PNO - Những tiếng ru ‘à ơi, ‘ví dầu’ không đơn thuần là bài ca, câu hát để đưa con trẻ vào giấc ngủ mà còn chứa đựng những bài học làm người, giá trị văn hóa cần được giữ gìn.
Với nhiều thế hệ người Việt, hát ru - một loại hình nghệ thuật truyền khẩu - không hề xa lạ. Tiếng “ầu ơ”, “ví dầu” của người Nam bộ hay “ứ ừ ơi”, “i... ư... i” của đồng bào miền Tây Bắc nhẹ nhàng ru giấc trẻ thơ trong trưa hè oi ả hay những đêm gió mát hiu hiu, khẽ luồng qua chiếc võng kẽo kẹt liên hồi. Một quãng trời tuổi thơ của người Việt được ôm trọn trong từng lời ru của bà, của mẹ.
Hình ảnh người mẹ hát ru trở thành một giá trị đẹp trong văn hóa Việt Nam
Những tiếng ngân nga nhẹ nhàng, trầm ấm, nhưng rõ ràng, vang vọng ấy không chỉ giúp những đứa trẻ đi vào giấc ngủ sâu, êm ái mà còn nuôi dưỡng tâm hồn chúng, ngay từ khi còn là sinh linh bé nhỏ trong bụng mẹ. Lời ru được xem như những bài học đạo đức đầu đời của trẻ thơ, góp phần tạo nên nền móng vững chắc cho nhân cách, tư chất.
Có tình yêu quê hương đất nước, có nghĩa mẹ công cha, có bài học làm người... và muôn vàn giá trị từ trong những lời ru. Tất cả đều hướng tới việc giáo dục nhân cách tốt đẹp cho con người. Vì thế, trong những bài hát ru không có những buồn giận, oán trách mang tính nặng nề, cay nghiệt.
Ru con Nam bộ:
Hiệu ứng lặp đi lặp lại của hát ru giúp những giá trị ấy được thấm nhuần trong lòng con trẻ, từ những năm đầu đời. Hát ru không có ranh giới giữa hay và dở mà quan trọng nhất là chất tình, tâm tư người hát dành cho đứa trẻ. Lời càng nồng thắm, càng ngân nga, chân tình thì những giá trị tốt đẹp càng được truyền đi hiệu quả.
Nhưng cuộc sống ngày càng phát triển, con người trở nên bận rộn hơn, được sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ hiện đại hơn, mô hình gia đình hạt nhân ngày càng được ưa chuộng. Đây cũng là lúc hát ru dần bị lãng quên dù bản thân chúng mang nhiều giá trị đẹp, hữu ích.
Thạc sĩ Nghệ thuật Lê Sỹ Hoàng cho rằng, việc những đứa trẻ hiện tại không còn được nghe hát ru là sự thiệt thòi lớn. “Tôi thực sự tiếc và lấy làm lo ngại khi trẻ em hiện tại không còn được nghe những lời ru nữa. Các bé được nghe những loại nhạc mà tôi tự hỏi khi lớn lên tâm hồn của những người mẹ, người bà, tâm hồn Việt Nam có bị phai nhạt hay không?”, Sỹ Hoàng trăn trở.
Thạc sĩ - nhà thiết kế Sỹ Hoàng (phải) và nghệ sĩ hát ru Minh Hiền trong buổi giao lưu, tọa đàm Lời ru của mẹ do Bảo tàng Áo dài Việt Nam tổ chức tại TP.HCM
Hát ru đang có nguy cơ bị thất truyền. Trong khi đó, loại hình nghệ thuật truyền khẩu này vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa để có được những kế hoạch, phương án bảo tồn hợp lý. Nghệ sĩ hát ru Cao Minh Hiền (học trò giáo sư Trần Văn Khê) cho biết, đây cũng là điều bà trăn trở nhiều năm qua, bởi lời hứa với thầy của mình trước khi ông qua đời.
Muốn một giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển thì bối cảnh đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Hát ru đã từng phát huy được giá trị rất lớn trong quá khứ, khi nhịp sống không hối hả như hiện tại, thiết bị công nghệ không nhiều. Nhưng sự phát triển của xã hội là hiển nhiên và không ai có thể khống chế hay thay đổi được. Vì thế, việc giữ gìn, phát huy hát ru lại đứng trước những khó khăn nhất định.
Nghệ sĩ hát ru Cao Minh Hiền cho rằng: “Có bối cảnh, cảm xúc được nâng cao hơn, nhưng khi trái tim mách bảo thì hoàn cảnh nào cũng hát ru được. Chỉ cần chúng ta nhớ đến cội nguồn, tổ tiên và có mong muốn giáo dục con cái bền vững ngay từ thuở đầu. Hai điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh nếu muốn hát ru được tồn tại là ý thức và tình cảm”.
Nghệ sĩ Minh Hiền mặc trang phục truyền thống của người Tày, hát ru con
Nghệ sĩ Minh Hiền hát ru dân tộc Thái, Cao Lan, Mông và Tày:
Thạc sĩ Sỹ Hoàng mong muốn sự thay đổi xuất phát từ cá nhân mỗi người, bằng những việc làm thiết thực như: tìm hiểu về hát ru, chủ động mua sách, băng đĩa để con trẻ đọc, nghe... Dẫu thời gian đầu có thể chúng chưa quen, chưa tiếp nhận được tốt, nhưng với sự nhẹ nhàng đặc trưng, hát ru dễ đi vào lòng người. Môi trường quyết định hành vi nên việc làm nhỏ, nhưng lâu dài sẽ phát huy tác dụng.
Trước đây, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM từng định kỳ 2 năm/lần tổ chức liên hoan hát ru toàn thành phố. Nhưng về sau này, liên hoan không được duy trì nữa. Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM - cho rằng, ngày trước là liên hoan toàn thành phố, có thể phạm vi này quá rộng thì nay tổ chức những sinh hoạt ở phạm vi nhỏ hơn, phải có hoạt động duy trì chứ không thể để tắt lịm như những năm qua. Từ những hoạt động nhỏ, xuất phát từ mỗi cá nhân, để tác động vào xã hội, giúp mọi người có cơ hội nhìn lại để trân quý hơn hát ru.
Hát ru, loại hình nghệ thuật nhiều giá trị, đang đứng trước nhiều thách thức để tồn tại. Dẫu vậy, vẫn có một niềm tin rất lớn rằng, hát ru sẽ không mất đi, bởi “Còn trời còn nước còn non/Còn người Việt đó thì còn tiếng ru”.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.