Lời nói đọi máu

28/09/2018 - 10:16

PNO - Bây giờ, nghe đến ba chữ 'Hội Nhà văn', bất kể là hội địa phương hay trung ương, là nhiều người sợ.

Trong một buổi giao lưu, ra mắt tác phẩm mới ở Đường sách TP.HCM, một nhà văn nông dân lớn tuổi đã không ngại nói thẳng: ông từng tưởng Hội Nhà văn là thánh đường của những người viết lách, nhưng khi bước vào ông mới biết, hóa ra nơi đó cũng không khác gì “vùng bùn lầy”. Nhận định ấy có thể khiến công chúng ngỡ ngàng, nhưng người trong giới, dẫu buồn, có lẽ vẫn phải thừa nhận.

Loi noi doi mau
 

Bây giờ, nghe đến ba chữ “Hội Nhà văn”, bất kể là hội địa phương hay trung ương, là nhiều người sợ. Nghe đến “hội”, ít ai nghĩ đến những thành tựu, giá trị tác phẩm mà là những chuyện đàm tiếu, thị phi, khuất tất rồi chửi mắng nhau của các nhà văn - những người viết ra những câu chữ văn chương bay bổng, nhiều cảm xúc; tác phẩm luôn nói về cái đẹp. Vậy mà khi chửi nhau, họ thóa mạ nhau bằng những câu chữ kinh khiếp. Họ thậm chí không cần tìm hiểu rõ chân tướng sự việc, chỉ cần “thấy ghét” là chửi, chửi theo đám đông. Khi ấy, họ không còn là những “văn nhân, thi sĩ” có tâm có tầm, có óc quan sát và nhìn nhận mà chỉ phơi bày những nanh nọc, tàn nhẫn khởi xuất từ lòng đố kỵ, sự ganh ghét, thù hằn của cái tôi ích kỷ, hẹp hòi.

Mạng xã hội từ lâu đã thành điểm tựa cho những cuộc bút chiến và thiện - ác lòng người phơi bày rõ ràng. Không chỉ những nhà văn già với “cái tôi bảo thủ”, cả những người trẻ cũng soi mói, phán xét nhau. Không chỉ nam văn nhân mà cả nữ sĩ cũng bộc lộ “góc tối” bằng kiểu “chửi phiếm chỉ”. Và khi cơn phẫn nộ được cộng hưởng bởi số đông, họ lôi cả gia đình, thân thế người khác ra mổ xẻ, chỉ trích.

Có những nhà văn, nhà thơ từng có nhiều tác phẩm hay, gầy dựng được tên tuổi và uy tín trong nghề. Nhưng một thời gian sau, nhắc tên họ, người ta chỉ còn ấn tượng họ “không phải dạng vừa đâu” ở khả năng chửi soi chửi mói. Những “bài chửi” được đầu tư, viết rất dài đăng trên Facebook, website cá nhân. Người lao động ít chữ nghĩa có thể mắng nhau sa sả rồi thôi. Còn kẻ trí thức mà chửi thì rõ là mạt sát như muốn dìm chết người khác bằng ngôn từ.

“Lời nói đọi máu”. Ông bà ta đã dạy hãy cẩn trọng, bởi lời nói có thể gây nguy hại cho người khác và cho chính mình. Nhà văn cũng là con người, không tránh khỏi thất tình lục dục. Nhưng nhà văn, khi ý thức được mình là người cầm bút chuẩn mực, sẽ tự biết điều chỉnh lời lẽ, hành vi. Chửi mắng người khác không nâng được giá trị bản thân, chỉ có ngược lại. Văn học cũng chính là nhân học.

Kiến Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI