Lời khuyên của bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với bệnh nhân bị ung thư khi mang thai

17/07/2016 - 11:52

PNO - Phụ nữ khi mang thai thường khó phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, bởi các triệu chứng của bệnh thường giống với các dấu hiệu đặc trưng khi mang thai.

Khó phát hiện

Ngày 15/7, TS. Nguyễn Khánh Lâm - công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, tình trạng phụ nữ đang mang thai phát hiện ra mình bị ung thư như chị Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, ngụ TP. Hà Tĩnh) không phải là hiếm gặp. Đặc biệt, trong những năm gần đây tình trạng này tăng mạnh bởi vấn đề thực phẩm bẩn độc và thói quen sinh hoạt.

Bác sĩ Lâm cho biết, những người mang thai mắc ung thư thường khó phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu bởi những dấu hiệu của bệnh thường giống với những thay đổi của sản phụ trong thời kỳ đầu mang thai. Chẳng hạn, người bệnh ung thư đại trực tràng, u nang buồng trứng thường có cảm giác đầy bụng, ợ hơi, chảy máu trực tràng. Những thay đổi ở vú cũng thường khó phát hiện do dễ nhầm lẫn với những thay đổi ở vú khi mang thai.

Tương tự, những triệu chứng ban đầu của các bệnh ung thư phụ khoa như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo… cũng khó phát hiện trong những giai đoạn sớm. Bởi vậy, quá trình điều trị bệnh thường gặp nhiều khó khăn. "Đặc biệt là ung thư vú, căn bệnh này cũng có nhiều đặc điểm giống với thời kỳ đầu khi mang thai vì người phụ nữ thường cảm thấy vú căng hơn, tăng kích cỡ. Một số bác sĩ còn nhầm lẫn triệu chứng này với bệnh viêm tuyến vú nhưng có những trường hợp lại bị ung thư" - bác sĩ Lâm cho biết.

Việc khám và chẩn đoán ung thư đối với phụ nữ đang mang thai cũng gặp nhiều khó khăn khi không thể tiến hành chụp X-Quang vì dễ khiến đứa trẻ có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ dẫn đến dị tật. Ngoài ra, phương án xạ trị cũng không thể áp dụng bởi hóa chất cũng khiến cho đứa trẻ có nguy cơ dị dạng cao.

Loi khuyen cua bac si Benh vien Phu san Ha Noi voi benh nhan bi ung thu khi mang thai
Nhiều phụ nữ đến Bệnh viện K Trung ương khám khi đang trong quá trình mang thai.

Trong khi đó, bác sĩ Phạm Văn Sơn - Phó Trưởng khoa Nội, Bệnh viện K Trung ương cho biết: "Việc điều trị cho bệnh nhân ung thư đang mang thai phụ thuộc rất nhiều vào tuổi thai, sức khỏe của người bệnh, tâm tư nguyện vọng của gia đình bệnh nhân xem họ có muốn giữ đứa con lại hay không. Nếu phát hiện ung thư trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ thì các bác sĩ khuyên nên đình chỉ thai vì trong giai đoạn này thai chưa hình thành đầy đủ các bộ phận nên rất nhạy cảm với bất kỳ loại thuốc nào đưa vào người mẹ. Khả năng trẻ bị dị tật, xảy thai cũng vì thế mà cao hơn.

Ở những tháng thứ 4 trở đi, thai nhi đã phát triển một cách đầy đủ thì có thể sử dụng một số hóa chất để điều trị ung thư. Tuy nhiên, hóa chất có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi sau này như: suy dinh dưỡng, sinh non, thiếu máu…".

Nếu người bệnh muốn giữ con lại thì cần phải có phác đồ điều trị riêng biệt, phụ thuộc vào từng cá nhân người bệnh. Thông thường, phẫu thuật là phương pháp thường được chỉ định nhất để loại bỏ khối u bởi đây là phương pháp an toàn nhất và ít ảnh hưởng đến thai nhi. Sau khi phẫu thuật có thể thực hiện hóa trị bổ trợ để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại.

Bệnh ung thư không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi

Bác sĩ Lâm cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới chưa chứng minh được việc các tế bào ung thư có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi. Điều đó có nghĩa rằng, các bà mẹ đang mang thai mà bị ung thư sẽ đỡ đi nỗi lo sợ đứa con trong bụng bị ảnh hưởng. "Với những bà mẹ đang ở trong gia đoạn cuối của thai kỳ mà phát hiện ung thư thì có thể chờ sau khi sinh xong mới điều trị cũng được" - bác sĩ Lâm cho biết.

Loi khuyen cua bac si Benh vien Phu san Ha Noi voi benh nhan bi ung thu khi mang thai
Chị Đậu Thị Huyền Trâm quyết định giữ lại đứa con trong lúc đang bị ung thư di căn.

Tuy nhiên, bác sĩ Lâm khuyến cáo: "Khi phụ nữ điều trị ung thư thì không được cho con bú vì các hóa chất sẽ đi vào tuyến sữa khiến trẻ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các phụ nữ mới chấm dứt giai đoạn điều trị ung thư cũng không nên mang thai vì hóa chất còn ở trong người, cần phải có thời gian đào thải. Cần ít nhất từ 1 - 2 năm cho việc rửa sạch hóa chất điều trị ung thư ra khỏi cơ thể mới nghĩ đến chuyện mang thai".

Còn bác sĩ Sơn cho hay, nếu người mẹ mắc ung thư thì nguy cơ ung thư của người con sẽ cao hơn những người bình thường. Bởi vậy, gia đình cần chăm sóc bé cẩn thận, xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời đi khám sức khỏe định kỳ để ngăn ngừa ung thư và đảm bảo sức khỏe.

"Trong quá trình điều trị bệnh, ngoài yếu tố bên ngoài thì việc tinh thần, nghị lực của người bệnh cũng rất quan trọng. Chúng tôi thường khuyên các bệnh nhân ung thư phải lạc quan, sống vui vẻ và thường xuyên tập thể dục để trong người sản sinh ra hễ miễn dịch chiến đấu đẩy lùi với các tế bào ung thư.

Rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị mắc ung thư đến bệnh viện trả về nhưng nhờ lỗ lực luyện tập của bản thân mà có thể tự chữa khỏi. Sau vài ba năm đến thăm khám thì các tế bào ung thư trong người họ giảm dần cho tới khi hết hẳn. Đó là những trường hợp mà khoa học vẫn chưa chứng minh được.

Vì thế, với phụ nữ đang mang thai mà mắc ung thư cũng không nên quá bi quan. Cần phải xác định rõ tư tưởng và quyết định nhanh chóng việc có nên giữ lại đứa con trong bụng hay không. Từ đó, các bác sĩ mới có thể đưa ra được những phương pháp điều trị tốt nhất, đáp ứng nguyện vọng của người bệnh" - ông Sơn kết lại.

Phạm Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI