|
Khu cứu hộ thú ăn thịt nhỏ và tê tê được nhiều người yêu thích |
Thập niên 90 của thế kỷ trước, đám trẻ cấp II chúng tôi thích nhất là được đi dã ngoại tại Rừng Quốc gia Cúc Phương. Dù đường tối om, sợ ma lắm nhưng đám con trai vẫn cố ra vẻ, núp dọc bên đường để dọa đám con gái.
30 năm sau, cánh dân công sở đã đứng tuổi lại đến Cúc Phương để kiếm tìm một chút khí trời tinh khiết, mong gặp lại cảm giác của ngày còn thơ bé. Cũng có thể ở tuổi này, chúng tôi đi để tìm cảm giác chinh phục, trải nghiệm, dứt bỏ những tất bật hằng ngày.
|
Bữa ăn thân mật của đoàn khách khi nghỉ qua đêm tại Cúc Phương |
Rừng già - liều thuốc chống trầm cảm
Sáu thành viên trên bốn chiếc xe máy, chúng tôi bắt đầu hành trình ngay khi kết thúc nửa ngày làm việc sáng thứ Bảy. Chúng tôi dự kiến có hơn một ngày để trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu công tác cứu hộ động vật hoang dã, thử cảm giác đi xe máy ban đêm trong rừng, thức dậy trong tiếng chim hót, vượn hú...
Chỉ cần thoát ra khỏi trung tâm Hà Nội, bạn sẽ cảm nhận được ngay bầu không khí mát rượi. Đường Hồ Chí Minh dù còn nhiều đoạn chưa đẹp nhưng núi và rừng hai bên đủ hứa hẹn cho chúng tôi một chuyến đi đầy cảm xúc.
Không như tôi tưởng tượng, khá nhiều gia đình đã có mặt ở đây từ sớm, thậm chí đã hoàn thành hành trình khám phá rừng già, động Người xưa, thăm cây chò ngàn năm... Trong khi đám trẻ sung sướng chạy quanh, bố mẹ chúng chuẩn bị cho bữa trưa nhẹ ngay trước căn phòng nằm giữa rừng. Đây không phải là một kiểu du lịch mới mẻ mà khá quen thuộc với nhiều gia đình thích cho con trải nghiệm và học hỏi từ thiên nhiên. Đa số chọn hành trình hai ngày một đêm, tự túc mọi thứ và để con được tự do vui chơi, trải nghiệm.
Trong khi đó, giới trẻ hoặc các đội xe máy thường chọn đi thành từng nhóm nhỏ từ trưa, đến Cúc Phương vào cuối giờ chiều rồi bắt đầu chinh phục hơn 20km đường rừng để ngắm cảnh hoàng hôn buông. Đường về nơi chúng tôi nghỉ đêm khá ấn tượng với bầu không khí ẩm ướt, mây mù thi thoảng lại phủ đặc. Cảm giác lái xe trong sự tĩnh lặng của rừng già, đi trên những thảm lá rừng ẩm mốc, trơn trượt khiến bất cứ ai dù hăng say đến mấy cũng phải chậm lại, điềm tĩnh hơn. Thứ cảm giác đó đủ để xóa tan mọi mệt mỏi mà dân thành phố thường mắc phải.
Chúng tôi ngồi dưới tán một cây cổ thụ thưởng thức bữa tối. Măng, gà, thịt nướng, rau rừng... nhanh chóng bị “dọn” sạch bởi những cái bụng đói cồn cào. Tôi không nhớ đã bao lâu rồi mới có cảm giác ngon miệng đến vậy. Một phần có thể bởi cái lạnh của đêm trong rừng khiến chúng tôi đã mất nhiều năng lượng. Cũng có thể bữa ăn này hoàn toàn khác những bữa ăn ở nhà, nơi mà vừa ăn chúng ta vừa vướng bận công việc, điện thoại, những suy nghĩ cho ngày tiếp theo.
|
Du khách ngắm bầy voọc được tái thả và hòa nhập với môi trường tự nhiên |
Cứu hộ động vật hoang dã: Bạn cũng có thể làm được
Khoảng 5 năm trở lại đây, có một công việc mà dân du lịch chuyên nghiệp luôn muốn thực hiện trong danh sách “việc phải làm” của mình mỗi năm: tham gia cứu hộ động vật; các hoạt động bảo vệ môi trường, sinh thái. Ai có điều kiện thì đi xa, tham gia các chương trình kéo dài hàng tuần. Nhưng kể cả khi bạn không có điều kiện về kinh tế lẫn thời gian, vẫn có rất nhiều chương trình nhỏ, hành trình ngắn với nội dung tương tự để bạn tham gia.
Chỉ cách Hà Nội hơn 100km, Cúc Phương có tới ba trung tâm cứu hộ lớn đón khách du lịch và những người mong muốn được tham gia công tác cứu hộ động vật hoang dã gồm: Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm (luôn có hơn 100 cá thể của 15 loài và phân loài, trong đó có sáu loài linh trưởng chỉ được chăm sóc tại đây mà không nơi nào khác trên thế giới); Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê (nuôi nhốt và cứu hộ các loài tịch thu từ buôn bán động vật trái phép, sau khi hồi phục có thể tái thả vào rừng); Chương trình Bảo tồn rùa (chăm sóc, bảo tồn và phát triển hàng trăm cá thể rùa bị buôn bán trái phép, cho sinh sản và tái thả trong tự nhiên). Các trung tâm này luôn thu hút một lượng lớn khách du lịch có tình yêu thiên nhiên, đặc biệt là giới trẻ. Rất nhiều nhóm tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để đến thăm, thậm chí nhận bảo trợ cho một số loài vật họ quan tâm.
Không chỉ đón tiếp các đoàn khách đến tìm hiểu, học hỏi, một số trung tâm còn tổ chức nhận các tình nguyện viên đến tham gia trực tiếp vào công việc cứu hộ, chăm sóc, tái thả động vật hoang dã. Tuy nhiên, đây là công việc khá đặc thù, đòi hỏi sự nghiêm túc nên chưa có nhiều người tham gia hoặc thường chỉ được những người đang học chuyên ngành liên quan tìm đến.
|
Sau khi khám phá Cúc Phương, bạn có thể trải nghiệm thêm tại khu vực đầm Vân Long, nơi đang bảo tồn khoảng 200 cá thể voọc quần đùi trắng |
Có một tín hiệu tốt từ những trung tâm này. Đó là lượng khách trẻ, đặc biệt là rất nhiều bạn nhỏ tham dự các hành trình cứu hộ động vật hoang dã. Mới đây, giữa tháng 3/2021, rất đông bạn nhỏ đã được gia đình cho tham gia hoạt động tái thả động vật hoang dã trở lại môi trường thiên nhiên. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt mới trong hoạt động của Vườn Quốc gia Cúc Phương, nơi đang quyết tâm biến môi trường rừng thành trường học cho tất cả những ai mong muốn được ngỏ lời cảm ơn thiên nhiên.
Anh Phạm Kiên Cường - Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ Cúc Phương - trầm giọng khi chia sẻ với tôi về những khó khăn Cúc Phương gặp phải từ khi Covid-19 xuất hiện. Những dự án ý nghĩa về bảo vệ rừng, truyền thông, đưa người dân tiếp cận công tác cứu hộ động vật, bảo vệ sinh thái liên tục “đổ”. Các nguồn thu cũng không còn vì giãn cách xã hội, tình trạng không khách nào ghé thăm khiến tất cả hoạt động đình trệ. “Chúng tôi vẫn ở đây nhưng cảm giác không còn được chia sẻ, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của khách thật khó tả. Tất nhiên mọi thứ vẫn sẵn sàng cho mùa hè này nếu Covid-19 không còn hoành hành”, anh Cường nói.
Đoàn chúng tôi đến Cúc Phương khi lệnh giãn cách xã hội vừa chấm dứt, tức là khi Vườn Quốc gia Cúc Phương đã sẵn sàng cho một mùa hoạt động sôi nổi. Chỉ trong ngày Chủ nhật, tôi ghi nhận có tới hơn mười xe khách lớn đưa từ các cháu nhỏ đến các đoàn khách lớn tuổi tới đây tham quan. Ngoài ra, các đội xe máy, xe đạp cũng chọn điểm đến này không chỉ để thử thách bản thân mà còn nhằm chia sẻ, đồng hành cùng những người đang ngày đêm giữ rừng, bảo vệ các loài động vật quý hiếm của Việt Nam.
“Có thể chúng tôi làm du lịch chưa chuyên nghiệp lắm nhưng vẫn có thể đảm bảo cho mọi người đến đây có được một hành trình trọn vẹn, sảng khoái. Tất nhiên sẽ không chỉ có các nội dung về bảo vệ sinh thái, động vật. Nếu bạn cần thử sức khỏe, hãy tham gia hành trình xuyên rừng, khám phá hang động. Nếu bạn cần nghỉ dưỡng, hãy thử ngủ một đêm trong rừng và ăn các món dân dã. Tuy chúng tôi không có dịch vụ năm sao nhưng không phải nơi nào cũng có dịch vụ sạch và trong lành như ở đây”, anh Cường quảng cáo bằng sự thật thà của một người Mường bản địa.
|
Rất nhiều khách Hà Nội yêu thích trải nghiệm đạp xe đến Rừng Quốc gia Cúc Phương vào dịp cuối tuần |
Một số gợi ý dành cho bạn
- Nếu bạn còn trẻ và muốn trải nghiệm, hãy thử đi xe máy. Nếu đi cùng gia đình, nên chọn ô tô. Quãng đường từ Hà Nội đi Vườn Quốc gia Cúc Phương mất từ 2,5 - 3 giờ di chuyển.
- Bạn có thể cân nhắc ba lịch trình: Đi trong ngày, ở qua đêm 1,5 ngày hoặc trọn vẹn 2 ngày.
- Đặt ăn ba bữa/ngày để tiện việc vui chơi, khám phá.
- Ngoài đi xuyên rừng, thăm động Người xưa, cây chò ngàn năm, các trung tâm cứu hộ, bạn còn có thể đặt tour khám phá hang, tour tình nguyện viên cứu hộ động vật... Bạn có thể phối hợp khám phá thêm vài điểm du lịch khác trong nửa ngày như: Tràng An, Vân Long.
Bài, ảnh: Cao Mạnh Tuấn