Lời khuyên cho bệnh nhân bị suy tĩnh mạch

17/03/2018 - 18:30

PNO - Suy tĩnh mạch là một bệnh rất thường gặp. Những nghiên cứu dịch tễ học trên thế giới cho thấy, có đến 30% dân số trưởng thành mắc bệnh ở những mức độ khác nhau.

Bệnh biểu hiện bởi các cơn đau nhức và các triệu chứng khó chịu ở chân. Các dấu hiệu này tăng lên khi đứng lâu, ngồi lâu và giảm khi bệnh nhân gác chân cao. Nếu không được quan tâm đúng mức, bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn nặng hơn với tình trạng giãn tĩnh mạch, phù chân, thay đổi da cẳng chân và loét chân.

Loi khuyen cho benh nhan bi suy tinh mach
 

Việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch bao gồm nhiều phương pháp phối hợp với nhau. Trong đó việc thay đổi lối sống đóng một vai trò nền tảng, có thể áp dụng cho bệnh nhân ở tất cả các mức độ bệnh.

Bệnh nhân suy tĩnh mạch được khuyên hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, tránh các yếu tố có hại cho tĩnh mạch, đồng thời tăng cường các yếu tố có lợi, thay đổi nghề nghiệp (trong một số trường hợp), chơi những môn thể thao phù hợp...

Tuy nhiên, không phải lúc nào người bệnh cũng có thể thực hiện những điều này. Quan trọng là khi người bệnh ở trong một tình huống có thể làm bệnh nặng thêm, họ cần biết cách để hạn chế tối đa tác hại của nó.

Lời khuyên sau đây dựa trên khuyến cáo của các Hiệp hội Phẫu thuật mạch máu trên thế giới, không chỉ dành cho những người mắc bệnh mà còn có thể giúp phòng tránh bệnh.

Trong trường hợp phải ngồi lâu (đặc biệt khi ngồi tàu xe kéo dài):

- Nên mang vớ áp lực nhẹ.

- Không nên ngồi bắt chéo chân hay ngồi xổm, bởi các tư thế này làm cản trở dòng máu tĩnh mạch hồi lưu từ chân về tim.

- Thường xuyên xoay tròn cổ chân, duỗi thẳng và gấp ngược bàn chân.

- Đặt cẳng chân trong tư thế duỗi gối thẳng tối đa.

- Sau một khoảng thời gian nhất định nên đứng lên và đi lại.

Trong trường hợp phải đứng lâu hoặc đứng một chỗ, cần phải thực hiện một cách đều đặn những việc sau:

- Mang vớ tĩnh mạch áp lực nhẹ.

- Bước liên tục khoảng 10 bước, sau đó đứng lên - ngồi xuống vài lần bằng cách gập gối.

- Co và giãn các cơ của cẳng chân.

- Nhảy tại chỗ hoặc di chuyển trọng lực cơ thể từ chân này sang chân khác dựa trên các mũi bàn chân.

- Tránh mang vác nặng.

- Nếu nghề nghiệp của bạn cần phải đứng thường xuyên, nên bù trừ bằng những khoảng thời gian đi bộ, thực hiện vài lần mỗi ngày.

Loi khuyen cho benh nhan bi suy tinh mach
 

Để cải thiện sự khó chịu ở chân:

- Không nên mặc quần áo, quần áo lót hay những vật dụng khác (như thắt lưng) quá chật.

- Nên chọn giày mềm mại và thoải mái, chiều cao lý tưởng của đế giày nên dưới 6cm.

- Tránh tiếp xúc nhiệt ở vị trí của cẳng chân, ví dụ như tắm nước nóng, ngâm chân nước nóng, xông hơi...

- Mỗi buổi tối, nên tưới nước lạnh lên chân, xoa bóp chân một cách nhẹ nhàng từ bàn chân lên đến đùi, gác chân lên gối mềm cao từ 10-15cm so với mặt giường.

Chế độ dinh dưỡng:

- Chống thừa cân và cân bằng chế độ dinh dưỡng.

- Hạn chế sử dụng những chất kích thích như trà, cà phê, rượu, bia… bởi những chất này sẽ gây giãn các tĩnh mạch.

- Nên thường xuyên uống nước.

- Tránh táo bón bằng chế độ ăn giàu chất xơ như rau củ, trái cây… bởi vì chứng táo bón sẽ làm tăng áp lực tĩnh mạch.

Tập luyện những môn thể thao phù hợp:

Loi khuyen cho benh nhan bi suy tinh mach

- Nên chơi những môn thể thao (đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, tập gym...) giúp hồi lưu tĩnh mạch được về tim dễ dàng. Nói chung, những môn thể thao có sự vận động liên tục của cổ chân và các cơ của cẳng chân đều được khuyến khích.

- Thận trọng khi chơi và hạn chế tập luyện không quá nhiều tất cả các môn thể thao làm tăng trọng lực hoặc đứng tại chỗ, va chạm mạnh như tennis, môn bóng đồng đội (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, bóng bầu dục…), lướt sóng…

- Nên hạn chế tối đa chơi những môn thể thao cản trở hồi lưu tĩnh mạch: 

Những môn thể thao cần nín thở hay có nguy cơ chấn thương (đẩy tạ, thể hình, judo, những môn thể thao đối kháng…).

Những môn thể thao có tư thế đứng tại chỗ hay quần áo bó chật: bắn cung, đua ngựa, bơi xuồng...

- Cho dù môn thể thao yêu thích của bạn là gì, nên lưu ý rằng, các hoạt động rèn luyện thể lực vẫn luôn tốt hơn một lối sống thụ động. Không có môn thể thao nào thực sự bị cấm đoán, miễn là nó được tập luyện với sự cân nhắc và đều đặn hơn là ngẫu hứng. Trong trường hợp bạn chơi một môn thể thao không phù hợp cho bệnh tĩnh mạch, nên bù đắp sau đó bằng các môn thể thao có lợi cho tĩnh mạch (đi bộ, đi xe đạp, bơi lội…).

 BS Lê Thanh Phong 
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI