Lời nhắc nhở sâu lắng về giá trị của nước

01/11/2024 - 06:12

PNO - Sáng 31/10, Báo Phụ nữ TPHCM đã phối hợp với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO) tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”.

Chuyện nghề của “người trong ngành”

Bà Lý Việt Trung (bìa trái) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - và ông Trần Quang Minh (bìa phải) - Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc SAWACO - trao hoa và quà cảm ơn ban giám khảo cùng các đơn vị đồng hành với cuộc thi - ẢNH: THÀNH LÂM
Bà Lý Việt Trung (bìa trái) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - và ông Trần Quang Minh (bìa phải) - Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc SAWACO - trao hoa và quà cảm ơn ban giám khảo cùng các đơn vị đồng hành với cuộc thi - Ảnh: Thành Lâm

Trong 3 tháng diễn ra cuộc thi, ban tổ chức đã nhận được nhiều bài dự thi do chính những cán bộ, nhân viên, người lao động của ngành cấp nước viết. Thông qua bài viết, họ trải lòng về công việc rất đỗi lặng thầm, bình dị nhưng đầy ý nghĩa của mình. Đó là tâm tình của một nhân viên làm nhiệm vụ ghi chỉ số nước, là chuyện nghề của những nhân viên phòng thí nghiệm, là cảm xúc của thế hệ trẻ khi được khoác lên mình màu áo xanh của tuổi trẻ ngành cấp nước, là hồi ức về những ngày làm nhiệm vụ cung cấp nước sạch trong đại dịch COVID-19…

Gắn bó với SAWACO hơn 30 năm trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, xây dựng chính sách ngành nước, chính sách dành cho khách hàng và những quy trình, quy định về cung cấp và tiêu thụ nước sạch, chị Võ Thị Phương Hoa - Phó giám đốc kinh doanh SAWACO - chia sẻ, chị đến với cuộc thi từ tình yêu công việc và niềm tự hào về những thành tựu mà SAWACO đã đạt được.

Qua bài viết Ký ức cấp nước trong đại dịch COVID-19, chị khắc họa chi tiết cảnh những công nhân nhà máy nước làm việc “3 tại chỗ” trong điều kiện sinh hoạt hết sức thiếu thốn. Chị cũng khắc họa hình ảnh những vị lãnh đạo cao nhất tổng công ty đến tận khu tái định cư phường Bình Khánh, TP Thủ Đức khảo sát phương án cấp nước cho bệnh viện dã chiến; những công nhân đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ đi vào vùng bị phong tỏa để sửa chữa đường ống cấp nước.

Gửi đến ban tổ chức bài dự thi viết tay trên 6 trang giấy, chị Mai Thanh Tuyền - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Bí thư Đoàn Thanh niên SAWACO - cho biết, công trình kéo đường ống nước tạm đến doi Mỹ Khánh, huyện Cần Giờ của Đoàn Thanh niên SAWACO để phục vụ 60 người dân là nguồn cảm hứng để chị viết bài dự thi.

“Khi trực tiếp mở vòi nước, một bác gái trạc 70 tuổi rửa tay, rửa mặt, uống ngụm nước rồi nói “nước sạch, mát quá bây”, tôi thấy tự hào về những việc mà mình cũng như các anh chị em đã đóng góp cho cộng đồng” - chị chia sẻ.

Bên cạnh việc đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn đến các hộ dân, việc giảm thất thoát nước cũng hết sức quan trọng. Chị Huỳnh Thị Thanh Diệu - nhân viên phòng Giảm thất thoát nước của SAWACO - đã gửi bài dự thi mang tên Có một đường đi ẩn mình dưới lòng đất, kể về công việc của những người miệt mài dò tìm vị trí rò rỉ nước để khắc phục. Bài viết khắc họa mạng lưới cấp nước của SAWACO trải dài từ nhà máy đến các hộ dân như những mạch máu nuôi khắp cơ thể. Mỗi đêm, từ 22g đến 4g sáng, đội duy tu, sửa bể vác thiết bị lên đường đi dò tìm chỗ rò rỉ, khoanh vùng, vá sửa. Có lúc, họ bị chó rượt; có khi, họ bị người dân báo công an do nghi là kẻ trộm. Nhiều đêm, họ phải đi làm nhiệm vụ trong mưa.

Chạm đến trái tim người đọc

Lãnh đạo SAWACO cùng đại diện ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả đoạt giải  - ẢNH: THÀNH LÂM
Lãnh đạo SAWACO cùng đại diện ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả đoạt giải - Ảnh: Thành Lâm

Ông Trần Quang Minh - Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc SAWACO - cho biết, diễn ra trong 3 tháng, cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và cán bộ, nhân viên ngành cấp nước trên cả nước với 438 bài dự thi. Các bài viết đã thể hiện tình cảm chân thực, đa dạng về góc nhìn, truyền tải hình ảnh đẹp về ngành cấp nước TPHCM, về công nhân ngành cấp nước. Các tác giả cũng thể hiện được tình yêu nghề, quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ cấp nước an toàn, liên tục, chất lượng.

Ở góc độ giám khảo, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho hay, bà ấn tượng về góc phản ánh của các tác giả để qua đó khắc họa tầm quan trọng của nước. Qua đó, nước không chỉ là nguồn sống mà còn là ký ức tuổi thơ của nhiều người, là nụ cười hạnh phúc của người đón nhận sau những ngày khô hạn, là những vất vả, gian lao mà các công nhân ngành cấp nước đã trải qua.

Bà nói: “Cuộc thi không chỉ là sân chơi chữ nghĩa mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, do đó đã thực sự chạm đến trái tim độc giả, mang lại những cảm xúc sâu lắng và những suy ngẫm về giá trị của nước”.

Được trao giải Nhì với tác phẩm Nghĩ về tiết kiệm nước, tác giả Đặng Hoàng An cho biết, cơ duyên khiến anh đến với cuộc thi là nhờ tham gia một chương trình tập huấn dành cho người khuyết tật, trong đó có nội dung tiết kiệm nước. Ngoài ra, trong những ngày chứng kiến quê mình nằm kế sông Vàm Cỏ nhưng lâm cảnh “khát nước”, anh đã cùng những người bạn đi hết chỗ này đến chỗ kia để hỗ trợ nước cho bà con. Cũng nhờ hành trình này, anh bắt gặp vẻ đẹp vô tận của nước cũng như của cuộc sống khi bà con san sẻ nước cho nhau trong điều kiện khan hiếm nước. Nhận thấy ít người viết bài về tiết kiệm nước, anh đã mạnh dạn dự thi khi cuộc thi sắp kết thúc.

Thông qua bài viết, anh Hoàng An gửi gắm thông điệp: “Nước là nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia và đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của hành tinh này. Mỗi người hãy là một đại sứ tiết kiệm nước”.

Anh Đoàn Đại Trí - người đoạt giải Nhất cuộc thi - kể, 15 năm trước, khi đến TPHCM, anh ở trong một khu nhà trọ nằm kế bên sông Sài Gòn. Khác với hình dung về một Sài Gòn đô hội trước đó, anh lại cảm nhận một cuộc sống vô cùng bình yên bên sông. Đây là nguồn cảm hứng để sau này anh thực hiện những tuyến bài về sông Sài Gòn khi làm nhà báo, nhà văn. Thông qua tác phẩm Những mạch ngầm chảy suốt trăm năm, anh đã mang đến cho bạn đọc một dòng sông Sài Gòn không chỉ đẹp ở hình ảnh đô thị hiện đại nằm dọc đôi bờ mà còn là mạch ngầm gắn kết tình người, là một phần của dòng chảy lịch sử hình thành, phát triển Sài Gòn - TPHCM.

Kết quả cuộc thi

Ban tổ chức cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước” đã trao giải cho 12 tác phẩm xuất sắc.
1 giải Nhất: tác phẩm Những mạch ngầm chảy suốt trăm năm của tác giả Đoàn Đại Trí.
1 giải Nhì: tác phẩm Nghĩ về tiết kiệm nước của tác giả Đặng Hoàng An.
2 giải Ba gồm: tác phẩm Những thủy đài xưa giữa lòng đô thị hôm nay của tác giả Diễm Mi; tác phẩm Chúng tôi cũng là người lính của Ban Kỹ thuật, Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch.
8 giải Khuyến khích gồm: tác phẩm Buồn vui nước sạch Sài Gòn của tác giả Hương Huyền; tác phẩm Cùng nước vẽ nên nụ cười của tác giả Mai Thanh Tuyền; tác phẩm Những chiến binh thầm lặng bảo vệ nguồn nước sạch của tác giả Nguyễn Ngọc Hon; tác phẩm Thời cầm xô xách nước đã xa của tác giả Trương Thị Thu Oanh; tác phẩm Sài Gòn - dòng sông ân sủng của tác giả Trần Thanh Bình; tác phẩm Có một đường đi ẩn mình dưới lòng đất của tác giả Huỳnh Diệu; tác phẩm Lời tự tình của nước của tác giả Nguyễn Đại Phúc; tác phẩm Giọt nước mùa hè xanh năm ấy của tác giả Nguyễn Yến.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng lựa chọn 10 bài viết của cán bộ, nhân viên, người lao động thuộc các đơn vị của SAWACO để trao giải thưởng “Bài viết truyền cảm hứng”.

Giới thiệu 4 ca khúc mới về ngành cấp nước

Trong khuôn khổ lễ trao giải cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”, SAWACO đã giới thiệu 4 trong 8 ca khúc mới về ngành cấp nước TPHCM được sáng tác trong chương trình tham quan thực tế và trại sáng tác ca khúc về ngành cấp nước với chủ đề “SAWACO - Hành trình của niềm tin”. Chương trình nhằm tôn vinh lịch sử 150 năm hình thành và phát triển ngành cấp nước Sài Gòn - TPHCM. 4 ca khúc được giới thiệu gồm Dòng nước tinh khôi của nhạc sĩ Nhất Sinh, SAWACO - Nguồn nước yêu thương của nhạc sĩ Mai Trâm, Nguồn nước tình yêu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, Giọt nước từ trái tim của nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI