Ghi chép từ vùng cách ly

Lời nhắn từ Bệnh viện Dã chiến TPHCM

19/02/2020 - 09:30

PNO - Nằm cách ngã ba Bà Thiên - Tỉnh lộ 15 vài trăm mét, cách Quốc lộ 22 khoảng 14km, trên tuyến đường huyết mạch nối TPHCM và tỉnh Tây Ninh, Bệnh viện Dã chiến TPHCM đặt tại Trường Quân sự TPHCM (ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) mới được dựng lên hơn một tuần với 300 giường bệnh. Dù số ca cách ly chưa nhiều nhưng đội ngũ y tế lẫn lực lượng quân đội đang làm việc hết công suất để mọi thứ được vận hành trơn tru.

Hình như chỉ có chúng ta, những người may mắn chưa phải bước chân vào vạch đỏ cách ly, thì thào âu lo, nhìn nhau cảnh giác, ngay cả tiếng ho khan của ai đó cũng khiến giật mình. Còn ở đó, mọi thứ như phút ngừng nghỉ giữa căng thẳng, thì thầm với nhau, rằng hãy thu xếp lại những gì có thể; hãy lập những thói quen mới mà không lạ, để rồi bình yên đi qua tất cả, rồi sẽ đến lúc mình sẽ tự do hít thở đi lại như chưa từng có điều gì xảy ra. Những đôi mắt vẫn nhìn nhau ấm áp và tự tin giữa bức tường tạm thời dựng lên, bởi đó là nhịp đập khác chứ không lạ những bộn bề bất chợt đến...

Chúng tôi nói chuyện với nhau, sao có cảm giác thời bình mà như thời chiến. Tại lâu rồi mới nghe từ “dã chiến”; mới nghe bà con dặn nhau, không có việc thì hạn chế ra ngoài. Không khí “tổng động viên” trên cả nước. Và lâu lắm rồi, mới nghe từ “hy sinh”. Chỉ khác là, ngày xưa chống giặc ngoại xâm, giờ chống đại dịch. Từ Móng Cái - thành phố biên mậu sầm uất bậc nhất biên giới Việt - Trung nhưng lại quạnh vắng nhất trong 20 năm qua, đến những con đường rải vôi trắng xóa ở “tâm dịch” Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc); cho đến Bệnh viện dã chiến TPHCM… Nơi đâu, cũng đã sẵn sàng cho một cuộc chiến mang tên COVID-19.

Bài liên quan

- Những gương mặt ở Sơn Lôi
- Quạnh hiu thành phố biên mậu Móng Cái

Bệnh viện Dã chiến TPHCM sẵn sàng mọi thứ để chống COVID-19 - Ảnh: Tam Nguyên
Bệnh viện Dã chiến TPHCM sẵn sàng mọi thứ để chống COVID-19 - Ảnh: Tam Nguyên

“Bà con hãy yên tâm”

Sau khi chính thức đi vào hoạt động, Bệnh viện Dã chiến TPHCM trở thành nơi “đón đầu” COVID-19 ở TPHCM cũng như các vùng lân cận. Số ca tiếp nhận mới được cách ly, theo dõi tăng lên mỗi ngày. Từ hai ca đầu tiên vào ngày 11/2, đến chiều 18/2, bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng 26 ca.

Quân nhân đang phun khử trùng và quét sơn phân định khu vực cách ly tại Bệnh viện Dã chiến TPHCM
Quân nhân đang phun khử trùng và quét sơn phân định khu vực cách ly tại Bệnh viện Dã chiến TPHCM

Theo thông tin mới nhất, tối 18/2, có thể bệnh viện sẽ tiếp nhận một số lượng lớn trên chuyến bay từ Trung Quốc về, để đưa vào diện cách ly, theo dõi. Tất cả những trường hợp này đều được Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đưa về từ Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và được sự đồng ý của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, sau đó mới chuyển xuống bệnh viện dã chiến.

Những số liệu có thể “nhảy múa” theo từng ngày, nhưng không khiến những người đang làm nhiệm vụ ở đây dao động. Thượng tá Nguyễn Văn Phòng - Phó hiệu trưởng Trường Quân sự TPHCM - nói: “Nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng quan trọng như nhiệm vụ an ninh quốc phòng”.

“Mọi thứ đã sẵn sàng để phòng chống dịch. Bà con nhân dân thành phố yên tâm” - hai lãnh đạo bệnh viện dã chiến và thượng tá Phòng nói đi nói lại điều đó trong cuộc trao đổi với chúng tôi, để nhấn mạnh rằng, TPHCM chủ động hoàn toàn trong việc phòng chống dịch COVID-19.

Sau cuộc họp ngày 4/2 giữa Bộ Tư lệnh TPHCM và Sở Y tế TPHCM, ngày 10/2, bệnh viện dã chiến đầu tiên ở TPHCM chính thức đi vào hoạt động. Sau khi thành lập, với cơ sở vật chất cũng như các phương tiện hồi sức, đặc biệt là hồi sức chuyên sâu, chất lượng của Bệnh viện Dã chiến TPHCM cũng tương tự như bệnh viện loại I của TPHCM. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành các hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa H.Củ Chi cũng được tập huấn kỹ năng để cùng “nhập cuộc”. Cứ thêm 20 ca mới, các bệnh viện khác của TPHCM sẽ luân phiên cử cán bộ tới. Lực lượng quân sự sẽ đảm nhiệm những công việc ngoài chuyên môn để bệnh viện dã chiến thực hiện tốt chức năng của mình.

 

TPHCM không phát hiện thêm trường hợp nghi mắc bệnh

Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tại TPHCM, tính đến hết ngày 18/2, có ba trường hợp người nước ngoài mắc bệnh Covid-19 và đã được chữa khỏi. Có tổng cộng 44 người tiếp xúc gần với ba trường hợp mắc bệnh trên, đến nay, các trường hợp này đã kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày và không xuất hiện dấu hiệu mắc bệnh.

Đáng chú ý, từ ngày 14/2 đến nay, TPHCM không phát hiện thêm trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh, 32 trường hợp nghi ngờ trước đó đều đã cho kết quả xét nghiệm âm tính. Bệnh viện Dã chiến TPHCM đang cách ly 26 trường hợp và chưa phát hiện ca nào dương tính.

Tại TPHCM, đã có 18 quận, huyện thiết lập xong cơ sở cách ly tập trung, đã và đang cách ly 53 trường hợp. Hiện 36 người đã hết thời gian 14 ngày theo dõi, chỉ còn 17 trường hợp đang tiếp tục được giám sát. Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.940 trường hợp, hiện đã có 2.648 người hết thời gian theo dõi, 292 người đang tiếp tục được theo dõi. Tất cả trường hợp được cách ly theo dõi đều chưa phát hiện dấu hiệu mắc bệnh.

Trong cái nắng hơn 33 độ C, từng nhóm quân nhân vẫn làm nhiệm vụ, nhóm thì hoàn thiện phần sơn tường, sơn đường phân cách khu vực cách ly, nhóm thì vận chuyển đồ đạc, trang thiết bị, nhóm thì phun khử trùng… Trong phòng làm việc, đội ngũ y bác sĩ trao đổi liên tục với ban giám đốc, xử lý nhiều văn bản, số liệu.

Bên ngoài, không khí có vẻ yên ắng, nhưng ở đây, ai cũng nói rằng đã sẵn sàng. Với họ, dã chiến cũng là thực chiến.

Tất cả đã sẵn sàng
Ngay khi nghe tin bệnh viện dã chiến được lập ra, vài người đặt câu hỏi, liệu TPHCM có quá lo xa không. Một lãnh đạo của bệnh viện dã chiến cho hay: “Đến giờ này, chúng ta đang kiểm soát dịch tốt, nhưng không được chủ quan, khinh địch (COVID-19). Chúng ta tận dụng nguồn lực con người, cơ sở vật chất từ các bệnh viện khác trong thành phố, nên cũng không mất số tiền lớn để lập ra bệnh viện dã chiến. Việc ra đời bệnh viện dã chiến là cần thiết. So với các điểm cách ly tại địa phương, bệnh viện dã chiến có ưu điểm là vừa cách ly, vừa  điều trị”.     

Lực lượng quân nhân đang chuyển trang thiết bị y tế, sẵn sàng chống dịch - Ảnh: Tam Nguyên
Lực lượng quân nhân đang chuyển trang thiết bị y tế, sẵn sàng chống dịch - Ảnh: Tam Nguyên

So với vài ngày đầu bỡ ngỡ, đến nay, lực lượng quân nhân cũng đã quen việc, quen tay. Trải qua buổi tập huấn vệ sinh phòng dịch, họ tự trang bị cho mình kỹ năng để phòng bệnh. Những quân nhân mặt trẻ măng, tuổi mới mười tám đôi mươi, tự nhiên trở thành “hộ lý” bất đắc dĩ. Họ giúp đỡ những người đang được theo dõi tại đây.

Được biết, tất cả trường hợp nghi nhiễm sẽ được hưởng miễn phí tất cả các dịch vụ chăm sóc, điều trị, nhu yếu phẩm (khăn mặt, dầu gội, xà phòng, kem đánh răng…) theo kinh phí phòng chống dịch COVID-19 của UBND TPHCM.
Bước ra từ khu cách ly, Trưởng khoa Điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM Giang Thị Khánh Linh năm nay 50 tuổi, từng có kinh nghiệm trong phòng chống dịch SARS 17 năm trước chia sẻ, COVID-19 với chị cũng như SARS, cũng như HIV, lao, H5N1... Làm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, chị hiểu con đường lây của bệnh nên “không có gì sợ hãi cả”, dù mỗi ngày thức dậy, những con số ca nhiễm mới, số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới khiến chị không tránh khỏi cảm giác buồn bã. Chị dặn những người xung quanh ăn uống, nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe, tránh căng thẳng, tránh thức khuya, tăng sức đề kháng cho mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Có một vấn đề phát sinh trong công tác phòng chống dịch, đó là thái độ bất hợp tác của bệnh nhân. Truyền thông đã đưa tin, có một số trường hợp tìm cách bỏ trốn sau khi được cách ly. Lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến TPHCM chia sẻ, đa số những ca đang được cách ly, theo dõi ở đây hợp tác tốt với bệnh viện, chỉ có vài trường hợp đòi hỏi hơi nhiều, hoặc tỏ thái độ bất hợp tác. 

Điều dưỡng Giang Thị Khánh Linh chia sẻ: “Trong trường hợp đó, nhân viên y tế phải có kỹ năng tốt. Thử đặt tâm trạng của mình vào tâm trạng của họ, sẽ hiểu những phản ứng đó. Khi nằm đây, họ cũng đang gặp nhiều khó khăn, áp lực về gia đình, công việc, mua bán… Chúng tôi phải làm cho họ hiểu rằng, việc họ tạm cách ly là một nghĩa vụ. Nếu cách ly không tốt, họ có thể sẽ mang bệnh về lây cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp”.

Quân nhân đang phun khử trùng và quét sơn phân định khu vực cách ly tại Bệnh viện Dã chiến TPHCM
Quân nhân đang phun khử trùng và quét sơn phân định khu vực cách ly tại Bệnh viện Dã chiến TPHCM

"Hồ Bắc cố lên!"

Đó là lời nhắn nhủ từ Bệnh viện Dã chiến TPHCM gửi tới Hồ Bắc - tâm dịch của thế giới hiện nay.
Tính tới ngày 18/2, số người nhiễm bệnh COVID-19 ở Trung Quốc là 72.619, trong đó có 1.865 ca tử vong, 7.264 ca nghi nhiễm và 12.464 trường hợp được chữa khỏi, đa số ở tỉnh Hồ Bắc. Một thống kê cho hay, có hơn 1.700 nhân viên y tế Trung Quốc nhiễm virrus Corona, chưa kể số nghi nhiễm bệnh. Sáng 18/2, một thông tin chấn động toàn thế giới: bác sĩ Lưu Chí Minh - Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương (TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) - được xác nhận qua đời do virrus Corona chủng mới, nâng con số y bác sĩ tử vong lên 7 người.

Những đồng nghiệp ở Trung Quốc đang rơi vào một cơn khủng hoảng lớn trong đời mình. Khủng hoảng không phải vì kỹ năng nghề nghiệp mà bởi số lượng người bệnh quá đông, trang thiết bị thiếu thốn. Họ làm việc trong hoàn cảnh khó khăn, cường độ làm việc lớn, có người bị ngất vì kiệt sức, có người qua đời vì bị lây nhiễm từ bệnh nhân, có người đang ủ bệnh mà không biết…       

Điều dưỡng Giang Thị Khánh Linh chia sẻ, điều đó khiến chị cảm thấy xót xa: “Lẽ ra, nếu họ được làm việc trong một môi trường tốt, họ đã thoát được khỏi mấy chữ “sinh nghề tử nghiệp” khắc nghiệt đó”. 

Nữ điều dưỡng nói thêm: “Việt Nam đang rất nỗ lực để tầm soát bệnh nhân từ nơi có dịch về để cách ly. Nếu chúng ta cách ly tốt, sẽ không bị vỡ trận và bùng phát dịch”. Chị không quên gửi tới Hồ Bắc lời nhắn: “Hồ Bắc cố lên!”. 

Đậu Dung

Thượng tá Nguyễn Văn Phòng - Phó hiệu trưởng Trường Quân sự TPHCM:

“Không có gì phải lo lắng cả”

“Tới nay, mọi thứ đã sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch. Người dân TPHCM không có điều gì phải lo lắng cả nếu như ta có kiến thức vệ sinh phòng dịch tốt” - thượng tá Nguyễn Văn Phòng, Phó hiệu trưởng Trường Quân sự TPHCM, nhắn nhủ.

Phóng viên: Bệnh viện Dã chiến TPHCM đã chính thức đi vào hoạt động hơn một tuần nay. Ngoài lực lượng y tế, còn có sự vào cuộc của các ban, ngành, trong đó lực lượng quân đội. Đến nay, khâu chuẩn bị đến đâu rồi, thưa ông? 

Thượng tá Nguyễn Văn Phòng: Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, Tổ quốc. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề mà lực lượng quân đội xác định phải làm, không đắn đo gì cả. 

Trong giai đoạn đầu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho bệnh viện dã chiến, Bộ Tư lệnh TPHCM sẽ điều động nhân lực phục vụ ngoài chuyên môn. Theo đó, có rất nhiều đơn vị cùng tham gia, như Ban Quân y TPHCM, Trường Quân sự TPHCM, Trung đoàn Gia Định. Suốt một tuần qua, chúng tôi tập trung giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất, dọn dẹp, vệ sinh các phòng, thay thế các thiết bị, đồ dùng. 

Đến nay, chúng tôi đã cung cấp đủ cơ sở vật chất để bệnh viện dã chiến bố trí các phòng, ban chuyên môn giống như một bệnh viện bình thường. Đặc biệt, lãnh đạo TPHCM đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế rất hiện đại. Rác thải y tế sẽ do cơ quan môi trường đô thị xử lý. Nói chung, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, bệnh viện dã chiến đã được tổ chức một cách chặt chẽ, khép kín, bảo đảm an toàn mọi mặt, tránh lây nhiễm.

* Cán bộ chiến sĩ tham gia hỗ trợ tại bệnh viện dã chiến cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức y khoa cơ bản nhất, để có thể bảo vệ mình trong điều kiện diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp như hiện nay. Xin hỏi, việc đó đã được chuẩn bị như thế nào?

- UBND TPHCM đã giao cho Sở Y tế chủ trì việc này. Ngoài buổi tập huấn bước đầu cho nhóm lực lượng quân sự đầu tiên do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tổ chức trước khi đưa bệnh viện dã chiến vào hoạt động, chúng tôi cũng phổ biến một số kiến thức tối thiểu để anh em tự chủ động đề phòng lây nhiễm cho mình khi đi vào bệnh viện dã chiến.

Theo yêu cầu của Sở Y tế, chúng tôi sẽ tăng cường thêm 40 quân nhân nữa cùng với bệnh viện dã chiến giải quyết tất cả các vấn đề mà một bệnh viện dã chiến yêu cầu, đặc biệt là số anh em tham gia làm nhiệm vụ hộ lý, điều dưỡng. Vài ngày tới, Sở Y tế sẽ tập huấn cho toàn bộ lực lượng quân sự tham gia bổ sung. 

 Thượng tá Nguyễn Văn Phòng - Phó hiệu trưởng Trường Quân sự TPHCM
Thượng tá Nguyễn Văn Phòng - Phó hiệu trưởng Trường Quân sự TPHCM


* Hiện tại, số quân nhân tham gia là bao nhiêu?

- Bên cạnh lực lượng tại chỗ của trường, ở trên tăng cường xuống 100 người. Sắp tới, việc chuẩn bị cơ sở vật chất ban đầu sẽ xong, ở trên sẽ rút bớt về để làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và để lại 40 người cùng với lực lượng tại chỗ. 

* Công tác bảo vệ an ninh trật tự thì sao, thưa ông?

- Chúng tôi có tổ chức lực lượng vệ binh. Mới đây, trong cuộc giao ban với Sở Y tế, chúng tôi có đặt vấn đề này, có nhất trí bằng văn bản đề nghị lực lượng công an phối hợp với trường, cụ thể là ban giám đốc bệnh viện dã chiến, để công an địa phương sẵn sàng hỗ trợ khi xảy ra mất an ninh trật tự, chẳng hạn bệnh nhân bỏ trốn ra ngoài. Chúng tôi cũng có đề xuất, trong trường hợp số bệnh nhân đông hơn, hằng ngày nên có một cán bộ hoặc một tổ trực ở bệnh viện để kịp thời hỗ trợ và giải quyết khi cần. Ngoài ra, bệnh nhân vào thì cũng sẽ có ra. Với những bệnh nhân đã có kết luận không có liên quan gì tới COVID-19, Sở Y tế cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải tổ chức một chuyến xe vào lúc 10g hằng ngày đưa họ về trung tâm thành phố.

* Khi ông công tác tại đây, gia đình nói gì? Họ có yên tâm khi có người nhà đang làm nhiệm vụ ở đây?

- Từ bữa giờ, gia đình nhắc nhở rất nhiều, rằng tôi phải nhớ thực hiện tất cả các quy trình vệ sinh phòng dịch. Tôi biết mọi người lo, nhưng nói vậy để cho mình yên tâm công tác. Không chỉ với gia đình, ở đây, chúng tôi cũng có những buổi sinh hoạt nhắc nhở anh em. Chúng ta không có hiểu biết, đâm ra hoang mang. Nếu trang bị những kiến thức vệ sinh phòng dịch tốt, không có điều gì phải lo lắng cả. 

Theo yêu cầu ban đầu của lãnh đạo TPHCM, chúng tôi cùng Sở Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, các đơn vị khác đã bố trí xong 300 giường, phân chia thành 6 khu. Mọi thứ đã sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch. Kể cả người dân đang sống xung quanh đây cũng được thông tin đầy đủ. 

* Cảm ơn ông. 

Đậu Dung - Tam Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI