Tôi đọc tin về một ca sĩ vừa qua tuổi thiếu niên rơi vào vòng xoáy thị phi, bị yêu cầu phải lên tiếng để không bị coi như tội đồ thiên cổ. Đêm, “người cô xã hội” nhân danh tình nghệ sĩ gào thét tra vấn em trên mạng xã hội. Em chỉ im lặng.
Nhanh chóng, người ta quy chụp cho em hàng trăm điều vì sự gục đầu không lên tiếng. Biết thương sao cho vừa, tội sao cho đủ khi nhân danh người lớn, họ chà đạp sự im lặng đầy nỗi đau của những đứa trẻ, những thiếu niên vừa lớn.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Trẻ câm nín là tội đồ?
Tôi nhớ khi xem những bộ phim hình sự của Hồng Kông (Trung Quốc), khi bắt một nghi phạm, dù tội nặng đến đâu, cảnh sát luôn sòng phẳng nhắc lại quyền của người đó: “Anh/chị có quyền im lặng. Những gì anh/chị nói sẽ là bằng chứng chống lại anh/chị trước tòa”. Đúng rồi, người trưởng thành có cái quyền im lặng đó.
Vậy còn trẻ em thì sao? Trong tôi chợt hiện về những ký ức buồn thuở bé thơ, khi những trận đòn roi luôn trút xuống anh tôi vì anh thường im lặng, lầm lì. Anh vốn trầm tính, anh không biết cách tìm một lý do nào đó để tội của mình nhẹ bớt, để sao cho cơn nóng giận của bố mẹ hạ nhiệt nhanh nhất.
Một lần, anh trốn giờ học thêm Anh văn, bố lôi anh về “hỏi cung”: “Con nghe lời ai rủ rê? Chắc là do mê đánh bida? Tại sao con có thể làm uổng công bố mẹ như thế?…”.
Khi anh tôi im lặng, mọi thứ bị đẩy lên cao hơn: “Sao câm miệng hến thế kia?”. Đáp lại câu hỏi của bố, anh chỉ cúi mặt, siết hai tay thật chặt. Đòn roi chỉ làm nước mắt anh rơi chứ không thể thốt ra tiếng nức nở. Mẹ ôm lấy anh rồi khóc thay con: “Ông giết tôi và con luôn đi”. Rồi anh bị phạt trong phòng để hối lỗi vì sự im lặng đáng sợ.
Thời gian qua, trong một lần được về quê, anh nằm trên võng đong đưa, nói lí nhí với nội: “Thầy đó dạy con không hiểu gì hết. Con không muốn đến đó học”. Lúc ấy, tôi nghĩ, trời ơi, phải chi anh nói như vậy ngay từ đầu thì đâu nên nỗi và không bị dở tệ ngoại ngữ đến tận bây giờ.
Thế nhưng cuộc sống vốn không đơn giản như thế. Tôi nghĩ về mối quan hệ trong gia đình, sự bạo lực (hiện tại có lẽ đã bớt đi hay trở nên tinh vi hơn?) và bây giờ là sự im lặng của những đứa trẻ.
“Sao con không thưa bác?”, “Cảm ơn đi con, nếu không bác sẽ lấy lại đấy”, “Miệng con bị gì à?”, “Con làm vậy sẽ bị cô cho là hư đấy”… - bạn có thấy những câu nói trên quen thuộc không? Bạn đã từng là một đứa trẻ ngỗ nghịch trong mắt người lớn vì không phải lúc nào cũng muốn ừ hử dạ thưa hay bạn đang khổ tâm khi có một đứa con hễ gặp khách lại trở nên rụt rè, không nói lấy nửa lời dù ở nhà nó cứ huyên thiên suốt ngày?
Bạn sẽ nổi giận vì sự im lặng bất ngờ đó hay sẽ cảm thông mà dỗ dành trẻ? Chưa hết, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng từng trong một hội buôn chuyện, vui thôi nhưng nghe nặng nề lắm. “Con X dạy con sao mà gặp người lớn chẳng biết mở miệng chào”. Đâu ai ngờ việc trẻ con im lặng có khi gây ra lắm áp lực cho người lớn đến thế.
Giải mã sự im lặng
Có một câu hỏi ít khi chúng ta đặt ra cho chính mình hay cho bọn trẻ: “Vì sao im lặng?”. Thật ra, trẻ im lặng vì cảm thấy nguy hiểm. Nguy hiểm có thể hiểu theo nghĩa đen, như trường hợp “người cô chính nghĩa” tra tấn chàng ca sĩ thiếu niên ở trên bằng một livestream với sự nhòm ngó của hàng ngàn người trên mạng xã hội.
Hay nguy hiểm theo nghĩa thoát ý vì cảm thấy người lớn không đủ để trẻ tin tưởng, không đủ tình thương (như chuyện của anh tôi). Những trường hợp tôi nêu trên, người lớn đều đưa ra giả thiết rồi bắt trẻ con xác nhận hay phải nói theo lời mình muốn.
Tình thương ở đâu? Sự cầu thị giải quyết vấn đề của người lớn cùng với con trẻ ở đâu?
Chưa hết, một môi trường lạ lẫm đôi khi còn được đánh đồng với nguy hiểm trong mắt trẻ thơ nên chúng đành câm nín bất động. Vì thế, chúng ta đừng vội phán xét trẻ, rồi đặt áp lực lên cả phụ huynh. Tiếc thay, trong xã hội Á Đông, câu chuyện chào thưa của trẻ còn lắm nặng nề.
Hẳn bạn cho rằng trẻ nào thấy môi trường mới hay gặp người lạ đều nhiệt tình khám phá, kết nối là tốt. Nhưng nếu con bạn làm điều này thái quá, nguy cơ là trẻ sẽ mất cảnh giác trước những hoàn cảnh nguy hiểm.
Việc người lớn cần làm là thấu hiểu trẻ, từng bước giải tỏa áp lực đó hay truyền thêm sự tự tin cho trẻ bằng sự ủng hộ của mình. Ngày nay, chúng ta bắt đầu nhắc nhiều về chứng câm nín chọn lọc. Khái niệm này phần nào giúp giải oan sự im lặng của trẻ.
Người lớn đừng sợ hãi
Sự im lặng của trẻ đầy sự vi tế. Chỉ cần chúng ta dừng lại cách suy nghĩ tự động: “Con phải trả lời khi cha mẹ hỏi” hay “Tôi là cha/mẹ nên có mọi uy quyền với con” thì sẽ thấy mọi thứ. Trong ngành tâm lý, chúng tôi được dạy rằng đừng sợ hãi sự im lặng của thân chủ. Đó chính là những khoảnh khắc vàng. Lúc đó, thân chủ mới thật sự đang đối diện với chính mình.
Với những đứa trẻ, tôi cũng nghĩ thế. Biết bao nhiêu thông điệp cần lưu ý phía sau sự im lặng của những đôi mắt tròn. Ít nhất đó không phải là một lời nói dối. Chúng ta cần tin vào sự im lặng đó. Đừng sợ hãi, giận dữ khi con im lặng, để rồi ta cuống cuồng làm đủ cách buộc con mở miệng, chỉ cốt để riêng mình thấy ổn. Nếu thế, bạn đang là người cha/mẹ ích kỷ, chỉ nghĩ đến cảm xúc của bản thân.
Những đứa trẻ không dạ thưa khi gặp người lạ là chúng đang phát ra những tín hiệu cảm xúc. Chúng thấy không vui, thấy bối rối hay nguy hiểm vì đâu? Đó là điều cha mẹ nên đào sâu để giải tỏa giúp con.
Sự im lặng của anh tôi hàm chứa lời nói anh cần được hiểu hơn, anh cần nhiều tình thương hơn. Im lặng là cách trả lời của anh, rằng các giả thiết bố tôi đưa ra đều không đúng. Anh cần được giúp đỡ để học tốt hơn môn tiếng Anh.
Không chỉ im lặng vì thấy sự tấn công nguy hiểm, đó còn là lời hồi đáp của chàng ca sĩ vừa lớn kia rằng mọi người chưa hiểu em, hãy cho em không gian để em còn biết chuyện gì đang xảy ra.
Tôi và những bạn học tâm lý thường rất bức xúc chuyện trẻ bị xâm hại tình dục bị mọi người khước từ “khoảng im lặng”. Người lớn luôn kỳ vọng sẽ được nghe các em kể thật chi tiết hoặc kể đi kể lại để nhanh chóng trừng phạt kẻ gây ác.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Họ nôn nóng trước sự im lặng mà không hiểu các em chưa cảm thấy an toàn, cần thêm thời gian, thêm không gian. Tôi đọc, thấy có trường hợp khi một em thu mình im lặng thì có hẳn nhà báo xuống tận nơi phỏng vấn, chụp hình. Dĩ nhiên họ có che mờ hình. Hỏi em không xong thì họ quay qua nghe mẹ em kể lại câu chuyện, trong khi em đang thu lu nơi góc nhà, như muốn van nài mọi người để em yên.
Ước gì người lớn hiểu tín hiệu im lặng em đang phát ra.
Tôi kể những câu chuyện trên nhưng không nghĩ đến việc mình sẽ đòi quyền im lặng cho một đứa trẻ theo kiểu luật pháp như trong những bộ phim TVB.
Tuy nhiên, xin đừng nghĩ con im lặng là đang thi gan cùng người lớn. Xin đừng bước vào cuộc chiến sống còn với trẻ.
Sự lặng thinh chính là lời khẩn cầu vụng dại từ vết thương của trẻ đang cần chúng ta soi rọi vào và chữa lành bằng tình yêu thương.
Nắng