'Lối ra' cho vị thế người nông dân

06/08/2018 - 06:50

PNO - "Không quá khó khăn và tốn kém để xây dựng các cơ sở nông sản chế biến ngay ở vùng nguyên liệu, cung cấp công ăn việc làm cho nông thôn" - GS-TS Nguyễn Quốc Vọng, Viện Nông nghiệp Gosford (Úc), nhận định.

“Nông dân Việt Nam rất đáng thương vì họ chưa được xã hội tôn trọng như vai trò cao quý vốn có của mình”, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Viện Nông nghiệp Gosford, thuộc Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Úc), nhận định như vậy sau nhiều năm làm việc trong ngành nông nghiệp ở Nhật Bản, Úc và Việt Nam. 

'Loi ra' cho vi the nguoi nong dan
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Viện Nông nghiệp Gosford, thuộc Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Úc),

Ông nói: So với nông dân Việt thì người nông dân ở Nhật luôn được xã hội kính trọng vì họ là người làm nên “cơm áo” cho toàn xã hội. Nông dân Nhật có thu nhập rất cao và đây là nguồn tài chính dồi dào để họ ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Nông dân ở Úc còn sướng hơn nữa vì được chính phủ hỗ trợ sản xuất và được các chuyên gia nông học nể trọng. Lớp trẻ còn yêu quý nghề nông hơn cả nghề… làm thủ tướng.

Phóng viên: Vì sao ở Việt Nam, hiếm người thích học nông nghiệp và không ai muốn làm nông dân, thưa ông? 

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng: Vì ngay từ nhỏ, trẻ con đã được dạy, không học thì lớn lên sẽ phải đi cày, nên nghề nông là nghề “mạt hạng” trong xã hội. Điều đáng buồn hơn là một số chương trình tưởng chừng tôn vinh người nông dân lại càng khiến hình ảnh của họ trở nên xấu xí. Chẳng hạn như cảnh cả gia đình phải than nghèo kể khổ, khóc lóc thảm thiết để đánh động sự thương tâm của mọi người, trước sự chứng kiến của rất đông người cùng làng để được tặng hai con bò. Hay người nông dân bị gọi là “Hai lúa” và việc họ chế tạo máy móc được xem là điều không tưởng... 

* Vậy chúng ta cần làm gì và bắt đầu từ đâu để nông dân Việt cũng có vị thế xứng tầm?

- Để người nông dân Việt Nam được tôn trọng hơn, chúng ta cần thay đổi tư duy bắt đầu từ giáo dục. Trẻ em cần được học về nguồn gốc của hạt gạo và biết ơn người nông dân. Họ đã đóng góp đến 25% cho GDP hằng năm. Mặt khác, bản thân nông dân cũng phải tự vươn lên để làm giàu và bảo vệ thương hiệu nghề nông của mình. Tất nhiên, cũng không thể thiếu vai trò của Nhà nước, trong việc đề ra các chính sách hỗ trợ thích hợp, nhất là ở cấp độ làng, xã và đặc biệt là phải chấp nhận việc nông dân giàu là xứng đáng. 

Hiện có đến gần 60% dân số trực tiếp và gián tiếp làm nông nghiệp. Với một nước định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam thì chỉ nên có 30% người tham gia ngành nông nghiệp, gần 30% còn lại nên chuyển dịch sang chế biến nông sản.

* Đã có nhiều khuyến cáo về tập trung đầu tư vào thị trường chế biến nông sản, liệu đây có phải là một trong những “lối ra” cho vị thế người nông dân?

- Chế biến nông sản là thị trường rất rộng lớn đang bị bỏ ngỏ. Mỗi năm, các nước ASEAN nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD rau củ chế biến giản đơn như cà rốt, đậu bắp, bí ngô, cải bó xôi luộc... Việc làm chín, cắt nhỏ và đóng gói không đòi hỏi quá nhiều máy móc phức tạp, nhưng vì chưa quan tâm đến đến chuỗi ngành hàng sau thu hoạch nên chúng ta chưa tận dụng được thị trường.

Không quá khó khăn và tốn kém để xây dựng các cơ sở nông sản chế biến ngay ở vùng nguyên liệu, cung cấp công ăn việc làm cho nông thôn. Điều này chắc chắn sẽ ngăn chặn được làm sóng di cư của công nhân trẻ từ nông thôn lên thành thị như hiện nay. 

 Xuân Lộc thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI