|
Bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân cũng đều cần có sự thư giãn, chăm sóc về sức khỏe tinh thần |
Người ta nghĩ tôi tự tin, thật ra tôi đang sợ hãi
Nếu chị S. không nói những vấn đề về sức khỏe tâm thần của mình, chắc hẳn không ai nghĩ chị rơi vào trầm cảm phải dùng thuốc và đã định ôm con nhảy từ lầu 3 ngay chính ngôi nhà của mình.
Chị "ngụy trang" bên ngoài quá hoàn hảo – một người phụ nữ luôn tươi tắn, giọng nói hào sảng, bước đi nhanh nhẹn và luôn mỉm cười khi gặp người đối diện.
Lúc còn đi học, chị luôn là học sinh giỏi. Đi làm, dù ở vị trí nào, chị cũng làm rất tốt. 26 tuổi, chị S. đã trở thành trưởng phòng nhân sự của một công ty lớn. 32 tuổi, chị mở công ty riêng và thành công cho đến bây giờ. 36 tuổi, chị có chồng, có con. Ai cũng mừng cho chị vì cuộc sống viên mãn.
Chị S. nói: “Tôi ưa sự hoàn hảo, lúc nào cũng nghĩ có ai đó đang nói xấu mình nên khi đã làm việc gì tôi đều phải làm hết sức mình. Công việc vì thế mà luôn có kết quả tốt. Nhưng về nhà, tôi khá bối rối, nhất là với con gái 2 tuổi của mình, tôi không có thời gian cho bé.
Từ đó, tôi nghĩ mình không phải là người mẹ tốt, càng nghĩ, tôi càng giận bản thân và tránh gặp bé quá nhiều. Để chăm sóc con, tôi thuê bảo mẫu nhưng người này phải ra về trước khi tôi về nhà; bởi tôi sợ chị ấy biết con người thật của tôi, rồi kể với người khác. Chị ấy về, tôi “giao” con lại cho chồng. Càng ngày, tôi càng tránh né tất cả”.
Cho đến một ngày, chồng chị S. đi công tác dài ngày, chị thật sự lo lắng, căng thẳng. Chị chỉ muốn ngủ thiếp đi sau một ngày làm việc, nhưng con chưa được uống sữa. Bé bị bệnh, quấy khóc nên chị phải nhờ mẹ ruột lên chăm cháu.
“Tôi bị mẹ la khá nhiều và tôi bắt đầu sợ khi bà nói tôi không nên làm mẹ. Tôi cứ nghĩ sinh con là một sai lầm. Con gái tôi chắc cũng sợ như tôi. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ do có ít thời gian cho con; chứ tôi dư điều kiện để con có một cuộc sống tốt. Đến khi dịch COVID-19 xuất hiện, công ty rơi vào khó khăn, tôi quay cuồng trong các chiếc lược, giải pháp để vượt qua, nguồn vốn dự trữ vơi dần. Tôi bị trầm cảm nặng”, chị S. nói.
|
Một trong những dấu hiệu nhận biết một người thường rơi vào lo âu, căng thẳng là xé các mảng da trên ngón tay mình |
Sợ mọi người biết, chị lại càng tạo vỏ bọc hoàn hảo cho mình, ai cũng nghĩ chị quá mạnh mẽ. Xung quanh, nhiều công ty bạn bắt đầu đóng cửa, chị vẫn trụ vững và luôn tươi vui. Nhiều người mời chị về chia sẻ chiến lược kinh doanh, chị càng đến các diễn đàn, càng cố che giấu.
Khi nhận ra sự bất ổn này, chồng chị khuyên vợ nên nghỉ ngơi nhiều, đến gặp bác sĩ tâm lý. Chị lại nghĩ bản thân mình thất bại. Sự tự tin mà chị cố tạo ra bấy lâu như bong bóng xà phòng bay lên không trung rực rỡ, đầy màu sắc nhưng bất chợt chúng vỡ vụn, tan biến.
Chị viết đơn ly hôn rồi đặt hy vọng vào con gái. Chị cho đứa con gái mới 2 tuổi phải gánh thay ước vọng của mẹ, bé buộc phải học đàn, học múa, ngoại ngữ, vẽ tranh…
“Nhìn con bơ phờ mỗi tối, tôi xót xa lắm, nhưng con tôi phải là đứa trẻ giỏi giang, nổi trội. Chỉ có vậy, cháu mới không bị chê cười. Tôi sẽ là một bà mẹ đơn thân thành đạt, phải luôn vui tươi, yêu đời để mọi người ngoài kia nhìn thấy”, chị nói.
Chiến thắng trầm cảm trở về với con gái
|
Sợ người khác chê cười, nhiều người không dám sống thật với bản thân |
Nhìn bàn tay bị xé từng mảng da vốn đã rỉ máu trên đầu các ngón tay, chị S. kể lại: “Đầu năm nay, căng thẳng bắt đầu lên cao, tôi không kiểm soát được mình. Tôi bỏ ăn, cáu gắt, la mắng con gái nhiều hơn.
Khi cháu khóc, tôi càng thấy bức bí, khó thở vô cùng. Để tránh làm tổn thương con, tôi lại nhờ mẹ ruột lên chăm con, rồi im lặng luôn với 2 bà cháu. Con gái bé bỏng của tôi lúc nào cũng chỉ dám đứng nhìn mẹ từ xa.
Đến một lần, cháu vừa xem ti vi vừa nói “bà ngoại, con nhớ mẹ” rồi khóc ầm lên. Thương con vô cùng nhưng không hiểu sao tôi lại bắt con nín, rồi đánh cháu, đuổi mẹ tôi về quê. Rồi tôi không ngủ được, có cảm giác như ai thấy tôi thất bại cũng cười, đi đâu cũng bị người ta chỉ trỏ. Tôi nghĩ nếu tôi chết chắc họ vui lắm”.
Chị S. đâu biết rằng chị bị trầm cảm nặng, “bóng ma” đó càng ngày càng lớn, đè bẹp khiến chị không thở nổi.
“Trong đầu tôi lúc nào cũng có tiếng nói hãy chết đi, tôi không xứng đáng sống trên đời này. Tôi hoang mang và bắt đầu phản ứng với tất cả. Cuộc sống và các mối quan hệ của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng chỉ vì tính khí thất thường và cư xử quá tệ với người xung quanh. Thậm chí, tôi đã tát vào mặt cấp dưới của mình khi em ấy… dám nhìn lúc tôi đi ngang qua”, chị nhớ lại.
Giật mình trước hành vi của mình, chị xấu hổ tới mức lái xe về nhà, nhiều ngày tiếp theo không dám lên công ty làm việc. Ở nhà, chị lại nghĩ người nhân viên này đi nói xấu chị, mọi hình ảnh chị xây dựng trước đó sẽ đổ sụp. Thêm nhiều tiếng nói vang lên trong đầu, chị quyết định: “Chết cho mọi người vừa lòng”.
Chị bước ra ban công, cắt từng sợi dây an toàn trước đó đã làm vì sợ con té ngã, leo lên trên.
“Con tôi khóc đòi, tôi nghĩ nếu tôi chết một mình sẽ không ai nuôi con gái, tôi phải nhảy lầu cùng con. Con gái vùng vẫy nên tôi không thể ẵm con cùng nhảy ở tầng 2. Tôi lên tầng thượng, ra được bên ngoài, chỉ cần tiến thêm một bước, tôi và con gái đã bị “bóng ma trầm cảm” nuốt chửng.
Trong khoảnh khắc quyết định, con gái lại gọi mẹ, vuốt mặt tôi rồi cười. Tôi không có quyền tước đi mạng sống của con”, chị nhớ lại.
|
Tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến cho biết cứ một người đạt được hành vi tự sát, thì xung quanh họ, có đến 20 người có nguy cơ bị ảnh hưởng |
Không có quyền bắt con phải chết, chị S. tìm nhiều cách để tự cứu lấy mình. Chị quyết định gặp chuyên gia tâm lý, hy vọng về cách giải quyết.
Lắng nghe câu chuyện của chị, chuyên gia tâm lý cho rằng nên “đánh trúng đích” để chị biết rằng không ai muốn chị chết cả. Chị S. đươc khuyên gọi điện thoại xin lỗi người nhân viên bị chị tát. Từ sự tha thứ của người nhân viên này, chuyên gia tâm lý hy vọng chị lấy lại được niềm tin vào những người xung quanh.
Chính nhân viên bị chị đánh khi biết chị đang khó khăn về vấn đề tâm lý cũng quay sang giúp đỡ trong việc điều trị cho chị.
Chị S. cười: “Lúc đó tôi thấy cấp dưới của mình luôn bên cạnh chia sẻ bằng cử chỉ nhỏ như mời tôi ly nước, đi ăn trưa chung, xin ý kiến trong công việc, tặng đồ chơi cho con tôi… Tôi rất cảm động. Không ngờ, một người mà tôi đối xử tệ, không chỉ bỏ qua mà còn cư xử tốt với tôi. Giúp tôi nhận ra ai cũng có lý do của riêng mình trong quyết định rời bỏ hay bên cạnh.
Trước đây, tôi nhìn vào cái sai của người khác, trách họ đối xử không tốt với tôi, chứ không nghĩ tôi khiến họ buồn bực. Tôi càng cố gắng tạo ra vỏ bọc cho mình, càng làm cho tôi và con gái không thở nổi, chắc là những người bên cạnh cũng thấy sợ hãi nhưng họ không nói ra. Tôi quyết định phải bắt đầu lại”.
Chuyên gia tâm lý tiếp tục khuyên chị đến gặp bác sĩ để được khám và sử dụng thuốc trầm cảm, phân tích cho chị các vấn đề về sức khỏe tâm thần, sẵn sàng lắng nghe chị tâm sự bất kỳ lúc nào.
Dần dần, chị S. lấy lại được cân bằng, chị không còn nghe “ai đó” kêu chết đi, chị đã… biết cười, biết khóc. Chị thay giờ học của con bằng những chuyến đi chơi, những lần đọc sách, thủ thỉ cùng con. Đứa con gái bé bỏng cười nhiều hơn, quấn mẹ nhiều hơn.
“Gần một năm qua như một bài học lớn dành cho tôi. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi đã ép bản thân quá nhiều để hoàn hảo trong mắt mọi người. May mắn, tôi kịp nhận ra thay vì sống cho người khác, tôi phải sống cho mình và cho con gái tôi. Đó mới là giá trị”, chị S. chia sẻ.
Tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến – Khoa Tâm thể, Bệnh viện quận Thủ Đức - cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 800.000 người chết vì tự tử mỗi năm. Điều này có nghĩa cứ mỗi 40 giây sẽ có người đạt được hành vi tự sát. Trong đó, 1/4 số ca tự tử là người trẻ dưới 29 tuổi.
Cứ một người đạt được hành vi tự sát, thì xung quanh họ, có đến 20 người có nguy cơ bị ảnh hưởng.
“Tự tử thường xảy ra lúc khủng hoảng, tâm tư không có khả năng suy nghĩ. Nhận thức lúc này cho rằng "chết" là cách để giải quyết khủng hoảng. Bản thân người có ý định tự tử thiếu chiến lược ứng phó tạm thời, môi trường xung quanh thiếu nâng đỡ, dễ dàng thực hiện ý định của mình.
Để một người nói ra được ý định tự tử của bản thân sẽ khó khăn. Họ phải rất tin tưởng người bên cạnh, đủ can đảm để nói về thất bại hoặc sự bất ổn của mình. Người bình thường đã rất khó, người được xem là thành công cố tình tạo vỏ bọc cho mình sẽ càng khó chia sẻ hơn.
Vì vậy, một khi nhận thấy những tín hiệu không an toàn cho tính mạng và sức khỏe tinh thần của chính mình hay người thân, hãy liên hệ đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm trí để thực hiện can thiệp, sơ cứu, xoa dịu nỗi đau và đồng hành để vượt qua trước khi quá muộn”.
|
Phạm An