Lời nói như dao

16/12/2024 - 13:03

PNO - Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ gia đình và cộng đồng tốt đẹp.

Gần đây, Tòa án nhân dân TPHCM đã xét xử nhiều vụ án mạng thương tâm, xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, chỉ vì cho rằng người khác xem thường mình. Những vụ án này gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thực trạng đáng lo ngại trong xã hội hiện nay: sự thiếu kiềm chế, dễ bị kích động và coi thường mạng sống con người trong văn hóa ứng xử, xuất phát từ nền tảng gia đình.

Lời nói gió... không bay

Cuối tháng 11/2024, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM đã đưa Lê Văn Nhuận - sinh năm 1971, ngụ Hải Phòng, tạm trú ở quận 8 - ra xét xử về tội giết người. Nhuận trở thành kẻ giết người và một người khác mất mạng vì sự suy diễn: cho rằng người khác xem thường mình.

Lê Văn Nhuận và các anh Trịnh Văn T., Phan Văn P. và Phạm Ngọc H. đều là dân lao động, làm bảo vệ cho một chung cư ở quận 8. Cả 4 thuê phòng trọ sống cùng nhau.

Chiều ngày 29/8/2023, Nhuận đi làm về và thông báo “ngày mai Nhuận chuyển đi” rồi chờ sự chia sẻ, lời nói chia tay của anh em. Tuy nhiên, do Nhuận say rượu nên 3 anh H., P., T. không trả lời. Cho rằng anh em khinh thường mình, Nhuận buông lời chửi rủa. Các bên ẩu đả. Nhuận ra khu bếp lấy dao và đâm vào ngực của P. khiến anh P. tử vong trên đường cấp cứu. Nhuận đã trả giá cho hành vi này bằng bản án nghiêm khắc: tù chung thân.

Bị cáo Lê Văn Nhuận tại tòa - ẢNH: PHAN HỒNG
Bị cáo Lê Văn Nhuận tại tòa - Ảnh: Phan Hồng

Trước đó vài tháng, Trần Phúc Hận - sinh năm 1981, ở quận Bình Thạnh - từ một công dân lương thiện, ngày ngày phụ giúp mẹ mua bán, đã trở thành kẻ giết người vì tức giận người khác coi thường mẹ mình.

Ba Hận mất sớm, hằng ngày Hận phụ mẹ bán bánh bèo. Đây là nghề đã giúp mẹ nuôi sống 3 anh chị em Hận nên Hận rất tự hào về mẹ và nghề nghiệp của mẹ. Khoảng 19g ngày 20/12/2022, khi Hận vào quán ăn và có mâu thuẫn với người ngồi kế bên là ông Nguyễn Văn K.

Ông K. nói Hận là “con của bà bán bánh bèo” nên Hận rất tức giận, cho rằng ông K. xem thường, xúc phạm mẹ mình. Hận về nhà lấy dao giấu vào người rồi quay lại quán tìm ông K. 2 bên lời qua tiếng lại, Hận đâm ông K. tử vong. Hận bị TAND TPHCM tuyên án tù chung thân vào tháng 5/2024.

Bài học về văn hóa ứng xử

Trong cuộc sống gia đình, có rất nhiều trường hợp mâu thuẫn xảy ra khiến vợ chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay hay ly hôn, thậm chí giết người từ những lời nói gây sát thương. Mới đây, chị N.L.Y. vừa ly hôn tại TAND quận Tân Phú vì không chịu nổi sự xem thường, xúc phạm của chồng. Chồng chị là người thành đạt, công tác trong ngành y.

Bình thường anh vui vẻ với vợ con, nhưng khi gặp áp lực công việc, con quấy khóc hay vợ chồng cãi nhau là anh chửi vợ bằng những từ ngữ thô thiển nhất. Vợ chồng chị Y. cưới nhau 4 năm là 4 năm chị chịu đựng sự nhục mạ của chồng. Chị Y. tâm sự: “Mỗi lần bị chồng xúc phạm, tôi vừa đau khổ, tổn thương, vừa uất ức dâng tràn. Tôi đã rất nhiều lần muốn tự tử, thậm chí thoáng qua suy nghĩ hay cả hai cùng chết. May mà tôi đã chọn ly hôn là giải pháp chứ không làm điều trái pháp luật”.

Trong đời sống hôn nhân, đã có không ít vụ án đau lòng xảy ra cũng từ nguyên nhân một bên bị xem thường, nhục mạ. Lê Công Tỵ (sinh năm 1987) và chị P.T.K.D. (sinh năm 1976) sống chung như vợ chồng vào năm 2010 tại phường Thới An, quận 12. Trong quá trình chung sống, vợ chồng Tỵ cũng thường xuyên bất hòa; do Tỵ cho rằng vợ có bồ và xem thường chồng.

Tối ngày 6/9/2022, Tỵ bắt gặp vợ trò chuyện với một người đàn ông khác và xưng là “vợ - chồng”. Về nhà, Tỵ tra hỏi vợ về mối quan hệ này. Trong lúc cãi nhau, chị D. chửi rủa, nhục mạ và đuổi Tỵ ra khỏi nhà. Tỵ uất ức nên lúc 2g ngày 7/9/2022, Tỵ lại sang phòng - nơi vợ và con gái đang ngủ - để làm cho ra lẽ. Tiếp tục bị chị D. đuổi đi, Tỵ xuống bếp lấy dao đâm vợ tử vong. Sau đó, Tỵ đến công an đầu thú. Ngày 5/7/2024, Tỵ đã bị TAND TPHCM tuyên phạt mức án cao nhất: tử hình về tội giết người.

3 vụ án với 3 hoàn cảnh khác nhau, nhưng có điểm chung là hung thủ cảm thấy “cái tôi” của mình bị tổn thương, bị xúc phạm. Những lời nói miệt thị, khinh bỉ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm... có khả năng sát thương vô cùng lớn, gieo rắc hận thù, gây ra những tổn thương tâm lý khó hàn gắn. Hành vi sử dụng ngôn ngữ bạo lực phá hủy các mối quan hệ, gây ra sự chia rẽ, mất đoàn kết, dẫn đến những vụ án mạng đau lòng - như hội đồng xét xử nhận định: hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, chỉ vì nóng giận nhất thời, thiếu sự kiểm soát đã xâm phạm tính mạng của công dân, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Những vụ án mạng trên là bài học cảnh tỉnh về cách giao tiếp văn hóa, lành mạnh. Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ gia đình và cộng đồng tốt đẹp.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI