Lời ra mắt, số báo đầu tiên và sứ mạng duy nhất

17/05/2019 - 07:24

PNO - Cái phẩm hạnh của ngòi bút làm nên phẩm giá của tờ báo Đàn Bà, nơi cất giữ và truyền đi hơi ấm để nuôi dưỡng gia đình, tình thân và những “thiên chức” không tên.

Trên trang nhất của Báo Phụ Nữ Sài Gòn số đầu tiên phát hành ngày 19/5/1975, Lời ra mắt có viết: “Đáng lẽ ra cần phải có thời gian để chuẩn bị cho tờ báo trước khi ra mắt bạn đọc, nhưng tình hình chung đòi hỏi, chị em yêu cầu và nhất là cho kịp ngày sinh của Hồ Chủ tịch để tỏ lòng biết ơn của chị em phụ nữ đối với Người, Phụ Nữ Sài Gòn cần ra kịp ngày...”. 

44 năm sau, cũng từ sự đòi hỏi bức thiết của xã hội, từ tiếng nói của nữ giới và mang theo phẩm chất, cốt cách, cũng là bài học vỡ lòng - sự biết ơn với vị lãnh tụ của dân tộc - Báo Phụ Nữ TP.HCM, “hậu duệ” của Báo Phụ Nữ Sài Gòn ngày ấy tiếp tục làm “người bạn đường” với cuộc sống, cùng nhịp sống của đất nước, của thành phố thân yêu. 

Loi ra mat, so bao dau tien va su mang duy nhat

Trên hành trình 44 năm bền bỉ và lặng lẽ ấy, lại luôn tự nhận lãnh cái trách nhiệm cố gắng để khắc phục những khuyết điểm đã được Người chỉ rõ từ hơn 70 năm trước, trong Thư gửi Hội nghị thông tin tuyên truyền và báo chí toàn quốc, tháng 2/1948: “...Khuyết điểm, số 4. Về chính trị: hay nói chính trị suông mà ít chú ý đến những vấn đề quan trọng khác như kinh tế, văn hóa, xã hội. Không nắm được những vấn đề chính để giải thích cho dân. Không biết lãnh đạo dư luận, không biết thúc đẩy và nâng cao tinh thần tranh đấu của nhân dân…”. Trong tinh thần tranh đấu ấy, với người làm báo, Bác đề cao ý kiến của bạn đọc bởi theo Người, “đó là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Đấu tranh thì phải đấu tranh đến kết quả thắng lợi, như thế ý kiến bạn đọc mới có ích” (Báo Nhân Dân, số 307, ngày 2/1/1955). 

Với phản hồi của UBND quận Ba Đình về các khiếu nại, tố cáo của tiểu thương chợ Long Biên đều “không có cơ sở”, Báo Phụ Nữ là địa chỉ kêu cứu cuối cùng của chị em và người lao động nơi đây. Các phóng viên lập tức lên đường, ròng rã hai tháng trời vào vai tiểu thương, cửu vạn; ngay trước giờ làm việc với cơ quan chức năng, lúc 9g sáng, đêm trước đó, lúc 23g, phóng viên Báo Phụ Nữ còn “chui rúc” ở một góc tối phía sau chợ Long Biên để mục kích toàn bộ hoạt động ăn chia của đồng bọn bảo kê. 

Với sự đeo bám địa bàn, lần theo những chỉ dấu của sự giàu lên một cách bất thường của một cán bộ, phóng viên Báo Phụ Nữ đã phát hiện đường đi của hàng hóa tiêu hủy tại Đội Quản lý thị trường 12B (TP.HCM). Hay một quả núi nhân tạo khổng lồ nằm dọc theo các tuyến đường công vụ trong khuôn viên Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được đắp lên từ xỉ thép, vốn không thuộc nhóm vật liệu dùng để san lấp, sẽ tác động như thế nào đến môi trường, chúng tôi lập tức vào cuộc. 

Loi ra mat, so bao dau tien va su mang duy nhat

Có sự nhập cuộc để bảo vệ môi trường, cộng đồng trước mắt. Có sự nhập cuộc vì dự cảm và trách nhiệm cộng đồng gìn giữ các giá trị cho mai sau. Những dòng chảy bị nắn cong, những bờ sông bị lấn chiếm. Đằng sau những dự án cao tầng lộng gió kia, công viên rợp mát nọ là sự bức tử những con sông - di sản thiên nhiên của thành phố. 

Trước sự vẫy vùng trong tuyệt vọng của biết bao trẻ em gái bởi những kẻ biến thái trong thang máy, “người tốt” trong xóm trọ, Đường dây khẩn của báo mở thêm một nhánh để bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại tình dục. Bảo vệ trẻ trong “hành lang” yêu thương là chưa đủ, không đủ. Trang bị kiến thức, kỹ năng tự vệ cho trẻ, liệu đã an toàn? Khẩn thiết đòi hỏi và thiết lập những đường dây kết nối hành động giữa chính quyền, cụ thể là lực lượng công an với các tổ chức “giám sát nhân dân” cùng trách nhiệm gia đình, nhà trường và… phóng viên Báo Phụ Nữ lập tức lên đường ngay sau lời kêu cứu. 

Kết quả đấu tranh thắng lợi cuối cùng ấy không bao giờ mang màu sắc “ăn thua”. Nó minh định sự đúng sai, không chỉ những con chữ, số liệu trên mặt báo. Nó còn là sự lựa chọn một thái độ sống và làm nghề không thỏa hiệp, không khoan nhượng, không ngã giá. Cái phẩm hạnh của ngòi bút làm nên phẩm giá của tờ báo Đàn Bà, nơi cất giữ và truyền đi hơi ấm để nuôi dưỡng gia đình, tình thân và những “thiên chức” không tên. 

Hơn bốn mươi năm sau Lời ra mắt, giữa những tàn khốc thay đổi, cạnh tranh, chúng tôi - thế hệ kế tiếp vẫn ghi nhớ những đòi hỏi tự ngày ấy và bước tiếp, với sứ mạng trên đôi vai thanh xuân, cùng bạn đọc, vì bạn đọc - như di huấn của Người. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI