Lời tâm sự 'Thà cô chết chứ không để trò chết' vào đề thi Văn lớp 11

25/12/2016 - 08:39

PNO - Học sinh trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) có dịp thể hiện suy nghĩ về câu nói của 4 cô giáo cứu 13 học sinh mầm non khỏi lũ dữ tại Phú Yên ngày 13/12 vừa qua.

Lời tâm sự “Thà cô chết chứ không để trò chết” của các giáo viên trường Mầm non An Hiệp (huyện Tuy An, Phú Yên) đã xuất hiện trong đề thi học kỳ môn Ngữ văn lớp 11 của trường THPT Lộc Phát (thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Loi tam su 'Tha co chet chu khong de tro chet' vao de thi Van lop 11
Đề thi học kỳ môn Ngữ Văn lớp 11 được trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng đăng tải trên trang web của trường (Ảnh chụp màn hình/Tin Tức)

Đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ về tâm sự nói trên của 4 cô giáo trường mẫu giáo An Hiệp.

Câu hỏi này được đánh giá mang tính nhân văn cao, tạo cho học sinh hiểu được cấu trúc của đoạn văn nghị luận. Qua đó, các em có dịp thể hiện nhận định và đánh giá của bản thân về hành động dũng cảm, yêu thương học trò của 4 cô giáo mầm non.

Trước đó, như báo Phụ nữ TP.HCM đưa tin, khoảng 12h30 ngày 13/12, lũ lớn từ trên núi ập về gây ngập sân trường Mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An.

Cô giáo Võ Thị Thu Sương - Hiệu trưởng trường Mầm non Mỹ Phú 2 - cùng cô Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa và hai giáo viên Thái Thị Tuyết Hồng, Lê Thị Kim Hằng nhanh chóng thông báo phụ huynh đến đón học sinh. Tuy nhiên, chỉ 20 phụ huynh đến sớm đón kịp các cháu. 13 cháu cùng 4 cô bị mắc kẹt trong nước lũ cao hơn 1,5 m.

Loi tam su 'Tha co chet chu khong de tro chet' vao de thi Van lop 11
Cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng chưa nguôi ám ảnh cảnh tượng bốn cô giáo cùng 15 cháu học sinh đu cửa sổ chống chọi với lũ dữ chờ cứu hộ. (Ảnh: Zing)

Trước tình thế nguy nan, 4 cô giáo mầm non ngâm mình trong nước lũ, đưa các học trò lên nóc tủ. Số cháu còn lại, các cô cho đứng trên vai, đu bám vào cửa sổ. Có cháu sợ hãi rớt xuống nước, cô giáo lại ngụp lặn vớt lên.

Các cô giáo cùng 13 học trò ngâm mình trong nước suốt gần 2 tiếng, khản giọng kêu cứu trong lũ dữ.

Đến 14h cùng ngày, lực lượng cứu hộ cùng người dân mới tiếp cận được hiện trường, chuyển 13 trẻ nhỏ và giáo viên đến nơi an toàn.

Cô Lê Thị Kim Hằng - một trong những giáo viên cứu 13 em học sinh tại Trường Mầm non xã An Hiệp chia sẻ: "Lúc đó tôi chỉ nghĩ là làm sao cứu cho bằng được, không để cháu nào có mệnh hệ gì. Tôi chỉ nghĩ là nếu cháu mà chết thì cô cũng chết. Thời điểm đó, ở nhà tôi chỉ còn một đứa cháu nhỏ 1 tuổi rưỡi, con của đứa em út đi làm ở Sài Gòn, gửi ở quê và tôi nuôi nấng.

Lúc ấy trời mưa rất lớn, đứa cháu đang ngủ trưa, tôi vội chạy tới trường để đưa các học trò về nhà mình vì nghĩ là trường ở vùng trũng thấp, dễ ngập lụt, còn nhà tôi có gác lửng. Tôi và cô Hồng chủ nhiệm lớp mà. Nhưng nước lớn nhanh quá, không ra khỏi lớp, trường được. May là chồng tôi về nhà kịp thời, ôm đứa bé chạy lên gác khi nó đang lóp ngóp trong nước lũ đã vô ngập nhà rồi. Lũ làm hư hỏng nhà tôi, đến giờ còn không có đồ mặc, phải mượn tạm đồ hàng xóm mặc".

Còn giáo viên Nguyễn Thị Hòa kể: "Khi tôi đang bận lo cho một cháu thì phát hiện một chiếc áo nổi bập bềnh giữa vũng nước. Tôi nhảy xuống lấy, lúc ấy mới biết đó là cháu học sinh. Tôi vội la lớn để đồng nghiệp bên cạnh ứng cứu. Rồi ngụp xuống vớt cháu lên. Rất may cháu chỉ bị sặc nước, lúc đưa lên người run lẩy bẩy vì sợ. Tôi vội ôm cháu vào lòng ủ ấm, trấn an tinh thần".

Được biết, ngày 14/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi thư thăm hỏi, động viên, bày tỏ sự cảm động, biểu dương tấm lòng của 4 cô giáo tại Trường Mầm non xã An Hiệp vì hành động dũng cảm của mình.

Thái Sơn (Tồng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI