Lợi nhuận che mờ lương tâm

08/07/2014 - 07:32

PNO - PN - Tuần qua, hãng dược của Anh GlaxoSmithKline (GSK) thừa nhận đã hối lộ hàng loạt bác sĩ có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc (TQ) để họ kê toa, giúp hãng bán được thuốc tại đây.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tháng 1/2013, GSK nhận được đơn tố cáo của một người nặc danh về hành vi phạm pháp này. Sau đó, GSK giao cho nhân viên điều tra độc lập Peter Humphrey tiến hành thu thập chứng cứ. Kết luận đúng như nội dung tố cáo.

Loi nhuan che mo luong tam

Trụ sở GSK tại Thượng Hải, TQ - Ảnh: CPF

Đây được xem là cách xử lý khủng hoảng khéo léo của GSK, khiến người dân không thể chỉ trích hãng mà chỉ nhắm vào sai phạm của các lãnh đạo GSK ở chi nhánh TQ. Trên hết, vụ bê bối này “đánh” vào chính những bác sĩ uy tín của TQ. Họ bị cho là đã nhận tiền mặt, quà đắt giá cùng những chuyến du lịch xa hoa với tổng số tiền lên đến 489 triệu USD. Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của GSK ở TQ đã bị sa thải.

Trước đó, theo Want China Times, cảnh sát phát hiện, hãng dược phẩm của Anh đưa hối lộ để thúc đẩy doanh số bán hàng và giá thuốc bị đẩy lên cao (thậm chí có thể gấp bảy lần giá bán ở các nước khác), nhằm bù đắp cho các khoản hối lộ, giúp công ty kiếm được lợi nhuận khổng lồ.

Với nhiều người dân TQ, vụ bê bối này không khiến họ quá bất ngờ. Quản lý lỏng lẻo cùng với tình trạng thiếu nghiêm túc trong đầu tư cho ngành y đã khiến gánh nặng ngày càng đè nặng lên các bệnh nhân.

GSK không phải là hãng dược nước ngoài hối lộ bác sĩ đầu tiên tại TQ. Tháng 8/2013, hãng dược Pháp Sanofi cũng bị tố hối lộ cho trên 500 bác sĩ ở 79 bệnh viện trên khắp lãnh thổ TQ, với khoản tiền 288.000 USD. Năm 2013, kết quả điều tra của chính quyền TQ đã chỉ rõ, có trên 90% nhân viên ngành y của thành phố Trương Châu, tỉnh Phúc Kiến liên quan đến các vụ tham nhũng, bán thuốc trong ngành y.

Lần đầu tiên chính quyền TQ buộc phải phanh phui vụ nhận hối lộ để bán thuốc vào năm 2010. Khi đó, chín lãnh đạo quản lý dược của các bệnh viện công ở thành phố Châu Hải, tỉnh Phúc Kiến bị kết tội nhận hối lộ và bị phạt tù chung thân.

Loi nhuan che mo luong tam

Những bất cập trong quản lý giá thuốc ở TQ khiến người dân phải chịu thiệt thòi nhiều nhất (ảnh minh họa: Reuters)

Bác sĩ Trương Quý (có thâm niên 20 năm) chia sẻ với Global Times rằng: “Ngoài lý do xuất phát từ lòng tham nhất thời của các bác sĩ vốn có mức lương quá thấp, chỉ tương đương với một tài xế taxi, các vụ hối lộ để bán thuốc còn xuất phát từ thực tế là chính sách quản lý chưa triệt để của chính quyền. Sự quản lý chỉ là hình thức”.

Từ 10 năm nay, tại hầu hết các bệnh viện, và trung tâm y tế của TQ đều treo biển: “Không hoan nghênh các trình dược viên” nhưng biển cấm này chẳng những không phát huy tác dụng mà còn chứng tỏ điều ngược lại: vẫn còn nhiều cách để các hãng dược tiếp cận với bác sĩ.

Một thực trạng cần phải nhìn nhận ở TQ là các bệnh viện phải làm thế nào tối đa hóa doanh thu từ việc bán thuốc để bù cho chi phí dịch vụ y tế thiếu thốn vì nhà nước không có sự hỗ trợ phù hợp. Thu chi của các bệnh viện TQ không mấy rõ ràng. Tính riêng số liệu có được trong năm 2011 thì Chính phủ TQ chỉ hỗ trợ 9% trong tổng số doanh thu của các bệnh viện công; trong khi tiền bán thuốc chiếm đến 40%. Phần lớn thu nhập của bác sĩ đến từ việc kê toa, bán thuốc của họ.

Giáo sư Li Ling, thành viên Ủy ban Tư vấn cải cách y tế thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho rằng, chính quyền TQ từ lâu đã biết rất rõ thực trạng trên nhưng không có những hành động quyết liệt, nhằm ngăn chặn tác hại mà người dân phải gánh chịu.

Vụ việc ở GSK hay bất cứ hãng dược nào cũng chỉ là bề nổi từng xảy ra ở TQ, phía sau là những khoản lợi nhuận khổng lồ có được từ những trường hợp thương tâm của bệnh nhân vốn không đủ khả năng chi trả cho thuốc. Hành động “giết người không dao” này có phần trách nhiệm quan trọng của các nhà quản lý.

 THIÊN NHƯ (Theo Global Times, Economist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI