Lối nhỏ dẫn ra sông xanh

06/08/2022 - 19:54

PNO - Không chỉ là một lối nhỏ dẫn ra sông, nơi ấy còn là những con dốc thoai thoải giấu những ú òa, bí mật của một thiên đường tuổi thơ.

Có nhiều lối nhỏ dẫn ra con sông quê tôi
Có nhiều lối nhỏ dẫn ra con sông quê tôi

Sau lưng là con sông dài nên làng tôi có hàng chục con đường ra bến lớn nhỏ. Những đường lớn thường dẫn xuống bến sông, bến đò chính. Còn lại, cách sáu, bảy nóc nhà lại có một đường hẹp nằm song song với những mảnh vườn, bắt đầu từ mép bờ sông rồi kéo dài, cuối cùng giáp vuông góc với đường làng. 

Đường bến là lối đi thường chỉ dành cho người đi bộ. Bốn mùa trong năm, người dân sẽ gánh xuống bờ sông đủ thứ vật dụng, nông sản để cọ rửa, giặt giũ, thậm chí là theo đò đi chợ bán buôn. 

Tháng Giêng, các mẹ, các chị gánh mền mùng, chăn chiếu, xoong nồi, bát đũa xuống sông cọ rửa; đàn ông gánh heo, ngan, gà vịt xuống bến chuẩn bị cho một mùa chia thịt trong đợt hội làng mùa xuân.

Lúc hè sang, nhà nông có đủ thứ nông sản vừa mới thu hoạch. Đó là những gánh cỏ mật, rau lác, môn đáy, tàu bay cho gia súc, là lúa chét, thóc lép cần sàng sảy, thanh lọc cho gia cầm, là đậu, lạc, là bắp... Những con đường bến hết mùa này sang mùa khác, cứ thế mà tấp nập người gánh lên kẻ đi xuống, bồng bềnh nhịp bước chạm vào vai nhau.

Những ngày mùa hè, trời miền Trung nóng như chảo lửa, những con đường bến trở thành chốn tụ tập của giới trẻ thơ. Đứa nào đứa nấy trưa không ngủ, chẳng hẹn mà gặp. Đầu đường, tụi con trai cào bớt lá khô thành một chiếc sân mini sạch sẽ rồi cùng nhau ném lon, chọi vụ, đá gà. Cách một đoạn là những cô con gái quên lối về với trò chơi đồ hàng thần thánh. Nào chén mẻ, hộp thuốc, lon sữa bò cũ bị ai đó vứt ra sẽ được các bạn tận dụng lại để làm đồ chơi. 

Hai viên gạch bể kê song song tạo thành một chiếc bếp con dã chiến. Sau khi lấy lon sữa làm xoong, nhóm bạn sẽ phân chia nhau ai vai chị vai em, ai bố ai mẹ trong gia đình. Người này đi kiếm củi thì những người còn lại sẽ đi kiếm rau. Có những người khác nữa lại chui vào khu vườn của nhà ai kế cận đường bến để lượm lá mít chất đầy túi ni-lông làm tiền. Một cuộc chơi chính là một cuộc sống thu nhỏ mà những cô bé, cậu bé học được từ nền nếp, cách thức sinh hoạt của ông bà, cha mẹ mình. Thế nhưng, cuộc sống ấy thường không có những giận hờn, mâu thuẫn, không có nỗi buồn mà chỉ toàn niềm vui…

Vì nhiều cây nên đường bến cũng chính là thiên đường của các loại hoa dại, quả dại. Hai bức tường cây hai bên đôi khi còn chụm đầu vào nhau tạo nên một mái vòm che không cho giọt nắng nào kịp rọi ánh pha lê xuống những chiếc đầu trần. Cùng với tiếng ve râm ran là những luồng gió nồm mang theo hơi nước mát rượi từ bờ sông phả lên.

Ngay trên con đường ấy, sau những giờ chơi chính là giờ bọn trẻ mở tiệc với những chùm trái dại đầy nguyên sơ và thơm thảo. Những loài vị rất ngọt, hương thơm thanh mát như trái mực, trái cơm rượu, trái rồng rồng… Đứa này ăn khen ngon, trao tay đứa kia chùm quả chín để rồi chẳng mấy chốc mà nhuộm đen thui cả hàm răng trắng bóng như việc tự tố cáo tội đào tẩu trốn ngủ trong những trưa rong chơi… 

Bây giờ, ở làng tôi, mặc dù người dân không còn lấy sông làm nguồn nước chính, nhưng dải lụa biếc xanh ấy ngày đêm vẫn rì rào, cần mẫn vắt ngang làm đẹp cho thôn lũy, xóm làng.  Nhờ có sông nên mạch nước ngầm luôn dồi dào, biền bãi, ruộng nương thắm lên thêm màu xanh của tầng tầng tán cây, khóm lá. Những con đường bến tấp nập năm xưa nay không còn người đi dần bị cây xanh chắn lối. 

Trưa hôm ấy dạo bước ra thăm con đường hẹp, tôi với tay lên ngọn những dây leo chằng chịt đã bít kín thành những lối rào rồi hái cho mình một nắm đầy những lộc non. Nào rau trai, bình bát, đọt lạc tiên…  Trong nắng, hương thơm thảo mộc của bát canh tập tàng bay lên lần nữa chỉ dấu dẫn tôi quay về với những hoài tưởng tuổi thơ, trên đường xưa bến cũ, tôi từng có thiên đường.

Minh Thi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI