Diễn đàn: "Văn hóa" nói tục

Lời lẽ thanh lịch đã trở nên xa xỉ?

27/11/2020 - 18:47

PNO - Không phải bắt đầu từ cô tân hoa hậu, tôi đã ngẫm nghĩ rất nhiều và buồn lòng về lời ăn tiếng nói của giới trẻ từ mấy năm nay.

Khi vào quán ăn hay đi cà phê gặp các nhóm bạn trẻ, gần như lúc nào tôi cũng nghe tiếng chửi thề, nói tục. Điều đó đã như một thói quen khi giới trẻ nói chuyện với nhau trong những lúc bình thường chứ không còn là lời lẽ dùng lúc bức xúc hay bị mất kiểm soát.

Điều ngạc nhiên là các nhóm con gái văng tục, chửi thề “nhiệt tình” không kém gì con trai. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi đành phải viết trong tư thế “kỳ thị về giới”, khi nói tục các bạn gái đã đánh mất sự tôn trọng của người khác dành cho mình và cái duyên con gái đã bị biến mất tự khi nào.

Tôi bước vào quán sữa chua, nghe nhóm nữ sinh bàn bên cạnh, vẫn đang mặc áo dài, nói chuyện, giỡn hớt với nhau mà các câu đại loại: “Đm, tao đ… cho mày đó làm gì tao”, “Ồ, thằng đó đẹp trai vl…” được lặp đi lặp lại. Tôi nghe cô gái học lớp 11 bên cạnh nhà nói chuyện điện thoại với bạn: “Ê mày, bộ đồ đó đẹp á. Tao order rồi, đ… biết mặc vừa không…”. Đương nhiên trong nhiều lần khác, tôi cũng đã nghe không biết bao nhiêu từ ngữ không thể viết ra đây, dù là viết tắt. Trong những ngữ cảnh ấy, không thể biện minh rằng họ chỉ nghịch ngợm hay giải tỏa căng thẳng, đó đã trở thành ngôn ngữ sử dụng quen thuộc hằng ngày.

Vì sao lời ăn tiếng nói quan trọng? Vì nó thể hiện cách mình muốn người khác cư xử với mình bằng loại ngôn ngữ nào. Nếu các cô gái trẻ luôn miệng nói tục thì đó là cách gián tiếp cho phép người khác: “Cứ thoải mái văng tục vào mặt tôi”.

Thế hệ tôi, cách xa tuổi trẻ mới hơn mười năm, hầu như con gái không biết nói tục, đám con trai có thể nói tục chửi thề đâu đó nhưng tuyệt nhiên không dám làm vậy trước mặt con gái. Đứa con gái nào nghịch cũng chỉ nói với thằng bạn thân, kiểu như: “Thằng quỷ, lấy giùm tao cuốn sách xuống coi”. Dĩ nhiên, đứa nào thanh lịch thì nhận lại lời thanh lịch, đứa nào suồng sã thì nhận lại lời suồng sã.

Lớn hơn nữa, khi một nhóm ngồi chung, tụi con trai hay có kiểu nói ẩn ý chuyện phòng the, tính dục rồi cười ầm ầm và nếu trong đó mấy đứa con gái cũng hùa theo nói thì câu chuyện cứ thế tiếp tục nhưng chỉ cần một đứa “dị ứng” kiểu nói ấy thì lập tức bọn chúng im ngay. Tùy thuộc vào thái độ của đám con gái mà đám con trai chọn lời ăn tiếng nói, cũng không khó kiểm soát.

Ở gia đình, ba tôi không bao giờ nói tục, trước mặt con cái càng không, và ba nghiêm cấm các con nói tục, các anh trai tôi không được phép nói tục trước mặt em gái. Ở trường học, hiếm hoi lắm mới xảy ra chuyện học sinh nói tục và luôn bị thầy cô phạt nặng, con gái bị phạt nặng hơn con trai và hầu như chỉ cần phạt một lần là từ đó nín thinh.

Đừng bảo rằng: “Chúng chỉ nói cho vui khi gặp nhau thôi, đừng khó chịu quá”. Nói tục cũng như hàng trăm nghìn điều khác thôi, một khi đã trở thành thói quen thì khó bỏ. Khó có chuyện giới trẻ chỉ văng tục chửi thề trong vài năm tuổi trẻ, sau đó ngôn ngữ của chúng sẽ trở nên lịch sự.

Thử tưởng tượng, những đứa trẻ ấy lớn lên, đi làm và trở thành bố mẹ và vẫn nói tục chửi thề trước mặt nhau, trước mặt con cái, vợ chồng những lúc bất đồng cãi nhau bằng từ ngữ tục tĩu. Khi ấy, từ ngữ thô tục trở thành ngôn ngữ đại chúng chứ không còn là cá biệt và khi ấy văn hóa của tiếng Việt thật thảm hại.

Không còn là chuyện xa xôi, chúng ta vẫn nghĩ rằng ngôn ngữ được sử dụng trên truyền hình phải chuẩn mực nhưng không, lối nói suồng sã, thiếu phép tắc đã đi vào rất nhiều chương trình truyền hình rồi, nhất là các gameshow.

Trở lại với các cô gái trẻ, chúng ta có thể không được sinh ra trong một gia đình danh giá, theo nghĩa quyền cao chức trọng hay có của ăn của để, nhưng chúng ta luôn có thể chọn cách sử dụng ngôn ngữ để tạo ra sự danh giá cho mình khiến ai cũng phải ngại ngần khi định ăn nói thiếu phép tắc, thiếu lễ độ với mình.

Chúng ta có thể tranh luận, thậm chí cãi nhau với bất kỳ ai nhưng không cho phép đồng nghiệp chửi thề, không cho phép chồng văng tục với mình. Thay đổi từ bây giờ chắc cũng không khó, nếu trót có thói quen chửi thề nói tục thì quay video hoặc ghi âm những lúc ta nói chuyện với bạn bè và nghe lại chắc cũng “thấy ớn”, sẽ muốn thay đổi ngay. Học trò gặp nhau bao giờ chẳng nghịch, chẳng vui, đâu hẳn chửi thề, nói tục mới vui.    

An Hiên

Vừa qua Diễn đàn "Văn hóa" nói tục đã nhận được khá nhiều ý kiến khác khác nhau của bạn đọc. Và cho dù có ở góc nhìn, suy nghĩ nào thì những ý kiến gởi về đều có chung một quan điểm: nói tục, chửi thề không phải là một thói quen tốt. Thói quen nói tục chửi thề cũng không phải là “căn bệnh nan y”, việc điều chỉnh không quá khó khăn, chỉ cần mỗi người ý thức được hoàn cảnh, bối cảnh và đối tượng mình đang giao tiếp để sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp. Không thể xem nói tục, chửi thề là chuyện bình thường như cơm ăn, nước uống mỗi ngày. Diễn đàn “Văn hóa” nói tục xin được khép lại bằng bài viết trên đây. Một lần nữa, cám ơn bạn đọc đã tham gia Diễn đàn và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác dài lâu.

Phụ Nữ Online

 

An Hiên

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 28-11-2020 04:59:04

    Bài viết rất hay ,nói tục thoạt đầu chỉ nghĩ nói cho vui nhưng rồi dần quen miệng mở lời ra là đệm ngay một từ tục .Đạo đức văn hóa phải được uốn nắn từ học đường đến gia đình ,hiếm khi thấy người trẻ nói câu xin lỗi hay cám ơn trong giao tiếp .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI