Lời khuyên của chuyên gia Singapore về các triệu chứng hậu COVID-19

30/03/2022 - 06:31

PNO - Sau khi xét nghiệm âm tính với COVID-19, một số người tiếp tục đối mặt các triệu chứng kéo dài như ho dai dẳng và kích ứng đường thở, khó thở, mệt mỏi, sương mù não, đánh trống ngực, tức ngực cùng các vấn đề tiêu hóa như trào ngược dạ dày, không thể dung nạp thức ăn. Tình trạng này gần đây được đặt tên là di chứng sau nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính (PASC), hay “COVID kéo dài”.

Nhà vật lý trị liệu Jaclyn Chow, Bệnh viện Tan Tock Seng, Singapore, giải thích tình trạng viêm trong các tế bào nhiễm SARS-CoV-2 có thể tồn tại ngay cả sau khi bệnh nhân âm tính, dẫn đến các triệu chứng kéo dài như ho, nhạy cảm đường thở và khó chịu ở đường hô hấp trên. Nếu cơn ho dẫn đến mất ngủ, thuốc ho thông thường tại các nhà thuốc có thể giúp làm giảm triệu chứng mặc dù không chữa khỏi vấn đề nhiễm virus. Bệnh nhân thường ho nhiều hơn khi nằm do dịch nhầy chảy xuống thành họng. Trong những trường hợp như vậy, một chiếc gối nâng đầu cao có thể là giải pháp.

Có nhiều yếu tố dẫn đến mệt mỏi nhưng các bài tập thở có thể giúp bệnh nhân đối phó với chứng hụt hơi
Có nhiều yếu tố dẫn đến mệt mỏi nhưng các bài tập thở có thể giúp bệnh nhân đối phó với chứng hụt hơi

Bên cạnh đó, một số người phát triển kiểu thở bằng miệng sau nhiễm COVID-19 vì nghẹt mũi. Nhưng thở bằng mũi giúp làm ấm và làm ẩm không khí. Vì vậy, đối với những người thở bằng miệng, họ phải quay lại thở bằng mũi, sử dụng cơ hoành chứ không phải cơ ngực trên. Tư thế đứng và ngồi cũng rất quan trọng. Cải thiện tư thế có thể bổ sung tới 50ml không khí cho mỗi lần thở, tương đương khoảng 10% lượng không khí lưu thông. 

Có nhiều yếu tố dẫn đến mệt mỏi nhưng các bài tập thở có thể giúp bệnh nhân đối phó với chứng hụt hơi. Bệnh nhân thở với tốc độ nhanh sẽ làm giảm nồng độ carbon dioxide cân bằng trong máu, tạo tín hiệu thu hẹp đường thở và mạch máu, làm hạn chế lưu lượng máu lên não gây đau đầu, mệt mỏi và chóng mặt.

Vì vậy, đối với tình trạng mệt mỏi và giảm khả năng chịu đựng khi tập luyện, bác sĩ Chow khuyến nghị một phương án phục hồi vận động từ từ và không nên bắt cơ thể làm việc quá sức. Riêng bác sĩ hô hấp Adrian Chan, Bệnh viện Mount Elizabeth, khuyên bệnh nhân nên đi khám để đánh giá tình trạng cụ thể, nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn và không cải thiện, chẳng hạn như chỉ số oxy trong máu duy trì ở mức 94% trở xuống.

Với các triệu chứng về tim mạch, khía cạnh quan trọng nhất là xác định chắc chắn rằng bệnh nhân không xuất hiện tình trạng tim nghiêm trọng nào sau COVID-19. Bệnh nhân cần lưu ý về các cơn đau ngực, khó thở hoặc bất kỳ triệu chứng mới nào tạo cảm giác không khỏe. 

Hiện, không có khuyến nghị tiêu chuẩn nào cho vấn đề “COVID kéo dài”, nhưng bệnh nhân nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu có các triệu chứng dai dẳng kéo dài qua giai đoạn 4 - 6 tuần sau nhiễm. Hầu hết trường hợp sẽ hồi phục theo thời gian, nhưng bệnh nhân cũng cần kiểm soát các triệu chứng của mình để tối ưu hóa chức năng và chất lượng cuộc sống. Như đã đề cập, các biện pháp này có thể bao gồm các bài tập thở, dần dần quay trở lại các hoạt động thể chất hoặc thuốc để điều trị các triệu chứng đường hô hấp trên. 

Linh La (theo CNA)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI