Lời hứa năm mới

01/01/2014 - 11:10

PNO - PN - Khởi đầu một năm mới là thời điểm mọi người cùng hướng về tương lai. Lời hứa của những lãnh đạo đầu ngành đem đến cho người dân TP.HCM niềm tin vào một năm 2014 “mã đáo thành công”.

* BÀ NGUYỄN THỊ HỒNG - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:

NĂM 2014, "NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM" ĐI VÀO CHIỀU SÂU

Loi hua nam moi

Năm 2013, chương trình hành động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP với năm nhóm giải pháp (thông tin, tuyên truyền, vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; triển khai chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt; kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường) ngày càng phát huy hiệu quả. Kết quả khảo sát của Sở Công thương TP vào cuối tháng 6/2013 tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích... về thị phần hàng Việt cho thấy tỷ lệ hàng Việt đạt bình quân gần 90%. Lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa đến khắp các địa bàn, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, các quận ven, huyện ngoại thành... đã được triển khai sâu rộng.

Bên cạnh đó, phát triển điểm bán có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của chương trình bình ổn thị trường, giữ vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy lưu thông, phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng và hạn chế, xử lý nhanh các điểm “sốt hàng”, gây tăng giá đột biến, nhất là trong dịp lễ, Tết; đồng thời, góp phần phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn TP. Đến tháng 12/2013, tổng số điểm bán của bốn chương trình bình ổn thị trường triển khai trên địa bàn TP là 7.665 điểm (tăng 732 điểm bán so với tháng 4/2013 khi bắt đầu chương trình năm 2013 - 2014; tăng 4.450 điểm bán so với năm 2011 khi bắt đầu triển khai đồng loạt bốn chương trình).

Riêng chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đã phát triển được 3.367 điểm bán (tăng 305 so với thời điểm tháng 4/2013). Hiện đã có 815 điểm bán tại quận ven, huyện ngoại thành và 16 điểm bán trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân. Bên cạnh đó, hàng hóa trong chương trình còn được phân phối thông qua các chuyến bán hàng lưu động.

Trong năm 2014, năm nhóm giải pháp của chương trình hành động tiếp tục được triển khai theo hướng đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, gồm: thông tin, tuyên truyền, vận động cho các sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá trị gia tăng; nâng cao vai trò của các cơ quan, đoàn thể, các hiệp hội trong chủ trì hoặc phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình nhánh, đặc biệt là tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận biết hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

TP tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả nhằm mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất lớn, hiện đại và bền vững. Tiếp tục phát triển hệ thống phân phối; tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến nhằm nâng cao kỹ năng bán hàng cũng như nhận thức của tiểu thương tại các chợ truyền thống về an toàn vệ sinh thực phẩm, về việc góp phần đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt; hợp tác thương mại có hiệu quả nhằm hỗ trợ cho sản phẩm sản xuất trong nước của các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối của TP.HCM để phục vụ người tiêu dùng TP. Đồng thời, TP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tạo nguồn hàng và phát triển mạng lưới phân phối không chỉ sâu rộng trên địa bàn TP mà còn phấn đấu vươn ra các tỉnh.

* PGS-TS-BS NGUYỄN TẤN BỈNH, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM:

NHIỀU BỆNH VIỆN QUẬN/HUYỆN SẼ NGANG TẦM BỆNH VIỆN TUYẾN TỈNH

Loi hua nam moi 

Năm 2014 chắc chắn ngành y tế TP.HCM sẽ phát triển sâu rộng hơn để người dân được hưởng lợi từ dịch vụ y tế so với năm 2013. Cụ thể, năm bệnh viện (BV) gồm: BV Q.4, BV Q.Bình Tân, BV Q.8, BV Q.6 và BV Q.2 sẽ được nâng lên thành BV hạng hai; riêng BV Q.Thủ Đức trở thành BV hạng nhất vì triển khai các kỹ thuật như các BV tuyến trên, vượt khỏi khuôn khổ của BV tuyến quận/huyện. Đồng thời, BV Q.7, BV H.Nhà Bè, BV H.Củ Chi, BV Q.11 bắt đầu được sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, máy móc để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Từ thành công của BV Q.2 về hình thành các khoa vệ tinh cho BV Nhi Đồng 2, BV Ung Bướu, năm 2014, Sở Y tế tiếp tục phát triển mạnh hệ thống BV vệ tinh ở khắp 24 quận/huyện, tập trung chủ yếu vào bốn lĩnh vực đông bệnh nhân như: chấn thương chỉnh hình, sản, nhi và ung bướu. Trong đó, BV Đa khoa Sài Gòn sẽ có khoa vệ tinh 100 giường của BV Chấn thương Chỉnh hình, BV Q.Bình Tân có thêm 50 giường. Ngoài ra, năm 2014, TP sẽ khởi công BV Ung Bướu cơ sở 2, quy mô 1.000 giường tại Q.9.

Năm 2014, TP.HCM sẽ triển khai mạnh hệ thống khám bệnh bảo hiểm y tế, bác sĩ gia đình đến tận các trạm y tế phường/xã. Năm 2014 sẽ có 50% trạm y tế phường/xã làm được nhiệm vụ này so với tỷ lệ 30% năm 2013 và năm 2015 sẽ có 100% trạm y tế có hệ thống bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, việc giảm tải cho các BV tuyến trên về lâu dài vẫn là đào tạo nguồn nhân lực với chất lượng cao hơn.

Vào năm 2014, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ cung ứng cho TP thêm 280 bác sĩ chuyên về sản, nhi so với con số 120 của năm 2013 và tăng lên 380 bác sĩ vào năm 2015. Để khắc phục tình trạng quá tải, mỗi bệnh nhân một giường bệnh phải theo lộ trình đến năm 2020 vì hiện có đến 50% người bệnh điều trị tại TP.HCM là từ các tỉnh/thành khác đến. Song song đó, TP.HCM sẽ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho các bác sĩ tuyến tỉnh. 

* Ông LÊ HỒNG SƠN, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

XÂY DỰNG 2.018 PHÒNG HỌC

Loi hua nam moi 

Trong năm 2014, TP sẽ triển khai 112 dự án xây dựng 2.018 phòng học, hoàn thành đưa vào sử dụng năm trường mầm non trong KCX-KCN... Ngành giáo dục TP sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch học kỳ II năm học 2013 - 2014 với các nội dung cụ thể: đào tạo, bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi TP.HCM; phân luồng HS sau trung học; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế học đường; tiếp tục thực hiện phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp; duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập bậc trung học và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi; đẩy mạnh công tác xóa mù chữ (đặc biệt chú trọng đối tượng sau 35 tuổi).

Về chuyên môn, thầy cô phải chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu thay cho việc dạy học nhồi nhét kiến thức. Ban giám hiệu nhà trường tăng cường tổ chức cho HS học tập, nghiên cứu, làm việc theo nhóm; biến quá trình truyền thụ tri thức một chiều của giáo viên, giảng viên thành quá trình tự học có hướng dẫn của thầy cô; khuyến khích, hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học ứng dụng trong thực tế. TP định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng để HS có thể có những công trình khoa học có giá trị, vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào thực tế cuộc sống. TP sẽ xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học với diện tích 20.000m2 phục vụ việc tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng khoa học cho HS. 

* Ông NGUYỄN VĂN XÊ - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM:

GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO 12.000 NGƯỜI NGHÈO

Loi hua nam moi

Trong giai đoạn 2014 - 2015, mức chuẩn nghèo TP đã được nâng lên (hộ nghèo 16 triệu đồng/người/năm, cận nghèo 21 triệu đồng/người/năm) thì TP sẽ có khoảng 130.000 hộ nghèo. Từ năm 2014-2015, TP phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2-2,5%, đến cuối 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% tổng hộ dân. Phấn đấu thực hiện đào tạo nghề 1.500 - 2.000 lao động/năm; giải quyết việc làm cho từ 12.000 - 15.000 lao động hộ nghèo và cận nghèo; chỉ tiêu cho vay cải thiện nhà ở từ 2.000 - 3.000 căn nhà/năm (mức vay bình quân 30 triệu đồng/hộ)…

TP sẽ huy động mọi nguồn lực để triển khai hàng loạt các giải pháp như: đảm bảo vốn, gắn liền với tổ chức tư vấn hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm trong nước và giới thiệu đi lao động ở nước ngoài. Bên cạnh đó, TP chăm lo các vấn đề an sinh xã hội như bảo hiểm y tế cho người nghèo, miễn giảm học phí, hỗ trợ phương tiện sinh hoạt… để người nghèo có thu nhập, tích lũy, không tái nghèo.

Hiện TP đã thực hiện thí điểm chương trình giảm nghèo đa chiều trong hai năm 2014-2015 ở bốn quận, huyện (Q.6, Q.Tân Phú, Q.11, H.Bình Chánh). Chương trình này không chỉ đánh giá chuẩn nghèo dựa vào tiêu chí thu nhập mà còn nhiều tiêu chí khác như giáo dục, y tế, nhà ở…Từ chương trình thí điểm này, TP.HCM sẽ xây dựng phương pháp đo lường, giám sát, xác định đối tượng và khuyến nghị chính sách thực hiện giảm nghèo đa chiều. Trên cơ sở đời sống và nhu cầu của người nghèo, cận nghèo, TP.HCM sẽ có chính sách chăm lo phù hợp. 

* Ông HUỲNH LÊ THÁI HÒA - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM:

ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM

Loi hua nam moi 

Năm 2014, tất cả các hoạt động an toàn thực phẩm (ATTP) đều hướng đến mục đích cuối cùng là vì sức khỏe của người dân. Vì vậy, một trong những công tác trọng điểm là tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể nhằm hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm (NĐTP); tăng cường lấy mẫu thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao để kiểm nghiệm, cảnh báo kịp thời cho người dân và tham mưu cho cơ quan quản lý có giải pháp kịp thời, hiệu quả. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp truyền thông để người dân nâng cao kiến thức về ATTP.

Thực tế, số vụ NĐTP và số người mắc đã giảm từ sáu vụ với 615 người mắc (năm 2012) xuống còn ba vụ, 184 người mắc (năm 2013) và giảm 85% vụ NĐTP, giảm 83% số người mắc so với năm 2009. Mục tiêu năm tới là hạn chế NĐTP ở mức thấp nhất có thể. Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, sẽ tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào (nhất là nguồn nông sản thực phẩm) thông qua xây dựng chuỗi ATTP “từ trang trại đến bàn ăn”, đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn.

Thông qua chuỗi trên, có thể truy tận gốc nguồn thực phẩm mất an toàn. Bên cạnh đó, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2014 sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm; dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… tập trung các nhóm thực phẩm phục vụ Tết.

Tuy nhiên, để công tác ATTP năm 2014 được hiệu quả, các thông tư liên bộ cần được ban hành để thống nhất quản lý. Vì, hiện nay có những cơ sở, sản phẩm do ba bộ (Y tế, NN-PTNT, Công thương) quản lý; cần quy về một mối để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 Nhóm PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI