Những đoàn cứu trợ liên tục đổ về các tỉnh miền Trung. Tuần rồi, khi tôi từ Sài Gòn ra Huế, rồi đi tiếp về huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, hầu hết những chuyến xe đi ngược chiều với xe tôi đều có dán băng-rôn “Thương về miền Trung”. Là một người làm việc trong cộng đồng quốc tế, nhìn hình ảnh ấy, lòng tôi rưng rưng tự hào với nghĩa đồng bào của người Việt.
Dọc đường đi, tôi trò chuyện cùng bạn tài xế là một công an đường thủy. Bạn kể suốt hai tuần bạn đã trầm mình trong nước để đi cứu hộ. Hết lũ thì bạn lại quyên góp, phân loại đồ dùng và chở đi tặng đồng bào ở các vùng sâu vùng xa khắp Quảng Trị.
Đi qua những cung đường bị sạt lở, nhìn những con sông nước đục ngầu, những căn nhà không còn mái nằm nép lưng chừng đồi, tôi tự hỏi cuộc sống của người dân nơi đây cần bao lâu để phục hồi. Bao nhiêu gia đình sẽ thiếu ăn, thiếu mặc và bao nhiêu trẻ sẽ thiếu học khi những cơn lũ qua đi.
Khi tôi đến được điểm trường Pa Nho (thuộc trường tiểu học Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thì đã gần cuối chiều. Tôi khá ngạc nhiên khi từ xa đã thấy đông người lớn, hầu hết là đồng bào thiểu số tụ tập bên vệ đường. Đến gần hơn, tôi thấy các em học sinh nhỏ, mặc quần áo mỗi em mỗi kiểu, đang đứng xếp hàng ngay ngắn cùng các thầy cô giáo.
Bước qua mấy vũng bùn lầy để vào trường mà thực ra còn mỗi khung tường nhà và mấy hàng rào nghiêng đổ, chào hỏi thầy cô và các em, tôi mới hiểu ra các em đang chờ mình. Tôi đã không có ý định đề nghị được gặp học sinh mà chỉ hy vọng gặp các thầy cô giáo để hỏi thăm thêm tình hình các em và nhu cầu hỗ trợ.
Trước đó, thông qua mạng lưới được kết nối, tôi đã gửi ra tập vở, bút viết, quần áo, tiền để mua sách giáo khoa, sách tham khảo. Những phần quà đó được ủng hộ bởi các Mạnh Thường Quân từ khắp nơi. Các đồ dùng, vật dụng này đều đã được chuyển đến các em từ trước. Cô giáo đi cùng tôi chuẩn bị thêm 64 phần tập vở, một ít thú bông, sách truyện tham khảo, gối nằm và hai túi bánh snack rất to để trao cho trẻ.
Tôi tặng mỗi em một phần tập và hai bịch snack, dặn dò: “Các con mang tập về đi học hoặc cho anh chị em, đừng xé để gấp máy bay. Bánh mang về nhà ăn nhé”. Khi tôi trao đến hàng thứ hai thì thấy tất cả các em nhận bánh ở hàng thứ nhất đã xé bịch ra, lấy bánh ăn, bọc vứt lả tả dưới đất.
|
Tác phẩm "Hồn nhiên" chụp tại Quảng Trị của Trần Thế Phong |
Tôi lật đật lấy túi ni-lông lớn, nhờ các con nhặt rác cho vào giúp tôi. Nhìn trẻ ăn ngon lành mấy bịch snack, tôi vừa vui, vừa thương. Các thầy cô giáo có chút ngại ngần, giải thích: các em không có quà bánh ăn thường đâu, nên thích quá, ăn ngay. Có khi ở nhà cũng không có gì ăn nên giờ đang đói. Tôi thấy cổ mình nghẹn đắng. Mấy bịch bánh này không đắt đỏ, là quà vặt rất phổ biến cho trẻ em cả 20 năm nay. Vậy mà, những đứa trẻ nơi đây lại không có điều kiện để ăn.
Lũ đi qua, thóc giống, hạt giống, rau quả… đều hư hỏng nặng. Viễn cảnh đói kém trong những tháng tới hiển hiện trước mắt nếu không có người hỗ trợ. Bụng chưa no, thật khó để trẻ chăm chỉ đi học và học tốt được. Tôi hỏi vài câu để xem trẻ lớp Một có nhớ đang học được chữ gì chưa thì em nhớ, em quên, số em quên nhiều hơn em nhớ.
Nhóm trẻ nơi đây còn thiệt thòi hơn khi ngôi trường của các em gần như bị phá hủy hoàn toàn sau cơn lũ dữ. Sách vở, bảng viết, bàn ghế, đến cánh cửa lớp cũng trôi đâu mất.
Tôi nghĩ thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo và các em học sinh ngày đầu tiên quay lại trường, nhìn cảnh đó chắc cũng rất đau lòng và lo lắng. Bao giờ có thể khắc phục xong, liệu có được cấp kinh phí để sửa chữa lại hạ tầng, sách vở, đồ dùng ở đâu để còn dạy và học?
Thầy hiệu trưởng cho biết giải pháp tạm thời là đi học nhờ ở điểm trường khác. Vì phải chia sẻ phòng học nên mỗi lớp chỉ được học một buổi. Như vậy, nửa ngày còn lại, trẻ tự chơi ở nhà và nguy cơ không an toàn cao hơn so với việc trẻ được quản lý bởi thầy cô ở trường.
Chưa kể, sự ám ảnh của cái đói cứ lửng lơ. Các cô giáo chỉ nêu một nguyện vọng với tôi là nếu có thể, mỗi tuần, vào ngày thứ hai, cho các em được một phần ăn sáng trị giá 10.000 đồng/em, như vậy, cũng là nguồn động viên các em đến trường.
Các cô cứ nhắc đi nhắc lại: 10.000 đồng là ngon lắm rồi, mua được một ổ bánh mì có thịt, nếu không thì 5.000 đồng/em để ăn xôi cũng tốt. Thực sự, 10.000 đồng là một số tiền ít ỏi. Ở Sài Gòn, một phần ăn sáng cho trẻ vào tầm 35.000-50.000 đồng.
Bất giác, tôi nghĩ đến những phần thức ăn dư thừa của trẻ trong nhiều gia đình ở phố thị. Giá mà cuộc sống này có thể công bằng hơn.
Tôi chia tay các thầy cô và các em học sinh Pa Nho với lời hứa sẽ tài trợ phần ăn sáng cho các con trong thời gian lâu nhất có thể. Niềm vui rạng rỡ trên gương mặt các thầy cô và trẻ nhưng một nỗi buồn miên man đè nặng trong tôi: làm sao để những đứa trẻ này được hỗ trợ ăn và học lâu dài?
Nguyễn Thị Thu Huyền