Lợi nhuận che mờ lương tâm

26/01/2016 - 09:28

PNO - Một người chết não, năm người phải nhập viện sau khi tham gia thử nghiệm loại thuốc giảm đau do Công ty Dược phẩm Bồ Đào Nha Bial điều chế.

Đây là lần đầu tiên một sự cố thử thuốc nghiêm trọng như vậy xảy ra ở Pháp. Bộ trưởng Bộ y tế Marisol Touraine đã chính thức xác nhận sáu nạn nhân là nam giới, từ 28-49 tuổi, thuộc nhóm 90 người tham gia đợt thử thuốc tại Bệnh viện Biotrial (thành phố Rennes, Pháp). 

Loại thuốc trên đã qua giai đoạn thử nghiệm trên động vật (có cả tinh tinh). Sáu nạn nhân là nhóm đầu tiên thử thuốc với mức độ nhiều liều dùng hàng ngày, trong khi những người thử nghiệm có kết quả an toàn trước đó chỉ sử dụng duy nhất một liều. Đây là điểm quan trọng mà các nhà khoa học xác định, nhằm tìm nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc trên.

Ở Pháp, khi đăng ký thử nghiệm một loại thuốc đang trong giai đoạn nghiên cứu, tình nguyện viên sẽ được nhận từ 110- 5.000 USD. Một người tình nguyện thử thuốc (giấu tên) cho biết, anh đã kịp rút khỏi thử nghiệm sau khi cảm thấy sức khỏe không ổn, tim đập nhanh.

Anh nói: “Từ những đợt sàng lọc tình nguyện viên, các bác sĩ đã nhắc chúng tôi nhiều lần về việc lắng nghe bản thân. Họ đưa chúng tôi tập tài liệu dày 13 trang để đọc, nếu đồng ý mọi điều khoản, chúng tôi phải ký vào, xem như đặt cược mạng sống của mình”.

Năm 2006, nước Anh từng chấn động khi sáu tình nguyện viên tham gia thực hiện thử nghiệm lâm sàng loại thuốc mới TGN1412 (dùng chữa bệnh bạch cầu) rơi vào tình trạng nguy kịch, hệ miễn dịch suy giảm trầm trọng và đến nay họ vẫn cần thuốc hỗ trợ để duy trì sự sống. Chỉ vì khoản tiền 200 USD mỗi ngày trong giai đoạn thử thuốc, nhiều người đã ồ ạt đăng ký mà không hiểu hết những nguy hiểm có thể xảy ra.

Khi TGN1412 gặp sự cố, người ta mới phát hiện, Công ty dược TeGeneco (Đức) có thể đã ém nhẹm một số trường hợp động vật chết sau khi thử thuốc. Điểm chung của các cuộc thử nghiệm thuốc là người tham gia phải chấp nhận nguy cơ. Rủi ro trong quá trình thử nghiệm thuốc không chỉ là sự cố ngoài ý muốn mà còn là mặt trái đáng buồn về trách nhiệm và lương tâm của những nhà sản xuất thuốc.

Trung bình, một thử nghiệm hoàn chỉnh cần 4.000 người tham gia. Chi phí cho các đối tượng ở những khu vực khác nhau có sự chênh lệch đáng kể, tỷ lệ thuận với mức sống của người dân. Vì vậy, các hãng sản xuất thuốc phải dùng “chiêu” lừa gạt, bắt ép nhằm có đủ số người thử nghiệm, đẩy nhanh quá trình công bố thuốc.

Ở Mỹ và một số quốc gia phát triển, luật điều chỉnh quan hệ giữa các nhà sản xuất thuốc và người thử nghiệm khá rõ ràng nhưng ở những nước đang phát triển, nước nghèo đang cần nguồn hỗ trợ thuốc, các quy định gần như bằng không.

Loi nhuan che mo luong tam
Một em gái được tiêm vaccine HPV ở Ấn Độ - Ảnh: VACTRUTH

Ấn Độ là một trong những quốc gia quy định khá lỏng lẻo đối với việc thử nghiệm thuốc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn 2008- 2011, mỗi tuần ở nước này có khoảng 10 người chết liên quan đến thử nghiệm thuốc. Ấn Độ không có hệ thống kiểm tra độc lập người tham gia thử thuốc nên khó ràng buộc trách nhiệm các nhà điều chế thuốc. Năm 2010, khi thông tin về bảy cô gái chết do được tiêm vaccine mới ngừa virus HPV (ngừa ung thư cổ tử cung) gây chấn động, sự thật được phơi bày là 24.000 nữ sinh từ 10-14 tuổi ở Ấn Độ tham gia dự án trên hoàn toàn không hề biết vaccine tiêm vào người mình có chức năng gì. Đây được cho là hành vi thiếu đạo đức của nhà sản xuất vaccine cũng như người trực tiếp tiêm vaccine.

Một vụ việc khác, gây bức xúc trong dư luận Ấn Độ vì sự mục ruỗng lương tâm của những kẻ liên quan là vụ các công ty dược phẩm nổi tiếng như GSK, Pfizer và AstraZeneca bí mật thử nghiệm thuốc mới tại Trung tâm Nghiên cứu và bệnh viện Tưởng niệm Bophal (BMHRC). Nơi này được thành lập với mục đích chính điều trị cho nạn nhân của thảm họa rò rỉ khí độc ở Bophal.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI