Bạn bè chơi “phây” lâu nay biết chị thuộc loại nhan sắc trung bình, nhưng tốt tính và nhân hậu. Nhờ thế mà bạn bè chị khá đông. Chị còn là chủ nhân hai quán cà phê tương đối lớn nên quen biết rộng.
Nào giờ, vốn hồn nhiên nên thỉnh thoảng chị đưa ảnh cá nhân lên facebook mà không hề chỉnh sửa gì. Vậy nên bạn bè khá bất ngờ khi thấy gần đây, chị lên hình suốt bảy ngày liên tiếp, hình nào cũng đẹp long lanh. Nhiều người vào khen, chị ỡm ờ, nhờ photoshop đấy!
Đỉnh điểm là lúc chị đăng hình mặc áo tắm hai mảnh với các tư thế tạo dáng hơi khiêu khích. Vóc dáng thanh mảnh và màu da trắng như bông bưởi của chị thật không chê vào đâu được. Cánh đàn ông vào bình luận khen nức nở. Cánh phụ nữ ngơ ngác hỏi nhau, chị đẹp thật hay là nhờ ứng dụng chỉnh sửa?
|
Ảnh minh họa |
Câu chuyện bắt đầu trở nên cao trào khi có hai bình luận khá thẳng thắn, đại ý, nếu chị không có chuyện gì vui, thì chăm lo con cái, đọc sách, nghe nhạc chứ sao đem ảnh (nhạy cảm) bày lên “phây”? Một bình luận khác cho rằng, quen chị đã lâu, biết tính chị dễ thương, nên không nghĩ chị đưa lên mạng xã hội những hình ảnh nóng bỏng đến vậy. Hai bình luận vừa chân tình vừa ác ý. Có người còn bình luận bằng một tấm hình cũ thô kệch quê mùa của chị trước kia.
Bản lĩnh chơi "phây" là đây. Với những bình luận ủng hộ, chị cám ơn hay tếu táo vài câu vui vẻ. Cả hai bình luận thẳng thắn, chị cũng nhấn nút “thích” và cám ơn. Chị không xoá một bình luận nào, kể cả tấm hình cũ xấu xí kia.
Sau đó, chị đăng bài viết kèm một album cháy bỏng hơn những album trước, đại ý: trang cá nhân, chị có quyền đưa hình ảnh, với ý nghĩa là vui vẻ. Hình ảnh không chắc đã thể hiện đúng bản chất con người, nhất là giờ đây đã có các ứng dụng chỉnh sửa, chỉ cần vài phút là vịt bầu biến thành thiên nga ngay. Không ai biết cuộc sống sẽ như thế nào, nên hãy vui trước khi trở về cát bụi, nếu không nói được lời tử tế, thì đừng nên có những câu làm đau lòng nhau. Ai thích thì ở lại chơi, ai không thích cứ hủy kết bạn hay chặn để khỏi nhìn thấy nhau nữa.
Bấy giờ, những người hiểu chuyện mới vào bình luận rằng, chị xứng đáng nhận được những lời khen, vì trong thời gian qua, chị đã cố gắng tập luyện để có một thân hình đẹp, thay đổi hoàn toàn, thành một con người mới, không phải ai cũng đủ ý chí để làm được điều đó, chị nên tự hào. Tuy nhiên, nghe nói những bạn bè cũ của chị cũng xầm xì sau lưng, không ít người buông lời bóng gió ác ý.
Chị vui hay buồn vì những lời bình phẩm chỉ có chị biết. Cuộc đời là một dòng chảy, có thể thời gian trôi mau không còn ai nhớ lại chuyện xưa; nhưng dù thế nào, cũng để lại vết xước trong lòng. Quan trọng hơn, sẽ có một vài mối quan hệ bị sứt mẻ, thậm chí cắt đứt. Chuyện chơi mà thành thật là thế!
|
Ảnh minh họa |
Một câu chuyện khác của một người đàn bà khác. Chị này còn “chịu chơi” hơn vì mỗi ngày đăng một hình bikini, không bộ nào có màu sắc hay kiểu dáng trùng lắp, vậy mới… đáng nể. Nhiều bình luận thẳng thắn, nửa đùa nửa thật, kiểu như: chị cứ bikini thế này là… giết chồng em, là ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người khác (?).
Công bằng mà nói, chị này có dáng mặc bikini (trên ảnh) không hoàn hảo lắm, ví dụ như có ảnh eo hơi to, có ảnh ngực hơi nhỏ, có ảnh mông hơi lớn… Nhưng, nhìn chung hình nào cũng hấp dẫn, có lẽ do chị này biết phối vải, màu sắc cho những bộ bikini. Quả là một “công nghệ” hẳn hoi, kiểu như làm vlog, có đầu tư, nội dung đa dạng và nhiều chiêu trò để chinh phục người xem.
Cũng như chị trên, chị này không xóa một bình luận nào từ thiện chí đến ác ý. Tuy nhiên, chị không trả lời hay bấm “thích” một bình luận nào.
Một ngày, chị đăng một bài viết đại ý là chị đẹp chị có quyền, chồng chị không có ý kiến thì không ai được quyền có ý kiến chê bai hay bài xích. Ai không thích thì “biến”.
Một bài viết khá khiêu khích và “chạm nọc” thiên hạ. Chị thẳng thắn gộp tất cả bình luận “ghen ăn tức ở” vào bài viết và “chửi” một lần, để sau này không ai nói ra nói vào nữa. Nhiều người cho rằng, có thể đây là một chiến dịch truyền thông, chị này tạo sốc để “nổi tiếng” và mưu cầu cho một việc làm gì đó cần quảng bá online.
Có thể thấy trên facebook bây giờ khá nhiều chiêu như thế. Có người chọn cách rút kinh nghiệm, chơi nổi làm người ta khó chịu, thôi thì cười xí xóa, “tốp” bớt lại. Nhưng đa phần là phản đòn mạnh. Từ việc phản ứng ấy, chủ “phây” tạo được hiệu ứng tốt là có nhiều người theo dõi, nhưng cũng có không ít tác dụng ngược là khiến mọi người xa lánh dần.
Cuộc sống còn tiếp diễn thì “phây” vẫn còn… phây phây với đủ trạng thái vui, buồn, hờn, giận, tức tối, đấu tranh, hòa giải. Vấn đề là bản lĩnh cả hai phía. Bàng quan hay cố sân si, hóng hớt mua vui hay buôn chuyện, quan trọng hay không quan trọng thì cũng do chính mình tạo ra mà thôi. Khổ nỗi, con người ham vui nên chỗ nào “động dao động thớt” là xúm vào. Vì vậy, chiến dịch truyền thông luôn có chỗ đứng, và người chơi bị “sập bẫy” là chuyện rất dễ xảy ra.
Kim Duy