của con để hiểu con đang nghĩ gì. Khi con được lắng nghe, con sẽ nói cho anh chị biết cháu muốn gì và anh chị sẽ biết mình nên làm gì tốt nhất cho cháu.

Chỉ khi cha mẹ yêu con đúng cách, đáp ứng đúng điều con thực sự cần, khi đó con mới trải nghiệm và cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và chỉ khi đó con mới biết yêu thương cha mẹ thực sự chứ không phải sự ích kỷ, đòi hỏi hay thách thức cha mẹ.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI