edf40wrjww2tblPage:Content
Gần ba tuổi, vì mẹ “né luật” cho ba, cậu bé này vẫn chưa có khai sinh
KÊU CỨU BẠO HÀNH, LỘ CHUYỆN TẢO HÔN
Tháng 7/2013, bà Nguyễn Thị Yến (ngụ ấp 1, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhờ can thiệp để con rể trả cháu ngoại. Bà Yến trình bày với Báo Phụ Nữ: “Năm con gái tôi (Nguyễn Thị T. S. - sinh ngày 23/10/1996) đang học lớp 9 thì bị tên Hồ Thanh Được (sinh 1986, ngụ ở ấp Phú Bình, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) dụ dỗ quan hệ. Con tôi mang thai, phải bỏ học lấy chồng, theo Được về Phú Hòa Đông sống. Ngày 23/5/2011, khi chưa đầy 15 tuổi, S. sinh một cháu trai. Suốt thời gian chung sống, S. bị Được đánh đập liên tục. Chịu không nổi, nhiều lần S. ôm con trốn về nhà tôi thì Được đuổi đến tận nhà, đánh tiếp. Cuối tháng 6/2012, Được làm áp lực, bắt S. giao con cho nội nuôi và cấm S. tìm gặp con”.
Tuy kêu cứu nhưng cả bà Yến và S. đều sợ “phật lòng” nhà Được. Họ chỉ muốn Được trả lại đứa bé, không đòi hỏi gì thêm. S. kể: “Được đánh con hoài, nên con không ở chung với nó nữa. Có lần con ôm thằng nhỏ về ngoại mấy tháng trời, nó có đưa đồng nào mua sữa cho bé đâu mà giờ đòi giao bé cho nội nuôi?”. Được phân trần: “Đâu phải tôi không thương S. Mà vì nó vừa làm biếng, vừa hỗn với mẹ tôi, không chăm sóc cho con tôi tử tế nên tôi đánh nó. Có chồng rồi mà hư, còn nhắn tin cho thằng khác”. Rồi trước mặt bà Yến, bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thạnh Tây và phóng viên Báo Phụ Nữ, đôi bạn trẻ cứ đôi co qua lại, chẳng ai chịu ai. S. như muốn khóc khi phân trần: “Lúc đó con mới 14, 15 tuổi thì biết làm gì?”. Được đốp ngay: “Nhưng lúc đó cô cũng to xác y chang bây giờ. Vì cái vẻ ngoài đó mà cô đẩy tôi thành người phạm tội”. Tại phiên hòa giải này, Được cam kết sẽ trả con cho S., không hành hung S. nữa. Tuy nhiên, bà Yến nhờ mọi người “bỏ qua vụ việc” vì sợ Được bị truy cứu tội giao cấu với trẻ em, bà cũng bị khơi lại chuyện tổ chức tảo hôn.
Bà Nguyễn Thị Yến rầu rĩ vì hoàn cảnh trêu ngươi: con gái bị bạo hành, cháu ngoại không có khai sinh
CHÍNH QUYỀN ĐƯA ĐẨY…
Nhưng, hai tuần sau (giữa tháng 8/2013) Được lại mang con về nhà mình và dọa sẽ đánh S. “cho ra trò” nếu cô bén mảng lên Phú Hòa Đông. S. quyết định tố cáo anh ta đến chính quyền xã Phú Hòa Đông. Khi bà Yến đến xã nộp đơn tố cáo con rể, UBND xã trả lời “Không biết… chừng nào giải quyết!”. Công an xã cũng không nhận đơn tố cáo mà hướng dẫn bà quay về Tân Thạnh Tây trình báo (?). Bà Yến bất bình: “Vì sao không ai giúp chúng tôi?”.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Hòa Đông cho biết: “Ngay khi nhận đơn, chúng tôi đã đến nhà Được để tìm hiểu sự việc. Tại đây, gia đình Được cho biết, hầu như suốt thời gian làm dâu, S. được mẹ chồng, chị chồng phục vụ. Sinh con rồi, S. vẫn không biết cách chăm con, hễ giận hờn là bỏ về nhà mẹ, Được một mình chăm sóc con, rất tội nghiệp”. Tuy nhiên, bà Thủy không được gia đình Được thuật lại chuyện Được đã đánh đuổi S. ra sao, cách ly với con thế nào. Việc Được giành con, tự chăm sóc con và thách thức S. tố giác còn được anh này trình bày trên Facebook cá nhân với những lời lẽ thô tục, nhục mạ vợ, gia đình vợ. S. bất bình: “Anh ấy bất chấp tất cả, không còn sợ ai nữa…”.
Ngày 6/9, trả lời phóng viên, đại diện công an xã Phú Hòa Đông cho biết, lý do không nhận đơn tố cáo của bà Yến là vì trong đơn bà tố cáo việc Được đánh đập con gái bà, mà sự việc lại xảy ra trên địa bàn xã Tân Thạnh Tây. Cán bộ tư pháp xã thì cho biết đang tìm cách… vận động gia đình Được trả con lại cho S. Chính quyền địa phương luôn né tránh câu hỏi của phóng viên: “Vì sao biết Được vi phạm pháp luật mà không can thiệp?”.
S. đau khổ nói: “Vì cả con và mẹ đều không rành thủ tục nên đã không trình bày trong đơn gửi Công an xã Phú Hòa Đông đầy đủ sự việc. Nhưng con không hiểu tại sao trong lá đơn con đã tố cáo hành vi Được dụ dỗ, làm con mang thai, sinh con, đánh đập con, bắt con trai của con mang giấu và cả việc không khai sinh cho cháu nhưng UBND và Hội LHPN xã Phú Hòa Đông không làm sáng tỏ?”.
Ngày 18/9, S. gọi điện thoại báo tin cho chúng tôi: “UBND xã Phú Hòa Đông vừa mời mẹ con lên hòa giải. Tại cuộc gặp, Được hứa sẽ trả con lại cho con và đi lấy vợ mới. Đại diện các ban ngành của xã đã ký vào biên bản hòa giải này rồi bảo mẹ con… về mà không ai đưa mẹ con xuống nhà Được để bế cháu trở về. Vậy chừng nào con được nhận lại thằng bé? Chừng nào con của con được làm khai sinh?”.
Những câu hỏi của cô gái vẫn chưa đủ tuổi thành niên này chỉ có chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Củ Chi mới có thể trả lời!
NGHI ANH
Đừng dung dưỡng cái ác Ở lá đơn tố cáo của em S., trừ việc tảo hôn đã hết thời hiệu khiếu kiện, vẫn có hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật của Được cần làm rõ: Từ tội giao cấu với trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng (S. mang thai và sinh con khi mới hơn 14 tuổi - vi phạm điều 115 Bộ luật Hình sự, cho đến việc trì hoãn khai sinh cho trẻ (vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp), việc đánh đập, xua đuổi S. (vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình), việc bắt con dưới ba tuổi phải xa mẹ (vi phạm Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em) và mới đây nhất là việc Được bêu xấu, chửi rủa S. trên Facebook cũng là hành vi làm nhục người khác. Những hành vi này của Được cần được pháp luật điều chỉnh và S. cùng con trai là những người cần được bảo vệ. Chính quyền địa phương, mà cụ thể ở đây là UBND, Hội LHPN và công an hai xã Phú Hòa Đông và Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi cần có sự trao đổi, bàn bạc, để hướng dẫn S. và mẹ tố cáo những vi phạm của Được. Trước mắt, cần yêu cầu Được khai sinh cho cháu bé. Vi phạm nào thuộc lĩnh vực hành chính, thuộc thẩm quyền cấp xã, thì nơi đây ra quyết định xử phạt. Riêng với hành vi giao cấu với trẻ em, gia đình S. cần mạnh dạn tố giác đến Công an huyện Củ Chi. Theo quy định tại khoản 2, điều 23, Bộ luật Hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của vụ việc vẫn còn. Pháp luật luôn bảo vệ cái đúng, đừng vì “nể tình” mà dung dưỡng cho cái ác, đừng để một người vi phạm pháp luật như Được tiếp tục làm càn. Luật sư Phạm Lĩnh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) |